Trích ngân sách lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là vô lý

Long Nguyên Thứ sáu, ngày 24/10/2014 15:32 PM (GMT+7)
Sáng 24.10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), vấn đề quỹ phát triển nhà ở xã hội được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến với những quan điểm trái chiều. 
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề có nên thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội hay không, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, qua thảo luận ghi nhận 2 luồng ý kiến: Luồng thứ nhất không tán thành. Luồng thứ hai tán thành, nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động.

Đứng về luồng ý kiến không tán thành, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhấn mạnh: Không nên thành lập quỹ này vì ngay trong dự thảo Luật đã có quy định chính sách ưu đãi cho nhà ở công vụ, tái định cư… nên không cần thiết lập quỹ nữa. Bên cạnh đó, đại biểu Vẻ cho rằng, phương án huy động vốn trong dự thảo Luật quy định cũng không khả thi. “Không có lý do gì trích tiền ngân sách, tiền thuế đóng góp của dân để lập quỹ này chỉ để phục vụ cho một nhóm dân cư. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên lấy tiền đâu để trả lãi suất trái phiếu Chính phủ? Còn nếu nói lấy tiền góp vốn tiết kiệm từ người mua nhà thì cũng không có cơ sở, vì họ có tiền thì mua đứt nhà chứ lý do gì trích tiền đóng vào quỹ”, đại biểu Vẻ khẳng định.

Đồng quan điểm với đại biểu Vẻ, nhiều đại biểu cũng không tán thành việc lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Nếu thành lập quỹ này sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề và khó kiểm soát”. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) bổ sung thêm: “Nguồn kinh phí để hoạt động quỹ này là không khả thi vì ngân sách hiện nay đã quá căng thẳng”.

 Tuy nhiên, cũng có đại biểu tỏ ý tán thành và phân tích rõ lý do vì sao tán thành. Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc lo nhà ở cho dân là của chính quyền địa phương chứ không phải Bộ Xây dựng. Về nguồn vốn cho quỹ, có thể từ 3 nguồn là vốn ngân sách, vốn đóng góp trước thuế của doanh nghiệp và của chính người mua nhà góp tiền mua nhà trong tương lai. “Theo tôi, không nên bỏ qua quy định thành lập quỹ này”, đại biểu Lịch khẳng định. Đồng tình quan điểm này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu ý kiến: “Đây không phải vấn đề mới mà đã được quy định trong Luật nhà ở hiện hành. Vì thế, việc hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội là cần thiết. Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, thành lập quỹ này”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem