Ngày 20/2, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mê Kông - Lan Thương (LMC) lần thứ 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, sẽ tăng dòng chảy của sông Lan Thương (đoạn sông Mê Kông tại Trung Quốc) để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn.
"Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của mình và tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn. Chúng tôi cũng đồng ý nâng cao hợp tác trong khuôn khổ LMC nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững" - ông Vương nói.
Nhận định về động thái này của Trung Quốc, GS.TS.Vũ Trọng Hồng cho biết, sông Lan Thương không nằm trong khối ASEAN nên Trung Quốc hoàn toàn có thể xử lý. Vấn đề đặt ra là khi Trung Quốc xả đập Lan Thương, liệu Campuchia có lấy nước phục vụ sản xuất hay không, Lào có lấy tích nước để phát thủy điện hay không.
GS.TS.Vũ Trọng Hồng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: I.T
"Trước đây, Trung Quốc từng mở đập Cảnh Hồng nhưng nước cũng không về Việt Nam là mấy do đã bị chia sẻ vào các chi nhánh phía trên. Khi xả nước, Trung Quốc làm việc với các nước đề nghị họ không lấy thì nước mới về được Việt Nam" - ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, trên cùng một dòng sông, nước từ thượng nguồn đổ về sẽ chảy vào các nhánh trong khi nhu cầu sử dụng nước từ Lào, Campuchia cũng rất cao.
"Thiện chí của Trung Quốc là rất tốt, nhưng quan trọng là việc điều tiết nước như thế nào để vùng hạ du như Đồng bằng sông Cửu Long nhận được, nếu phía Lào, Campuchia cũng lấy, chắc chắn nước về Đồng bằng sông Cửu Long không được bao nhiêu" - ông Hồng nhấn mạnh.
Đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) khi xả lượng nước về ĐBSCL không nhiều do nước đã đi vào nhiều nhánh của Lào, Campuchia. Ảnh: I.T
Ông Hồng cho rằng, các đập thủy điện chỉ là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng hạn mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Tôi cho nguyên nhân chủ yếu là do nước biển dâng, vệ tinh của các nước đã cảnh báo nhiều tảng băng chưa bao giờ tan thì nay đã xuất hiện hiện tượng tan chảy; trong khi đó lượng mưa lại ít dẫn đến tình trạng hạn mặn gay gắt" - ông Hồng nhấn mạnh.
Trước thực tế này, theo ông Hồng, chúng ta không thể ngồi đợi nước từ thượng nguồn mà phải xây dựng một chiến lược tổng thể để đối phó với hạn mặn. Châu Phi đã xây dựng chế độ canh tác theo mùa mưa thì Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải tính đến phương án chuyển đổi sản xuất không có nước ngọt" - ông Hồng nói.
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa phát đi thông tin cho biết nước này đã quyết định tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương để khắc phục phần nào hạn hán của các nước hạ nguồn sông Mê Kông.
Theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, toàn bộ lưu vực sông Lan Thương và sông Mê Kông có lượng mưa thấp, khiến Trung Quốc và nhiều nước trong lưu vực gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
Lượng mưa bình quân tại lưu vực sông Lan Thương thuộc lãnh thổ Trung Quốc chỉ ở mức 728 mm, thấp hơn 34% so với hàng năm.
Lượng nước dự trữ tại các hồ chứa phía thượng du đã xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử. “Mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo lưu lượng nước xả hợp lý của sông Lan Thương” - theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Thông cáo cho biết: "Dù lưu lượng dòng chảy ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sông Lan Thương chỉ chiếm khoảng 13.5% lưu lượng dòng chảy ra biển của sông Mê Kông, nhưng để hỗ trợ khắc phục phần nào tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Kông, phía Trung Quốc quyết định từ ngày 24.1 sẽ tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương từ 850 m3/s lên 1.000 m3/s".
Theo Retuers, tình hình khô hạn trong nhiều năm trở lại đây đang tàn phá ngành nông nghiệp của Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Giới quan sát cho rằng 11 con đập của Trung Quốc tại thượng nguồn sông Mê Kông cũng như biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.