Trồng sầu riêng thu tiền tỷ, cơn sốt lan nhanh ở Đắk Nông

Thứ sáu, ngày 01/07/2016 10:04 AM (GMT+7)
Mùa mưa này, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hăm hở làm đất, đào hố để trồng sầu riêng. Loại cây ăn trái này được nông dân trong tỉnh rất ưa chuộng, ra sức nhân rộng trong vài năm trở lại đây. Bởi nó mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ha.
Bình luận 0

Những năm qua, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không ngừng được mở rộng. Không chỉ góp phần đa dạng hóa cây trồng, đây còn là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/ha cho người dân.

img

Thương lái tấp nập thu mua sầu riêng

Cơn sốt lan nhanh

Gia đình ông Trần Hào, xã Đắk Nia (TX Gia Nghĩa) có 2 ha trồng cà phê già cỗi đã hơn 15 năm tuổi, năng suất cà phê thấp chỉ hơn 2 tấn nhân/ha. Tranh thủ những ngày nắng hạn vừa qua, ông thuê nhân công đào gần 600 hố, phơi đất cho tơi xốp, đợi mùa mưa đến là xuống giống sầu riêng.

Theo ông Hào, có hai loại cây trồng cho năng suất, thu nhập cao đó là bơ Booth và sầu riêng. Tuy nhiên, xét về các yếu tố như thị trường, thương hiệu, thổ nhưỡng, thì cây sầu riêng tỏ ra thích hợp hơn. Nếu mạnh dạn chuyển đổi 2 ha cà phê sang trồng chuyên canh sầu riêng, chỉ sau 3 năm khu vườn của ông có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, tăng dần qua các năm sau.

“Cách chuyển đổi vườn cây rất đơn giản, cứ cách 2 cây cà phê tôi lại đào một hố, trồng cây khoảng cách ước chừng 6 m. Nơi nào có cây giống thì tôi lại rong tỉa một số cành của cây cà phê để tạo thông thoáng cho sầu riêng phát triển. Làm như vậy, vụ cà phê năm nay và sang năm, gia đình tôi vẫn có thu như thường. Đến khi cây 3 năm tuổi tôi mới loại bỏ hẳn cây cà phê, tập trung chăm sóc cây sầu riêng", ông Hào nói.

Tương tự, anh Đỗ Trung Kiên, xã Đắk Ru (Đắk R’Lấp), cũng đang tất bật chăm sóc cho hơn 1,5 ha sầu riêng mới xuống giống cách đây hơn 2 tháng. Để có 1,5 ha đất trống trồng sầu riêng này, anh phải bấm bụng, hạ đi gần như cả vườn điều của mình, chỉ giữ lại một số cây điều ghép có năng suất cao, vừa làm cây che bóng.

Anh Kiên cho hay, anh đã theo dõi nhiều về cây sầu riêng và đã bỏ công đi nhiều mô hình trồng sầu riêng khắp nơi ở Đăk Lăk và trong tỉnh. Bản thân anh nhận thấy, sầu riêng là loại cây ăn trái cho năng suất và thu nhập rất cao, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Đã có nhiều hộ nông dân trong vùng chuyển đổi thành công với loại cây này.

“Ở Đăk Lăk thấy người ta làm giàu từ cây sầu riêng ầm ầm mà mình ham, nhưng ngặt nỗi không có đất để trồng. Thấy vậy, tôi liều chặt bỏ điều để trồng. Mảnh đất này xấu lắm, nhưng với những gì đã được học, cùng với kinh nghiệm làm nông bao năm qua, tôi tin là vườn sầu riêng của mình sẽ phát triển xanh tốt”, anh Kiên nói.

“Cơn sốt” sầu riêng đang lên, không chỉ khiến nông dân hăm hở chuyển đổi mà giá sầu riêng giống cũng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Nếu 3 năm trước, một cây giống sầu riêng chỉ có giá xấp xỉ 20.000 đồng thì hiện nay giá đã lên đến 30.000-35.000 đồng. Còn đối với loại giống như Ri6 giá lên đến gần 40.000 đồng. Giá giống tăng cao, nhà nhà đổ xô đi trồng khiến các cơ sở cây giống không cung cấp đủ, nhiều nhà vườn tự ý ươm luôn cả cây giống.

Theo Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, sầu riêng được trồng trên địa bàn tỉnh từ lâu, phát triển tốt trên các vùng đất đỏ bazan. Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh liên tục tăng mạnh (chủ yếu là diện tích trồng xen trong các vườn cà phê).

Năm 2010, diện tích thu hoạch sầu riêng toàn tỉnh 413ha, tổng sản lượng đạt gần 4 nghìn tấn, năm 2011 là 463ha, sản lượng gần 4.500 tấn, năm 2012 là 628ha, sản lượng gần 7.000 tấn, tập trung tại các huyện Đăk Mil, Cư Jut và Đăk R’Lấp. Hiện diện tích trồng sầu riêng trong toàn tỉnh đã lên đến hơn 1.000 ha.

Trong đó, sầu riêng trồng tại Đắk Mil có diện tích và năng suất vượt trội so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Tính riêng năm 2012, diện tích thu hoạch sầu riêng tại Đắk Mil là 389ha, chiếm trên 60% diện tích thu hoạch sầu riêng toàn tỉnh, sản lượng 4.979 tấn, chiếm 73% tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh. Giống sầu riêng được trồng tại Đắk Mil nổi tiếng thơm ngon, cơm vàng, dẻo, tỷ lệ cơm cao hơn so với các vùng trồng khác nên được người tiêu dùng ưu chuộng.

Thu gần tỷ đồng/ha

Đến tham quan trang trại sầu riêng Gia Trung đúng vào mùa thu hoạch, chúng tôi bị cuốn hút bởi hàng ngàn cây sầu riêng sai trái.

Chỉ tay về phía những hàng sầu riêng trĩu quả, ông Bùi Minh Dũng, quản lý trang trại cho biết: “Mỗi cây sầu riêng này đang “cõng” trên mình khoảng 1,5-2 tạ trái đấy. Tính ra, nó đang giữ trên 4 triệu đồng cho gia chủ. Trong số 70 ha thì trang trại có 40 ha đã kinh doanh, chúng đang bắt đầu của thời kỳ kinh doanh vàng. Bởi vì, hàng năm mỗi cây cũng đem về vài triệu chứ không ít đâu”.

Đặc biệt, để nâng cao thu nhập, trang trại Gia Trung còn áp dụng điều chỉnh để cho ra trái trái vụ. Trang trại phải “căn” để cho ra trái không những trúng mùa mà còn được cả giá thì mới lời nhiều. Năm ngoái, trang trại thu hoạch hơn 60 tấn trái trái vụ và năm nay ước đạt gấp đôi.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung cho biết: Ở Đắk Nông hiện nay, cây sầu riêng được đánh giá là một trong những loại cây trồng cho thu nhập khủng. Ngoài chất lượng vượt trội, thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Đắk Nông cũng vô cùng thuận lợi.

Thông thường mùa thu hoạch sầu riêng bắt đầu từ các tỉnh miền Tây, sau đó tới Đông Nam bộ rồi mới dịch chuyển dần lên vùng Tây Nguyên. Do đó, trái sầu riêng ở đây bao giờ cũng được giá. Vụ sầu riêng năm ngoái, hơn 700 tấn sầu riêng của trang trại được thương lái tranh nhau mua. Họ đánh xe ô tô vào tận trang trại mua với giá tới 25.000 đồng/kg.

Theo ông Trung, trồng sầu riêng đúng quy trình, sau 3-4 năm tuổi cho thu hoạch, 5-7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Nắm vững và làm chủ kỹ thuật canh tác, bình quân mỗi ha trồng thuần có thể đạt 30-40 tấn quả/năm. Với giá bán bình quân 25.000đ/kg, người trồng thu về xấp xỉ cả tỷ đồng/ha. Để sầu riêng đạt năng suất cao, những năm qua, các nhà vườn tại Đắk Nông sử dụng giống chất lượng cao, đã được khẳng định trên thị trường như Monthong, Ri6, nhân giống từ cây đầu dòng được tuyển chọn tại huyện Đắk Mil.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung: Để khuyến khích phát triển sầu riêng như một loại cây ăn quả chủ lực, tỉnh Đắk Nông cần xây dựng quy hoạch về vùng trồng có lợi thế như Đắk Mil và một số vùng trồng tập trung khác. Bên cạnh đó, việc cần làm cấp bách là xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Mil gắn với chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sầu riêng Đắk Nông trên thị trường trong và ngoài nước.

Thanh Sa (Nông Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem