Trông người lại ngẫm đến ta

Thứ sáu, ngày 15/10/2010 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Một kỳ tích vĩ đại chưa từng có của làng thợ mỏ thế giới" - ông Đoàn Văn Kiển - nguyên Chủ tịch HĐQT TKV bình luận trước việc 33 thợ mỏ Chile vừa được cứu sống từ độ sâu gần 700m.
Bình luận 0

Các thợ mỏ đã trở về mặt đất sau 68 ngày bị vùi lấp dưới một hầm mỏ khai thác đồng và vàng từ độ sâu 624m. Còn nhớ năm 1968, Balan cũng đã từng cứu sống 107/108 thợ lò khai thác than bị vùi lấp dưới hầm sâu âm 100m, thời gian kéo dài suốt 10 ngày, đã là ghê rợn.

Nhưng so với thợ mỏ Chile, cuộc chung sống với thần chết còn khủng khiếp ngàn lần. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã được diễn tả bằng nước mắt của cả đất nước "Cánh hoa dài": Những người thợ mỏ của họ đã chiến thắng.

Những người thợ mỏ Chile chiến thắng trước hết bởi nội lực quyết sống và tinh thần kỷ luật sắt đá không phút nào phân rã trong mỗi con người. Họ viết thư tình; kỷ niệm Quốc khánh Chile trong đáy huyệt; họ giữ kỷ luật đến từng giọt nước. Họ sống bởi Tổ quốc Chile luôn tin những đứa con của mình không thể chết. Nói như Tổng thống Sebastian Pinera: "Chúng ta đã giữ lời hứa không bao giờ bỏ cuộc". Và một điều không thể không nhắc tới: Sự giúp đỡ chí tình của cộng đồng quốc tế với sức mạnh khoa học công nghệ cấp tiến đã giúp những người thợ mỏ trở về mặt đất bình an.

12 vạn thợ mỏ của ngành than VN không ai không xúc động bởi tin này. Chúc phúc những người đồng nghiệp bên kia bán cầu nhưng một câu hỏi lớn bỗng không nguôi dằn vặt: Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ ra sao? Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành than đã có một bước tiến quyết liệt trong việc cách mạng công nghệ khai thác.

Toàn bộ khối sản xuất hầm lò đều đã tiến hành cơ giới hóa bằng hệ thống vì chống thép, giá thủy lực di động, thiết bị khấu combai; băng tải tự động; xe điện monoray... nâng sản lượng than khai thác tăng vọt, giảm cường độ làm việc; hạn chế thấp nhất tình trạng mất an toàn lao động và hiện tại, tầng khai thác sâu nhất của TKV đã đạt tới âm 300m. Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực phi thường, thợ lò TKV vẫn phải đối mặt từng giờ với rất nhiều bất trắc.

Điều dễ thấy là chiến lược đầu tư chưa đồng bộ, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch tài nguyên vẫn vô cùng phức tạp. Trang bị các phương tiện kỹ thuật đủ năng lực cứu hộ hết sức hạn chế; hệ thống camera giám sát an toàn lao động cho các khu vực khai thác hầu như chưa có. Thuốc men sơ cứu; nguồn nước uống và thực phẩm dự trữ trong lò ứng phó với tình huống xấu hoàn toàn không được chuẩn bị.

Một giám đốc mỏ đã bình luận về hiện trạng này: "Với chúng ta, có lẽ cầm cự được 3 ngày đã là kỳ diệu. Vì rằng người thợ vào lò chẳng có gì ngoài chiếc bánh mì. Không ăn ngay thì chuột nó ăn mất". Nguyên nhân của sự thiếu đồng bộ chính là vì ngành than không đủ nguồn tài chính để có thể cùng lúc đầu tư cho tất cả.

Hòn than làm ra chịu vô số các chi phí giá thành nhưng giá bán hầu như không hề được phép thay đổi. Than bán cho nhiều ngành công nghiệp trong nước luôn thấp hơn so với giá thị trường từ 18 - 35%. Nếu hòn than được thị trường hóa, chắc chắn chiến lược đầu tư của ngành than không chỉ dừng ở mức hiện nay.

Trong câu chuyện của 33 thợ mỏ Chile, có một chi tiết về mũi khoan nhanh. Chính nhờ mũi khoan chính xác này mà người ta kịp chuyển nước uống, thực phẩm, thuốc men xuống đáy lò khi mọi nguồn dự trữ đã hoàn toàn cạn kiệt. Giả như không có một quy hoạch và thiết kế hầm mỏ bài bản, có lẽ tình huống sẽ khác đi nhiều.

Với điều kiện thực tế của hầm lò than VN hiện nay, đây là điều không thể không tính đến. Càng không thể không nhìn lại những trang bị kỹ thuật và công tác hậu thuẫn tối thiểu cho người thợ. Chúc phúc cho bạn nhưng đừng quên sự an lạc cho mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem