Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng: Có thể còn tiếp diễn

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 21/08/2020 18:54 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng trong ngày 20/8 không có tác động nhiều đến Việt Nam, tuy nhiên, do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, việc xả lũ có thể còn tiếp diễn nên các địa phương phải chủ động các biện pháp ứng phó.
Bình luận 0

Chiều ngày 21/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp thông tin về tình hình Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng, tình hình mưa lũ ở miền Bắc và lũ lụt trên hệ thông sông Hồng, sông Thái Bình.

Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng: Có thể còn tiếp diễn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Quang (ngồi giữa), Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết, việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng ngày 20/8 không tác động nhiều đến Việt Nam nhưng do mưa lũ còn phức tạp nên các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó.

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), do ảnh hưởng của bão số 4, nhiều địa phương đã có mưa lớn, một số nơi lượng mưa lên tới trên 400mm. Đã có 8 người chết và 1 người mất tích tại các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của đợt thiên tai này. 

" Những ngày tới, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sẽ tiếp tục gây mưa ở nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất, gây sạt lở đất, lũ quét. Trong khi đó, Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng cách biên giới nước ta khoảng 95km, tác động xả lũ không lớn nhưng làm mực nước dưới hạ du tăng lên. Việc xả lũ có thể còn tiếp tục diễn ra nên các địa phương phải chủ động các biện pháp ứng phó" - ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, từ trước đến nay không có quy định Trung Quốc chia sẻ thông tin xả lũ, tuy nhiên, thông tin quan trắc tại 5 trạm quan trắc đặt tại Trung Quốc có liên quan đến thượng nguồn sông Hồng thì được chia sẻ ngày 3 lần. 

"Đây là cơ sở để xác định có xả lũ hay không, tuy nhiên, nếu việc xả lũ được chia sẻ sớm, đầy đủ thông tin thì công tác dự báo, ứng phó sẽ tốt hơn" - ông Quang nhấn mạnh.  

Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng: Có thể còn tiếp diễn - Ảnh 2.

Lũ trên sông Hồng, đoạn qua TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) sau khi Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng. Ảnh: baolaocai.vn.

Trong khi đó, theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới nước ta và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới (trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn  Quốc gia đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh (cho dù việc ước lượng này có nhiều sai số nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ quốc gia khác) kết hợp với phân tích dữ liệu gia tăng lưu lượng trạm thượng nguồn để tính toán nhận định lũ trên lưu vực sông Thao trên lãnh thổ Trung Quốc. 

Kết quả tính toán cho thấy lũ ở khu vực Lào Cai tăng lên không quá lớn trong 12 giờ (0,9m/12 giờ).    

Vào lúc 7 giờ ngày 21/8/2020 lưu lượng tại trạm Mạn Hảo (Trung Quốc), hạ lưu thủy điện Mã Đổ Sơn (cách biên giới Việt Nam khoảng 60-80km) đã giảm nhanh khoảng 600 mét khối/s trong 12 giờ qua.

Tại Lào Cai đầu nguồn sông Thao (sông Hồng) trên lãnh thổ Việt Nam vừa trải qua một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt 82,58m, trên báo động 2 là 0,58m vào 17 giờ ngày 18/8, sau đó xuống dần dưới báo động 1 vào trưa ngày 20/8. 

Sau khi Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng (thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 20/8), mực nước tại Lào Cai đã lên lại và đạt mức 80,55m vào sáng ngày 21/8, trên báo động 1 là 0,55m; sau đó xuống mức 79,69m vào 13 giờ ngày 21/8, dưới báo động 1 là 0,31m. Dự báo trong 12h tới, mực nước sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống nhanh, tại Yên Bái sẽ lên lại và đạt mức báo động 2 (31m).

Ngoài ra, trên thượng nguồn sông Đà phía Trung Quốc, lưu lượng tại trạm Thổ Khả Hà đang giảm nhanh (700 mét khối/s) trong 24 giờ qua. Lưu lượng đến hồ Lai Châu trên sông Đà tiếp tục giảm và ở mức 3200 mét khối/s.

Do ảnh hưởng của bão số 4 và các đợt mưa lớn từ 16-21/8, thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc xả lũ vào ngày 20/8, mực nước lũ sông Thao tại Yên Bái đã lên trên báo động (BĐ)3, đạt đỉnh ở mức 33,01 (trên BĐ3: 1,01m, lúc 19h/19/8), tại Phú Thọ lên trên BĐ1 và đạt đỉnh ở mức: 17,52m (trên BĐ1: 0,02m, lúc 7h/20/8); mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên (13h ngày 21/8 ở mức 5,72m); mực nước sông Văn Úc tại Trạm thủy văn Trung Trang lên trên BĐ1: 0,06m (lúc 19h/20/8); mực nước sông Trà Lý tại Trạm thủy văn Quyết Chiến lên trên BĐ1: 0,31m lúc 19h/20/8.

Cũng theo ông Long, dự báo từ chiều nay đến ngày mai (22/8) ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.  Do có mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,0-3,0m

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao (Sông Hồng) có khả năng lên mức báo động 2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 - báo động 2.

"Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Lào Cai, Yên Bái" - ông Long cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trong những ngày tới, cộng với việc Trung Quốc có thể tiếp tục xả lũ xuống sông Hồng, ông Quang đề nghị các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão; thông tin kịp thời, cảnh báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men theo phương châm "4 tại chỗ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem