Dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng An ninh Lâm Ðồng kết hợp với Cục KE3 (nay là A83) đã phát hiện kế hoạch nội gián song phương mang tên “Hoàng Mai”, “Âm Thanh” của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cảnh sát Ðặc biệt (CSÐB) của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Theo kế hoạch này, từ tháng 2.1971, CIA và CSÐB đã triển khai biện pháp nghiệp vụ cài cắm tình báo viên (TBV) vào một đơn vị cánh Nam Thị ủy Ðà Lạt.
Trong hồ sơ của địch ghi rõ đầu mối TBV là Nguyễn Văn V, được CIA đánh giá là một TBV “trung thành, cung cấp tin tức kịp thời, có giá trị cao về mặt chiến lược, chiến thuật, nhanh nhẹn tháo vát có khả năng về công tác tình báo”.
Bên cạnh đó, Ty Công an (nay là Công an tỉnh) Lâm Đồng còn được quần chúng và các cơ sở Cách mạng trước đây cung cấp nhiều thông tin về V và một số tên khác đã làm tay sai cho địch, gây thiệt hại cho phong trào Cách mạng tại địa phương.
Qua công tác khai thác hồ sơ địch để lại, sau khi xác minh các tài liệu, thu thập chứng cứ, lực lượng An ninh đã bắt giữ V và quá trình đấu tranh đã làm rõ hoạt động nội gián của V và đồng bọn.
Khu Hòa Bình - Ðà Lạt năm 1967.
Nguyễn Văn V, tức Mười V, là trưởng thôn ở một tỉnh miền Trung thuộc vùng địch kiểm soát. Do có nhiều tội ác với phong trào Cách mạng tại địa phương, năm 1961, V bị kết án tử hình nhưng đã trốn lên Đà Lạt. Tại đây, lợi dụng sự mất cảnh giác của ta, V được nhận làm cơ sở của một đơn vị cánh Nam.
Vốn là một tên phản Cách mạng từng gây nhiều tội ác nên khi bị địch bắt ngày 5.2.1966, V đã nhanh chóng nhận làm TBV cho địch. V khai báo cho CSĐB về Hồ H (tức Hồ Ngọc Đ), nguyên là cán bộ Cách mạng tại Khánh Hòa lên Đà Lạt, làm cơ sở cho đơn vị cánh Nam. CSĐB đã bắt, khống chế H cùng làm tay sai cho CSĐB với V.
Ngày 1.2.1966, CIA tài trợ cho CSĐB Đà Lạt thiết lập kế hoạch “Hoàng Mai”, sử dụng V và H làm hai TBV có bí số E7/X1 và S7/X2, hoạt động nội gián tại Đà Lạt, nằm trong một đơn vị cánh Nam. CIA và CSĐB cùng phối hợp chỉ đạo kế hoạch “Hoàng Mai”. Sĩ quan điều khiển trực tiếp kế hoạch này gồm: Inthor (CIA) phối trí viên của CSĐB Đà Lạt, Bùi Văn L – Trưởng “F” đặc biệt Đà Lạt, Khiếu T – Trưởng “G” cộng tác.
Chúng thiết lập hệ thống liên lạc, sử dụng 2 địa chỉ tại phố Nguyễn Thượng Hiền, phố Trần Phú và 3 khách sạn tại Đà Lạt làm địa điểm liên lạc giữa TBV và sĩ quan điều khiển. Với việc tập trung chỉ đạo của CIA và CSĐB, V và H từng bước xây dựng được uy tín trong đơn vị cánh Nam và thu thập được nhiều tài liệu tin tức cung cấp cho địch. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch của CSĐB, V và H còn đưa tên Ch là mật báo viên vào đơn vị này.
Trong quá trình hoạt động, V và H đã báo cáo cho CIA và CSĐB nhiều tin tức về tổ chức, nhân sự, những chủ trương, nhiệm vụ công tác đấu tranh của nhiều cơ quan, đơn vị cách mạng ở Đà Lạt; các chỉ thị, nghị quyết của Thị ủy, Tỉnh ủy… Đặc biệt, hai tên này còn cung cấp cho địch về phần lớn cơ sở và những chủ trương hoạt động của đơn vị cánh Nam. Những tài liệu mà V và H cung cấp được các cơ quan nghiên cứu của địch đánh giá “chính xác, kịp thời, có giá trị chiến lược cao”.
Tháng 11.1969, do những biến động của tổ chức Cách mạng, V và H mất liên lạc với đơn vị cánh Nam. Trong quá trình tìm cách liên lạc với CSĐB, V bị một đơn vị cánh Bắc phát hiện, xác định anh ta là kẻ phản bội đang làm tay sai cho địch. Đơn vị vũ trang cánh Bắc tổ chức tiêu diệt nhưng chỉ làm V bị thương.
CIA và CSĐB thấy đầu mối bị lộ đã quyết định chấm dứt kế hoạch “Hoàng Mai” nhưng vẫn theo dõi mọi hoạt động của V để khi cần thiết sẽ tiếp tục sử dụng. Cuối tháng 12.1969, V móc nối trở lại và được hoạt động tiếp trong đơn vị cánh Nam. Nắm được tình hình đó, CIA và CSĐB cho S (vợ V) vào căn cứ dò xét tình hình.
Thấy ta mất cảnh giác, không có dấu hiệu nghi ngờ nên chúng đã quyết định tiếp tục sử dụng V và H hoạt động nội gián tại đơn vị cánh Nam với kế hoạch mang tên “Âm Thanh”. Chúng đã thu thập được nhiều tin tức giúp cho địch đối phó dẫn đến hoạt động của đơn vị này ngày càng sa sút, nội bộ mất đoàn kết, một số cơ sở Cách mạng bị bắt, địch đánh phá, phong trào Cách mạng ở Đà Lạt gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, nhiều lần Thị ủy nhắc nhở Ban Lãnh đạo đơn vị cánh Nam chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ, cơ sở và hoạt động, rà soát lại công tác bảo vệ nội bộ. Mặc dù Thị ủy đã chỉ đạo nhưng tình hình đơn vị này vẫn phức tạp. Tháng 11.1970, Thị ủy quyết định bố trí lại cán bộ lãnh đạo, điều chuyển cán bộ phụ trách đi làm công tác khác.
Quyết định trên của Thị ủy, V đã báo cáo cho địch và chúng lập kế hoạch với 3 phương án, chỉ đạo V bắt, khống chế đồng chí cán bộ phụ trách làm TBV nội tuyến. V đã tích cực chuẩn bị địa bàn, phương tiện và hẹn gặp đồng chí này tại một địa điểm đã định sẵn để bắt, khống chế.
Nhưng do Thị ủy đang tập trung củng cố nội bộ của đơn vị cánh Nam, nâng cao cảnh giác cho lãnh đạo và nhân viên nên kế hoạch của chúng không thực hiện được. Do vậy, chúng phải chấm dứt kế hoạch “Âm Thanh” vào tháng 2.1971. V tiếp tục được địch sử dụng làm mật báo viên tại địa bàn quan trọng này cho đến ngày ta giải phóng Đà Lạt.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vợ chồng V lại tìm cách che giấu quá khứ tội lỗi, tạo vỏ bọc mới để chui vào tổ chức Cách mạng, làm bảo vệ tại một nhà khách của ta ở Đà Lạt.
Về phần H, sau khi được CSĐB chuyển vào làm trật tự trong nhà giam của Đà Lạt, năm 1973, H được ngụy tạo hồ sơ Việt Cộng bị bắt và trao trả ra Bắc. Tại trạm an dưỡng, H khai man lý lịch, giấu giếm tội lỗi.
Sau khi miền Nam giải phóng, H xin về công tác tại một đơn vị Hậu cần ở một tỉnh miền Trung. Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, căn cứ vào tội lỗi của từng tên, giữa năm 1977, lực lượng an ninh bắt tập trung cải tạo V và H.
Khổng Hà (Cảnh Sát Toàn Cầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.