Trọng tài V.League: Đỏ mắt tìm người giỏi

Chủ nhật, ngày 04/04/2021 18:40 PM (GMT+7)
Những quyết định thiếu quyết đoán của các trọng tài tại V.League 2021 khiến người ta một lần nữa than vãn về chất lượng của các ông vua áo đen.
Bình luận 0

1. Những tấm thẻ bị bỏ quên

Một phần ba chặng đường của V.League 2021 đã trôi qua. Bên cạnh sự thăng hoa của HAGL cũng như những tên tuổi trở lại với giải đấu này, V.League tiếp tục chứng kiến một tâm điểm không mong muốn nữa. Đó là các quyết định thiếu sức răn đe đến từ các trọng tài.

Trọng tài V.League: Đỏ mắt tìm người giỏi - Ảnh 1.

Tình huống mà Hoàng Thịnh đạp gãy chân Hùng Dũng trong trận đấu giữa TP.HCM và Hà Nội FC thuộc vòng 5 V.League 2021 suýt chút nữa trở thành trò cười cho dư luận, nếu như trọng tài Vũ Nguyên Vũ không nhanh tay đổi từ thẻ vàng sang thẻ đỏ cho Hoàng Thịnh khi ấy.

Sang đến vòng 6, Hà Nội FC gặp Hà Tĩnh trên sân nhà, trung vệ Trần Đình Trọng rượt theo túm quần Chevaughn Walsh của Hà Tĩnh và bị ngoại binh người Jamaica vung tay vào mặt. Trọng tài đến lúc đó mới cắt còi, nhưng ông không phạt thẻ Đình Trọng.

Hai ngày sau vụ việc ấy, một tình huống khác lại khiến người hâm mộ xem V.League 2021 bất bình. Và cuối trận Sài Gòn thua Nam Định 0-3, Phan Thế Hưng (Nam Định) thẳng chân đạp vào ống quyển của Công Thành (Sài Gòn). Quá đau, Công Thành ngã xuống sân. Trọng tài Nguyễn Ngọc Châu (Còi vàng năm 2016) chạy đến nói với Công Thành rằng: "Quẹt trúng, quẹt nhẹ vậy làm gì nằm ăn vạ vậy".

Vừa đau, vừa bị uất ức khi đối thủ không bị phạt còn mình thì bị chỉ trích với giọng điệu không thể chấp nhận được, Công Thành phản ứng và nhận ngay chiếc thẻ vàng! Ngược lại, ông Châu lại không rút thẻ với Thế Hưng.

2. Ban Kỷ luật "rút thẻ" thay trọng tài?

Cũng may cho V.League, giải đấu này vẫn còn có truyền hình, truyền thông, dư luận để phản ánh, khi các trọng tài trên sân không đủ khả năng bao quát, đọc tình huống và xử lý đúng luật. Thông qua đó, Ban Kỷ luật VFF trở thành đơn vị "rút thẻ" phạt thứ 2, với những án phạt nguội để xử lý đúng người, đúng tội.

Trọng tài V.League: Đỏ mắt tìm người giỏi - Ảnh 2.

Trường hợp của Ngô Hoàng Thịnh bị Ban Kỷ luật VFF ra án phạt treo giò hết năm 2021 cùng mức tiền phạt lên đến 40 triệu đồng. Với 2 trường hợp của Samson và Thế Hưng, án phạt treo giò 3 trận cùng mức tiền phạt 15 triệu đồng được đưa ra kịp thời để tránh dậy sóng dư luận không mong muốn.

Đúng là sự xuất hiện của Ban Kỷ luật VFF may ra còn giúp dư luận bóng đá Việt Nam cảm thấy có chút công bằng, khi những cầu thủ phạm lỗi không lọt khỏi phán xử bởi luật bóng đá và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, nó không thể vì thế mà xoá bỏ định kiến ngày một tăng lên với chất lượng các trọng tài ngày một đi xuống trong thời gian qua.

3. Dấu hỏi chất lượng trọng tài

Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung ngày càng hiếm trọng tài giỏi. Thậm chí có quan điểm cho rằng giờ một trọng tài ở mức độ trung bình cũng không phải dễ dàng đào tạo và bồi dưỡng được để phát triển năng lực tại V.League.

Trọng tài V.League: Đỏ mắt tìm người giỏi - Ảnh 3.

Quy trình đào tạo trọng tài mất rất nhiều thời gian. Sau 5-7 trận như thế, các trọng tài tập sự mới được giao cầm còi chính thức trong khoảng 6 tháng, qua đó được lựa chọn cử đi học lớp trọng tài sơ cấp quốc gia. Rồi cũng phải mất 3 năm theo học các lớp trọng tài, họ mới có thể được VFF tạo điều kiện thử sức ở ở các giải trẻ, bắt đầu là U15 và U17 quốc gia. Để được lên cầm còi ở giải U19 hay U21 quốc gia, các trọng tài mới này cũng phải mất 1-2 năm.

Tương tự là ở giải hạng nhì, hạng nhất rồi kế đến mới là V.League. Rồi trước mỗi giải đấu diễn ra, các trọng tài phải tiến hành sát hạch qua lý thuyết và đặc biệt là thể lực. Nhiều trọng tài đẳng cấp FIFA vẫn có thể không được hành nghề ở V.League chỉ bởi trượt bài thi thể lực. Trường hợp của trọng tài Nguyễn Hiền Triết bị loại là một điển hình như thế.

Rõ ràng, phải mất 5-6 năm để một trọng tài có thể cầm còi ở hạng Nhất. Và có khi phải tới 10 năm, họ mới đạt đủ điều kiện để điều hành những trận đấu tại V.League. Rồi biến số lại có thể xảy ra, khi trọng tài không thể đảm bảo sự đúng đắn tuyệt đối trong các quyết định của mình. Áp lực từ nhiều phía đã là một chuyện. Giá trị tương xứng ở đây là tiền lương cũng không đãi ngộ cho các trọng tài một cách đúng mức.

Các trọng tài tại V.League trung bình bỏ túi 7,2 triệu đồng/trận. Nhưng số trận đấu có hạn, có phải vòng nào cũng được bắt. Rồi các tháng không có giải nữa, chưa kể mắc sai sót, bị kỷ luật hai hay ba trận.Từ những cái khó quá lớn như thế, trọng tài trở thành nghề mà không phải ai cũng mặn mà theo đuổi.

Phong Hàn (Theo Goal/VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem