Ông Zhang Weijian- quan chức phụ trách nhiệm vụ này cho biết ba tàu gồm tàu Hải giám 83, Hải giám 262 và Hải giám 263 đã rời cảng và máy bay lên thẳng Hải giám B-7103 sẽ nhập với đội tàu trên trong cuộc tuần tra kéo dài 9 ngày này.
Cùng ngày, Cục Ngư nghiệp Nam Hải thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc tuyên bố tiếp tục các chuyến tuần tra ngư chính trên Biển Đông, động thái xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng đến các nước láng giềng.
Quan chức Liu Guimao của Cục Ngư chính Nam Hải cho biết đến nay đã có tổng cộng 21 tàu ngư chính cỡ vừa và lớn cùng hơn 3.000 nhân sự đã được triển khai để thực thi các nhiệm vụ tại các ngư trường chính. Theo quan chức trên, các tàu hiện đang tuần tra xung quanh đảo Hoàng Nham (Scarborough), bãi đá ngầm Mỹ Tế (đá Vành Khăn), quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam)... Quan chức này cho biết thêm các tàu dự kiến lưu lại trong nhiều tuần, song không tiết lộ thời gian biểu cụ thể.
|
Một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc tuần tra trên Biển Đông. |
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc thường xuyên cử tàu tuần tra trên Biển Đông. Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối động thái này của Trung Quốc, khẳng định, mọi hoạt động tuần tra tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nếu không được sự cho phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ông Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hoạt động tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam và vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, ông Dương Danh Di nhận định, động thái điều tàu tuần tra trên Biển Đông của Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên phải thừa nhận tần suất tuần tra của Trung Quốc ngày càng nhiều, càng chứng tỏ âm mưu của Trung Quốc hòng xâm chiếm Biển Đông ngày càng lộ rõ và trắng trợn. Việc Trung Quốc điều tàu hải giám với danh nghĩa là tàu “phi quân sự”, nhưng thực chất đó là các chiến hạm cho thấy phía sau đó là âm mưu thâm độc lấn chiếm biển Đông mà Việt Nam cần phải cảnh giác cao độ.
Trước những động thái ngang nhiên của Trung Quốc, Đài phát thanh quốc tế nước Pháp nhận định, dụng tâm “lấy thịt đè người” của Trung Quốc ngày càng lộ rõ: Dùng tàu gọi là "dân sự" để áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên các vùng biển đảo mà nước này tranh giành với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Báo chí Trung Quốc không ngần ngại phô trương rằng đây là lần đầu tiên từ khi họ thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" (vào tháng 7.2012 khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối), mà cả trực thăng lẫn tàu tuần tra của lực lượng Hải giám được triển khai hoạt động tại đây. Trước đó, đội tàu gồm ba chiếc Hải tuần 21, 31 và 166 mà Bắc Kinh cử đi tuần tra tại cả ba vùng mà họ đòi chủ quyền ở Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclefiels và Trường Sa, cũng được một máy bay trực thăng tháp tùng, và báo chí Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trực thăng Trung Quốc tuần tra trên bầu trời Trường Sa.
Theo giới quan sát, khi liên tục đưa những chiếc tàu mang danh “hải tuần” này xuống Biển Đông, dụng tâm của Trung Quốc là tạo ra một tình trạng kiểm soát thực tế trên các vùng biển đảo mà họ đòi hỏi chủ quyền phi lý, dùng số đông để trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam.
Ngoài ra, một điểm khác là Bắc Kinh đã ngụy trang bằng chủ trương dùng tàu phi quân sự. Khi viện đến loại phương tiện này, Bắc Kinh luôn luôn có thể nói rằng họ vẫn hiếu hòa, và không dùng đến lực lượng Hải quân, và nếu đối phương lỡ dùng đến quân đội để can thiệp thì lập tức sẽ bị Trung Quốc bắt lỗi.
Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia về Trung Quốc của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế bình luận trên trang web của đài truyền hình Mỹ CNN ngày 8.3 rằng, đó là trường hợp đã từng xảy ra với Philippines trong vụ bãi cạn Scarborough hồi tháng 4.2012. Khi Manila vụng về cho một chiến hạm đến chặn bắt các tàu cá của Trung Quốc tại khu vực này, Bắc Kinh đã lợi dụng ngay cơ hội để lấn lướt, củng cố yêu sách của mình trên bãi cát ngầm đang tranh chấp bằng cách triển khai các tàu gọi là phi quân sự trong khu vực, và buộc Philippines phải triệt thoái ngay chiến hạm của họ ra khỏi khu vực.
Ông Lye Liang Fook, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore nhận định, những chiến lược mới mà Trung Quốc đang áp dụng trong tranh chấp tại Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết tranh chấp tại khu vực này và những nỗ lực để đi đến việc ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.