Trẻ đau bụng, rối loạn tiêu hóa lâu ngày có thể bị khối u ổ bụng

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 12/12/2021 06:31 AM (GMT+7)
Nhiều cha mẹ hốt hoảng khi phát hiện con có khối u ổ bụng, sợ hãi con bị ung thư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không phải khối nào nào cũng là khối u ác tính, cha mẹ cần bình tĩnh đưa con đi khám sớm nhất để được chẩn đoán và xử lý sớm nhất.
Bình luận 0

Hốt hoảng khi bỗng nhiên con có khối u ổ bụng

Thắc mắc về khối u ổ bụng của con, chị Như Huệ qua chương trình tư vấn trực tuyến do Bệnh viện K tổ chức đã gửi câu hỏi đến cho bác sĩ.

Chị cho biết, con chị mới được 2 tháng tuổi, nặng 5kg. Khi chị mang thai tháng cuối đi siêu âm thì bác sĩ cho biết nghi ngờ bào thai có khối u tuyến thượng thận trái.

Sau khi sinh ra, con chị được khám và chẩn đoán có khối u thượng thận trái 2cm và có nốt ở lách 2cm, cần phải đi bệnh viện chuyên khoa khám. Chị và gia đình rất lo lắng không biết bệnh của con có nặng không, điều trị thế nào.

Trẻ đau bụng, rối loạn tiêu hóa lâu ngày có thể bị khối u ổ bụng - Ảnh 1.

Khối u ổ bụng ở trẻ em đa số lành tính (Bệnh nhi tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19. BVCC)

Bác sĩ Hoàng Thu Trang, Phó Trưởng khoa Nội nhi (Bệnh viện K) cho biết, với trường hợp của con chị Như Hoa, chị cần phải đưa con đi khám chuyên khoa về ung thư tại các bệnh viện chuyên về ung bướu, bệnh viện K, bệnh viện nhi. Các bác sĩ sẽ khám kỹ để xem con chị còn tổn thương gì khác không, xác định loại u gì và đưa ra cách điều trị thích hợp.

"Với các dấu hiệu chị cung cấp thì chúng tôi hướng đến bệnh ác tính là u nguyên bào thần kinh. Các bác sĩ sẽ phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Nếu thực sự cháu bé bị u nguyên bào thần kinh và không có tổn thương ở các bộ phận khác thì chúng tôi khuyên nên sinh thiết khối u và làm các xét nghiệm gen cho cháu.

Nếu cháu có các dấu hiệu tốt thì không cần điều trị mà bệnh sẽ có xu hướng tự thoái triển. Trẻ sẽ được theo dõi đến khi 5 tuổi. Nếu thoái triển hoàn toàn, trẻ sẽ khỏe mạnh bình thường. Còn nếu có tiến triển khác thì tùy tình hình để bác sĩ đưa ra các chẩn đoán và hướng điều trị khác", bác sĩ Trang chia sẻ.

Đừng bỏ qua dấu hiệu về khối u ổ bụng: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn

Theo TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi (Bệnh viện Việt Đức), khối u vùng bụng ở trẻ em có cả u lành và u ác. Ngày nay, nhờ tiến bộ của các kỹ thuật siêu âm chẩn đoán trước sinh cho phép phát hiện khối u từ trong bào thai, sau sinh được theo dõi, chẩn đoán để điều trị kịp thời.

"Với u vùng bụng ở trẻ em, khối u lành nhiều hơn u ác tính. Các u lành như u nang mạc treo, mạc nối, u nang sau ổ bụng, khối u tổ chức mang tính chất hỗn hợp - u lành. Hay ở trẻ gái có thể gặp u nang buồng trứng, u quái buồng trứng nhưng là các u quái lành tính. Trẻ trai hay gặp khối u tinh hoàn lành tính", TS Hoa chia sẻ.

Theo các bác sĩ, có một tỷ lệ nhỏ trẻ sẽ gặp khối u ác tính. Khối u ác tính có thể gặp ở bất cứ vị trí nào.

Trẻ đau bụng, rối loạn tiêu hóa lâu ngày có thể bị khối u ổ bụng - Ảnh 2.

Hiện nay có nhiều kỹ thuật tiến bộ giúp chẩn đoán và điều trị ung thư hiệu quả cao (Ảnh minh họa: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC)

"Nếu trẻ đã được chẩn đoán có khối u ổ bụng từ trong bào thai hoặc cha mẹ phát hiện con có nghi ngờ khối u ổ bụng thì việc cần làm là chuyển trẻ lên bệnh viện chuyên khoa để đánh giá u lành hay u ác tính.

Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị kịp thời, đúng bệnh. Đừng chần chừ khiến con mất đi cơ hội được điều trị bệnh sớm", bác sĩ Trang khuyến cáo.

Theo TS Hoa, cha mẹ không nên bỏ qua bất cứ những biểu hiện khác lạ nào về sức khỏe của con. "Nếu trẻ bị nôn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đau bụng... có thể là những dấu hiệu của khối u ổ bụng.

Do đó, cha mẹ cần đưa con đi khám chuyên khoa ung bướu để được làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác. Việc phát hiện sớm khối u trong ổ bụng sẽ giúp điều trị sớm nhất, hiệu quả cao nhất để trẻ được khỏe mạnh", TS Hoa chia sẻ.

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới có xu hướng tăng.

Mặc dù ung thư ở trẻ em là nhóm bệnh tương đối hiếm gặp, số ca ghi nhận dưới 15.000 trường hợp và khoảng 1.500 trường hợp tử vong hàng năm trong nhóm trẻ em từ 0 đến 14 tuổi.

Tuy nhiên, ung thư lại là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em, sau chấn thương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem