Hơn sáu tháng qua, nhà bà Nguyễn Thị Bé Năm (thường gọi là “cô Tám”) ở ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, mỗi ngày có trên 70 lượt người đến nhờ “cô Tám” điều trị. Số người đến đây khám bệnh có khi lên đến trên 200 người. Từ trước sân, nhà trên, nhà dưới; từ trong buồng ra tận sau hè... đều chật kín người.
|
"Bà Tám" đang chữa cho người bệnh |
Nhà “cô Tám” nằm sâu trong ấp Cây Điệp, tìm đường đi khá vất vả. Bệnh nhân ở Trà Vinh hay ở các huyện khác của tỉnh Vĩnh Long đến thì đi xe gắn máy từ UBND xã Thiện Mỹ vào khoảng 2km. Bệnh nhân từ Sóc Trăng muốn sang nhà “cô Tám” phải qua đò.
Vào tận nơi trị bệnh, chúng tôi mới biết tường tận cách “điều trị” của “cô Tám”. Sau khi cùng các bệnh nhân tụng niệm, “cô Tám” và một người giúp việc dùng rượu thuốc, do cô tự pha chế, xoa bóp. Đau chỗ nào thoa chỗ ấy. Bệnh nhân đau mắt hay nhức tai thì được nhỏ mắt và “thổi” lỗ tai. Sau đó, “cô Tám” ra toa thuốc nam cho bà con tự về nhà tìm uống.
Dụng cụ và cách chữa bệnh của “cô Tám” gồm một thanh gỗ nhỏ dài khoảng 20 cm, một đầu quấn vải vụn, nhúng vào bình rượu thuốc, thoa cho bệnh nhân. Tất cả đều sử dụng chung, kể cả thuốc nhỏ mắt. Cô Tám dùng ống hút nước thổi vào tai, lỗ mũi người bệnh.
Dù là chữa bệnh không thu tiền nhưng người đến khám phải cúng tiền. Hầu hết người bệnh đến từ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, số ít còn lại ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, người ở địa phương hầu như không có.
“Cô Tám” chưa từng qua một khóa đào tạo nào về y tế. Cơ sở khám chữa bệnh của cô cũng không được cấp chứng chỉ hành nghề. “Cô Tám” chỉ mới học hết lớp 5 trường làng. Mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động, kể cả xử phạt hành chính, nhưng cơ sở này vẫn tồn tại.
“Muốn nghỉ lắm nhưng thương bệnh nhân từ xa đến, tốn tiền đò, tiền xăng, nên gắng trị chứ đâu muốn làm”, nói vậy nhưng thuốc luôn được chuẩn bị sẵn sàng phục vụ bệnh nhân. Thuốc chữa bệnh thì cả đông lẫn tây. Chính quyền địa phương đã tịch thu thuốc của cơ sở nhiều lần nhưng sau đó cơ sở lại tiếp tục hoạt động".
|
Bệnh nhân tụng niệm trước khi điều trị |
“Cô Tám” còn khẳng định: “Tám học tới lớp 5 lớp 6 thôi, không học nhiều vì số Tám học không được nhiều chữ, để đi cứu người thôi. Ai cũng đến đây. Mấy cô mắc bệnh mệt mỏi, khó chịu đến đây, ngồi nói chuyện với Tám là hết bệnh đó”.
Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn cho biết, bà Năm tiếp tục duy trì hoạt động như vậy do một số người đứng sau bà làm tuyên truyền, quảng cáo rằng bà này trị hết bệnh cho nhiều người, để lừa dối các bệnh nhân khác. Khi UBND xã mời bà về giáo dục thì một số bệnh nhân lại kéo đến uỷ ban xin cho bà tiếp tục hành nghề.
Thực tế này cũng cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe của ngành y tế cho người dân còn hạn chế. “Cô Tám” chưa đủ điều kiện để hành nghề, vậy mà hơn ba tháng trôi qua kể từ ngày UBND xã Thiện Mỹ xử phạt, cơ sở chữa bệnh của “cô Tám” vẫn hoạt động.
Theo CATPHCM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.