Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát dân thường Quảng Ngãi (Kỳ 1): Tội ác ghê rợn

Minh Châu (theo Toledo Blade, BBC) Thứ tư, ngày 23/09/2020 20:32 PM (GMT+7)
Tờ Toledo Blade (Ohio, Mỹ), vào 19/10/2003, đã đăng tải loạt bài điều tra về các vụ tàn sát dân thường Việt Nam của lực lượng Mãnh Hổ thuộc sư đoàn không vận 101 (Lục quân), trong vòng 7 tháng từ tháng 7/1967 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Bình luận 0

Hầu hết các tội ác chiến tranh ở Việt Nam, như vụ thảm sát Mỹ Lai, thường tập trung vào một sự kiện trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng trong trường hợp của Mãnh Hổ, nó kéo dài tới 7 tháng, và khiến hàng trăm dân thường bị chết.

Toledo Blade đã xem xét hàng nghìn tập tài liệu mật của lục quân Mỹ, các hồ sơ trong kho lưu trữ quốc gia, phỏng vấn các cựu thành viên Mãnh Hổ cũng như thân nhân những người đã chết.

Trung đội Mãnh Hổ được Lục quân Mỹ thành lập mùa thu năm 1965, là một đơn vị do thám gồm 45 người được huấn luyện đặc biệt, có nhiệm vụ tìm kiếm và báo cáo về các vị trí của đối phương cho các lực lượng bộ binh và không quân Mỹ. Binh lính mặc đồng phục vằn da hổ. Họ có thể để râu và đeo vũ khí cạnh sườn. Khẩu hiệu của đơn vị này là “dùng quân du kích để đẩy lui quân du kích”.

Để trấn an dân chúng Mỹ, các chỉ huy quân sự năm 1967 gửi sang một lực lượng hành động – bao gồm cả Mãnh Hổ - nhằm chống lại quân giải phóng tại một trong những khu vực quyết liệt nhất ở miền Nam Việt Nam: vùng cao nguyên.

Nhưng một số lính Mãnh Hổ đã gây tội ác chiến tranh. Chúng ném lựu đạn vào những căn hầm có phụ nữ và trẻ em, bắn những người nông dân già đang làm việc trên cánh đồng, tra tấn và hành quyết tù nhân, sau đó cắt tai và da dầu của nạn nhân đeo vào cổ làm kỷ niệm. Một trong số lính Mãnh Hổ đá vào mặt những thường dân bị xử tử để lấy răng vàng của họ. Một số binh lính tìm cách ngăn cản những vụ giết chóc, nhưng các chỉ huy phớt lờ những lời can gián của họ.

Lục quân Mỹ đã tiến hành điều tra những tội ác này năm 1971, và kéo dài 4 năm rưỡi. Đây là cuộc điều tra dài nhất trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Báo cáo về vụ việc được gửi tới cấp cao nhất trong Lầu Năm Góc và Nhà Trắng của tổng thống Nixon. Các cuộc điều tra kết luận rằng 18 binh lính đã phạm các tội ác chiến tranh, nhưng không ai bị truy tố. Cho đến nay người ta vẫn không rõ ai đã đưa ra quyết định cuối cùng này. Các hồ sơ bị chôn trong kho của lục quân kể từ năm 1975 và kết luận điều tra được giấu kín.

Mới đây, trước những lời yêu cầu tái điều tra, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định vụ việc đã trải qua hơn 30 năm về trước và không có bằng chứng mới thực sự mang tính thuyết phục để mở lại vụ án.

Về phía Việt Nam, trả lời câu hỏi của các phóng viên AP, AFP, DPA và Bloomberg về chùm phóng sự của Toledo Blade, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố: "Cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ đã gây ra nhiều đau thương và mất mát cho nhân dân Việt Nam. Với truyền thống nhân đạo và hoà hiếu, trong quan hệ với Hoa Kỳ cũng như với các nước đã có thời thù nghịch với Việt Nam, chúng tôi chủ trương thông qua hợp tác để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng tốt hơn và đó cũng chính là cơ sở để giải quyết những hậu quả do quá khứ để lại".

Những phần tiếp theo sẽ giới thiệu chi tiết điều tra của Toledo Blade.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem