Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người ta để ý đặc biệt đến những động thái như bức thư của phía Triều Tiên gửi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo doạ ngừng tiếp xúc và đối thoại khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bực bội đến mức không cho ông Pompeo công du Triều Tiên lần thứ 3.
Người ta suy xét nhiều phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng Mỹ có thể lại tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc. Không ít người đưa ra dự báo rằng phía Mỹ đã ảo tưởng nhiều về thiện chí hoà bình và hoà giải của Triều Tiên nên giờ thất vọng và bắt đầu chuẩn bị trở lại thời xưa, tức là thời căng thẳng và đối địch trước cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên ở Singapore ngày 12.6 năm nay.
Nếu như chỉ nhìn vào những biểu hiện bên ngoài ấy thì đúng là khó có thể có cảm nhận và dự báo khác. Nhưng nếu đặt chúng trong bối cảnh tình hình rất đặc biệt hiện tại ở Mỹ và ở khu vực Đông Bắc Á thì sẽ thấy tác động của các diễn biến chỉ tương đối, các bên liên quan đều có những khó khăn và khó xử riêng nên phải nói vậy trong khi không nghĩ vậy, phải buộc làm thế trong khi không hẳn thực sự muốn làm thế.
Nước Mỹ đang ở trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Đối với ông Trump, việc Đảng Cộng hoà bảo vệ được đa số hiện có trong lưỡng viện lập pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Chỉ như thế ông Trump mới có thể tránh được chắc chắn viễn cảnh bị phế truất, mới có thể yên ổn cầm quyền hai năm còn lại và duy trì cơ may tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ vào năm 2020 mà ông Trump đã lộ ý muốn tiếp tục ra tranh cử.
Ông Trump cần phô trương thành tựu cầm quyền cụ thể cả về đối nội cũng như đối ngoại, càng nhiều càng tốt. Riêng trong chuyện quan hệ với Triều Tiên, điều quan trọng đối với ông Trump là chỉ được thắng chứ không thể để bị thua, không được để bị coi là thất thế trước Triều Tiên và bị Triều Tiên dẫn dắt.
Ông Trump lại đang làm găng với Trung Quốc và ý thức được rằng chuyện hoà giải của Mỹ với Triều Tiên không thể không liên quan đến Trung Quốc. Làm găng với Trung Quốc đến thế mà lại đòi Trung Quốc toàn tâm thật lòng giúp gia tăng áp lực đối với Triều Tiên thì hoàn toàn không thực tế.
Cho nên trong khi có động tác cảnh báo và răn đe Triều Tiên, ông Trump vẫn rất kiềm chế và không muốn đẩy Triều Tiên về lại thời xưa.
Trong khi đó, Triều Tiên khó xử vừa với Mỹ vừa với Trung Quốc. Hiện vẫn còn quá sớm và sẽ là quá vội vàng nếu Triều Tiên nhượng bộ một bước đáng kể và cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên vì Triều Tiên chưa thể tin Mỹ, vì những điều kiện của Triều Tiên gần như không thể được phía Mỹ đáp ứng trong bối cảnh sắp có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.
Triều Tiên lại phải để ý đến Trung Quốc và không thể thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Mỹ trong khi Mỹ găng với Trung Quốc đến như vậy.
Khác với Hàn Quốc. Trong bối cảnh tình hình hiện tại như thế, việc tăng cường quan hệ với Hàn Quốc lại càng thêm quan trọng đối với Triều Tiên. Cho nên Triều Tiên phải chậm lại cho thật chắc chắn với Mỹ trong khi nỗ lực có cuộc cấp cao mới với Hàn Quốc và đẩy mạnh hoà giải với Hàn Quốc.
Biểu hiện bên ngoài ở mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiện không phản ánh hoàn toàn đúng với thực chất bên trong. Nhưng vì tiến triển đã đạt được chưa thật sự bền vững và chiều hướng diễn biến vẫn có nguy cơ bị đảo ngược nên cả Mỹ và Triều Tiên đều phải rất kiềm chế và thận trọng, đều nên không để cho tình cảm lấn át lý trí bởi gây dựng tương lai mới cho mối quan hệ này mới là chuyện khó khăn chứ còn để cho tương lai tới giống như quá khứ đã qua thì thật dễ và nhanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.