Trung Quốc "làm xiếc" thông tin được quốc tế ủng hộ về Biển Đông

Thanh Minh (tổng hợp) Thứ năm, ngày 12/05/2016 17:04 PM (GMT+7)
Ngày 12.5, Vụ trưởng Vụ Hiệp ước và Luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Xu Hong khẳng định nước này đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế đối với quyết định không tham gia vào vụ Philippines kiện ra Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bình luận 0

Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo, ông Xu Hong cho rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông đang bị "thổi phồng" bởi những người thiếu am hiểu về luật pháp quốc tế. Ông nói: "Chúng tôi có thể thấy rất nhiều nước đang tiên phong trong việc cường điệu hóa vấn đề, tuy nhiên bất luận có bao nhiêu tiếng nói, họ cũng vẫn chỉ đại diện cho số ít các quốc gia trên thế giới".

Ông Xu Hong nhấn mạnh rằng “không quốc gia nào chấp nhận một phán quyết mang tính ép buộc khi mà các lợi ích cốt lõi của họ bị đe dọa”.

Ông Xu Hong còn lớn tiếng cho rằng, “Trung Quốc luôn là nước tuân thủ luật pháp quốc tế”, mà quên đi rằng, những gì Trung Quốc đang triển khai trái phép ngoài Biển Đông như xây dựng đảo nhân tạo, đưa máy bay, tàu chiến, tên lửa … tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là đi ngược lại với luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

img

Ông Xu Hong tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 12.5. Ảnh Reuters

Trong những tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ về lập trường trong vấn đề Biển Đông từ các nước như Campuchia và Yemen. Ông Xu Hong cho rằng, Bắc Kinh không cảm thấy bị tất cả cô lập. Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố nhận được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Biển Đông.

Reuters cho biết, trong tháng Hai vừa qua, Mỹ và Liên minh châu Âu cho rằng Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của toà.

Philippines khẳng định Trung Quốc đang có kế hoạch xây "hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm" tiếp theo ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) mà Manila và Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền, nghĩa là một căn cứ quân sự với hạ tầng đi kèm có khả năng tiếp nhận máy bay và tàu quân sự.

Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ tương tự trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Bắc Kinh không tiếc tiền bạc, đã bồi đắp các hòn đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự. Tại bãi cạn Scarborough, công việc bồi đắp chưa được tiến hành.Xung đột xung quanh bãi cạn Scarborough chỉ là một trong số các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi lợi ích của các quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á xung đột với Trung Quốc- quốc gia có tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Sau khi xây dựng hệ thống các căn cứ quân sự ở trung tâm Đông Nam Á, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn tiểu khu vực. Mong muốn này của Trung Quốc đã được chính một số quan chức của nước này nêu lên khi tuyên bố về khả năng thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại Biển Đông giống như đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.

Nếu Trung Quốc thiết lập được quyền kiểm soát đối với vùng biển này thì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi hàng năm có lưu lượng hàng hóa trị giá lên đến 5 nghìn tỷ USD đi qua, có thể bị đe dọa.Mỹ là quốc gia chống lại sự tăng cường ảnh hưởng và mưu đồ kiểm soát các tuyến đường biển của Trung Quốc.  Mới đây, Washington cũng đã đạt được một thỏa thuận với Manila nhằm bố trí lực lượng Mỹ tại Philippines, do những lo ngại về động thái quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông.

Lập trường của Mỹ được Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ vì lo ngại hành động của Trung Quốc sẽ đe dọa các tuyến đường vận tải dầu mỏ từ các nước vùng Vịnh Persia đi qua Biển Đông. Ấn Độ cũng mong muốn kiềm chế nước láng giềng phía Bắc, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của mình ra tiểu khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem