Nhận thấy, tỷ lệ ruồi vàng đục quả táo giảm trên 85% ở vườn táo nhà anh Cường, quả táo đẹp nên các hộ dân ùn ùn kéo nhau đến học tập kinh nghiệm.
Làm nhà lưới cải tiến để "nhốt" táo
Nói về ý tưởng làm nhà lưới cải tiến bao trùm vườn táo, anh Hồ Tấn Cường (SN 1974, Thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) bộc bạch: “Tôi đã ấp ủ ý tưởng này từ nhiều năm. Cao điểm nhất là vào những năm 2014 – 2015, táo của tôi và những hộ xung quanh bị ruồi vàng đục quả khá nhiều, một số hộ trắng tay do loại côn trùng này phá hoại. Sau đó, tôi đã bỏ công sức đi tham quan các tỉnh lân cận để học tập”.
Táo của gia đình anh Hồ Tấn Cường (xã Cam Thành Nam, Cam Ranh, Khánh Hòa) đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu
Anh Cường cho biết: “Sau thời gian ngẫm nghỉ, tôi thấy các tỉnh bạn làm nhà lưới quá tốn kém, chi phí từ 200 – 300 triệu đồng/sào nên ngoài khả năng kinh tế của gia đình. Sau đó, tôi tự tìm tòi nghiên cứu tận dụng các loại cây gỗ và dây kẽm kết hợp với mua lưới làm nhà lưới theo hình thức cải tiến. Với cách làm này, tôi chỉ chi phí 75 triệu đồng/5 sào táo của mình”.
Theo anh Cường, sau khi làm nhà lưới được một thời gian, đến giai đoạn táo ra quả thì một số quả bị hư hỏng do nắng nóng, các hộ xung quanh nói anh bị hâm hay sao mà làm nhà lưới kiểu này.
Mô hình trồng táo trong nhà lưới cải tiến đã giúp anh Cường hạn chế được trên 85% tỷ lệ ruồi đục quả
Anh Cường đang chăm sóc vườn táo
Bỏ chuyện ngoài tai của thiên hạ, anh Cường tiếp tục trăn trở lắp đặt hệ thống tưới phun nước nên đã khắc phục được các nhược điểm trên ở vườn táo. Từ đó năng suất táo đã tăng trở lại.
Nhưng khó khăn một lần nữa lại đến với gia đình anh, khi làm giàn táo thiết kế quá cao nên gió lớn đẩy vào nhiều khiến cho vườn táo tiếp tục bị ảnh hưởng. Không hề nản chí, anh lại tìm tòi thiết kế lại nhà lưới vườn táo cải tiến với chiều cao khoảng 4m và cách thiết kế này đã giúp cho anh thành công nhiều năm nay.
Hạn chế được từ 85 – 90% tỷ lệ ruồi vàng đục quả táo
Vườn táo của anh Cường được thiết kế theo hình mái nhà, xung quanh và phía trên vườn táo được bao bọc bởi tấm lưới Thái Lan. Để tạo cho chắc chắn, anh trồng các cây trụ nhằm mục đích giữ tấm lưới mỗi khi mưa gió ập đến.
Không giấu được niềm vui, anh Cường nói: “Năm 2018, tôi chỉ thí điểm trồng táo nhà lưới cải tiến chỉ với diện tích 5 sào. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, năm 2019 gia đình tiếp tục mở rộng được diện tích thêm 5 sào nữa, tổng cộng được 1ha. Trong năm 2019, sản lượng táo thu hoạch vượt ngoài mong đợi đạt 100 tấn, với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, doanh thu 800 triệu đồng và sau khi trừ chi phí lãi 500 triệu đồng. Thu nhập gấp đôi so với mô hình không sử dụng nhà lưới...".
Táo của gia đình anh Hồ Tấn Cường được cung cấp nhiều địa phương trong cả nước
Mô hình trồng táo trong nhà lưới cải tiến mang lại nhiều ưu điểm vượt trội; giảm chi phí đầu tư hơn 10 lần so với cách làm của các tỉnh bạn, giá bán tăng 3.000 đồng/kg, giảm từ 85 – 90% tỷ lệ ruồi vàng đục quả và giảm được trên 70% tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật.
Vì vậy quả táo rất an toàn cho người sử dụng, đồng thời quả táo đẹp hơn, màu sắc bắt mắt hơn và không bị móp méo. Đặc biệt, là thu nhập từ trồng táo trong nhà lưới cải tiến sau khi trừ chi phí cao gấp đôi so với cách làm truyền thống của các nông dân .
Sau khi anh Cường làm thành công mô hình trồng táo trong nhà lưới cải tiến, hàng chục hộ dân địa phương đã kéo đến học tập kinh nghiệm về mô hình làm táo nhà lưới cải tiến và anh không ngần ngại chỉ liền cho các nông dân này. Kết quả, các hộ nông dân này có thành công tương tự và cho thu nhập khá giả.
Hiện nay, sản phẩm táo của gia đình anh Cường đã cung cấp nhiều cho thị trường các tỉnh như: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh,…
Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Thành Nam cho biết thêm, anh Cường là nông dân đầu tiên thực hiện thành công mô hình làm táo trong nhà lưới cải tiến. Cây táo là một trong những cây chủ lực của địa phương nên Hội Nông dân đã vận động các hội viên, nông dân đến học tập kinh nghiệm mô hình của anh Cường.
Sản phẩm táo của gia đình anh Cường được cấp nhãn hiệu tập thể “Táo Cam Thành Nam”. Nhờ làm theo cách mới này nên thị trường rất ưa chuộng táo của địa phương, có nhiều thời điểm không đủ cung cấp cho thị trường.
Ngoài trồng táo, anh Cường còn đam mê nghiên cứu trồng hoa lan
Trong thời gian qua, Hội đã đề nghị các cấp hỗ trợ nguồn vốn để phát triển mô hình làm táo nhà lưới. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho các nông dân địa phương nắm về quy trình làm táo trong nhà lưới. Riêng sáng tạo mô hình làm táo nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao đã đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học -Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.