Trump chỉ có 2 lựa chọn sau khi Triều Tiên dọa bắn rơi máy bay Mỹ

Đăng Nguyễn - Vox Thứ ba, ngày 26/09/2017 18:10 PM (GMT+7)
Lời chỉ trích qua lại giữa Triều Tiên và Mỹ đã đẩy căng thẳng lên đến một tầm cao mới, khiến cho Washington rơi vào thế lưỡng nan.
Bình luận 0

img

Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1b của Mỹ.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-hon ngày 25.9 nói Mỹ đã tuyên chiến và nước này có quyền bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ "ngay cả khi chúng không bay vào không phận”.

Đây là một trong những lời đe dọa nghiêm trọng nhất của Triều Tiên cho đến nay, khiến giới phân tích lo ngại.

"Đây là nguy cơ kích hoạt xung đột do những tính toán sai lầm", Vipin Narang, giáo sư nghiên cứu về vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ nói.

Theo giáo sư Narang, mục đích của Mỹ khi thực hiện những chuyến bay này là để răn đe Triều Tiên và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, chứ không phải khơi mào xung đột.

Sự hiện diện của các máy bay B-1B nhằm khẳng định Washington sẵn sàng sử dụng vũ lực với bất cứ hành động khiêu khích nào, răn đe hành động liều lĩnh của Triều Tiên.

"Triều Tiên thực sự ghét những chuyến bay của B-1B", Narang nói. "Chúng khiến Bình Nhưỡng cảm thấy bất an về một cuộc tấn công bất ngờ".

Rodger Baker, nhà phân tích chiến lược hàng đầu của Stratfor nói trên CNN: “Triều Tiên nghĩ rằng lời đe dọa sẽ khiến Mỹ phải kiềm chế, nhưng Mỹ cũng nghĩ tương tự nên mới có chuyện một bên coi bên kia đang chuẩn bị cho chiến tranh”.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Mỹ hiện đang rơi vào thế khó bởi chúng ta không mấy khi đối mặt với những tình huống như vậy. Washington đang không biết tiếp tục đối phó Triều Tiên như thế nào”, ông Baker nhận định.

Đây chưa phải dấu hiệu khơi mào chiến tranh. Nhưng các chuyên gia đều thừa nhận rằng nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ-Triều Tiên hiện đã gia tăng đáng kể.

"Tôi coi tuyên bố của ông Ri là lời đe dọa nghiêm túc. Đó là thứ chúng ta đang phải đối mặt", Jenny Town, chuyên gia tại Viện Mỹ - Hàn John Hopkins, cho biết. "Tôi không rõ chúng ta sẽ rút lui khỏi tình thế này như thế nào nếu không có những nỗ lực ngoại giao thực sự".

Chuyên gia an ninh Euan Graham đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Úc nhận định, việc để bị cuốn vào vòng xoáy chỉ trích qua lại với Triều Tiên khiến cho uy tín của Mỹ trên trường quốc tế bị tổn hại.

img

Tổ hợp phòng không KN-06 là một trong những vũ khí đáng gờm của Triều Tiên.

“Mỹ không muốn chiến tranh với Triều Tiên, nhưng càng ngày lại càng phải đối mặt với rủi ro. Bởi mỗi khi bị đe dọa, Bình Nhưỡng lại đáp trả bằng cách leo thang căng thẳng lên một tầm cao mới”.

Theo giới chuyên gia, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện chỉ có hai lựa chọn.

Một là chấp nhận tạm ngừng các chuyến bay tuần tra gần Triều Tiên bằng oanh tạc cơ B1-B. Thứ hai là tiếp tục đưa B-1B cất cánh nhưng phải đối mặt với nguy cơ bị bắn rơi, giống như những gì từng xảy ra trong quá khứ.

Nếu Mỹ chọn phương án thứ hai, khả năng một oanh tạc cơ Mỹ bị bắn rơi là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Những gì tiếp theo sau đó thực sự sẽ rất khó lường, theo các chuyên gia.

Nhìn chung, bản chất quan hệ Mỹ-Triều Tiên hiện đã thay đổi hoàn toàn sau lời đe dọa bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ.

Triều Tiên có vũ khí gì bắn rơi được oanh tạc cơ Mỹ?

Chiến đấu cơ Triều Tiên khó có khả năng bắn rơi tiêm kích hay oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ, nhưng Bình Nhưỡng vẫn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem