Trung Quốc đề xuất vũ trang cho ngư dân là hành động uy hiếp, gây hấn

Thứ ba, ngày 24/07/2012 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Việc khuyến cáo chính phủ trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho ngư dân để xuống Biển Đông đánh bắt hải sản là hành động gây hấn, trái với Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc”.
Bình luận 0

Ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam nói như vậy ngày 23.7

Trước đó, như NTNN đã đưa tin, ông Hạ Kiến Bân (He Jianbin), người đứng đầu Tập đoàn Ngư nghiệp Bảo Sa của Trung Quốc khuyến cáo chính phủ trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân ở Hải Nam và cho họ xuống Biển Đông đánh cá.

Phát biểu của ông Hạ được đăng trên tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc. Ông Hạ cho rằng, nếu được vũ trang, các ngư dân Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện của nước này trong các vùng nước tranh chấp, mà không cần phải triển khai tàu hải quân.

img
Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại quần đảo Trường Sa.

Ngoài việc cho rằng hành động trên là trái với Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc, theo ông Trần Cao Mưu còn làm rạn nứt sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong khuôn khổ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biên Đông (DOC).

“Tất cả các sự kiện ở Biển Đông đều giải quyết bằng hòa bình không nên đe dọa vũ lực, và phát biểu của quan chức đó đã là không đúng rồi chứ đừng nói đến việc họ có cụ thể hóa điều đó hay không.

Nếu họ làm vậy tức là họ đã tạo ra sự bức xúc, căng thẳng không chỉ với người dân các nước khác trong khu vực Biển Đông mà còn đối với cả người dân Trung Quốc.

Đây là hành động không đúng, họ trang bị vũ khí cho ngư dân đồng nghĩa với việc họ uy hiếp và gây hấn đối với các nước khác có quyền lợi trên Biển Đông. Thái độ như vậy của quan chức Trung Quốc là không đúng” - ông Mưu nói.

Về việc cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam, ông Trần Cao Mưu cho biết, các nước thường sử dụng lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quân để bảo vệ ngư dân. Và ở Việt Nam cũng có những lực lượng đó. Tuy nhiên, những lực lượng này đứng ra bảo vệ ngư dân chứ không phải xúi giục ngư dân mang vũ khí, trang bị vũ khí cho ngư dân đánh nhau.

Không nên đánh bắt riêng lẻ

“Đánh bắt ở Hoàng Sa bây giờ càng lúc càng khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn phải tìm cách ra biển” - ngư dân Hồ Văn Trường, thuyền trưởng tàu Đna - 90051 kiêm Đội trưởng Đội ngư dân tự quản quận Thanh Khê, Đà Nẵng, nói. Theo ngư dân Trường: “Chúng tôi không đi nhỏ lẻ nữa mà cùng nhau đi thành cụm, một cụm 5 - 7 tàu để cùng nhau đánh bắt cũng như hỗ trợ nhau khi gặp sự cố.Khi có tình huống bất trắc xảy ra, các tàu trong nhóm chủ động liên lạc qua Icom để cùng nhau ứng cứu kịp thời”.

Trước câu hỏi có cần phải gia tăng nhiều quyền hạn cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam nhằm bảo vệ ngư dân trong những trường hợp có xung đột vũ trang, ông Mưu cho rằng không cần thiết.

Lực lượng kiểm ngư của Việt Nam để bảo hộ ngư dân khi trong quá trình sản xuất trên biển mà gặp những sự cố về thiên tai, dông bão hay gặp những trắc trở do lực lượng khác lấn át; Hỗ trợ ngư dân về thông tin liên lạc, ngư trường và đặc biệt cùng với ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển chủ quyền của mình. Lực lượng kiểm ngư không phải là lực lượng quân sự, không mang tính quân sự như một số nước đã áp dụng.

“Theo quan điểm của Nhà nước Việt Nam, nếu xảy ra mâu thuẫn trên Biển Đông thì sẽ giải quyết bằng con đường ngoại giao để giữ vững mối quan hệ hữu nghị giữa các nước láng giềng có chung quyền lợi trên Biển Đông” - ông Mưu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem