Trùng tu kiểu "làm mới di tích" vì phớt lờ vai trò nhà khoa học?

Minh Anh Thứ hai, ngày 26/03/2018 14:40 PM (GMT+7)
Nước ta có số lượng di tích phong phú, đa dạng và trải dài trên toàn quốc. Đây là nguồn tài sản vô giá không chỉ về mặt lịch sử, văn hóa mà còn góp phần mang lại nguồn lợi về kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Bình luận 0

img

Mức độ quan tâm không đều

Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tạ Quốc Khánh (ảnh) - Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTTDL xung quanh vấn đề này.

Thưa tiến sĩ, trước tiên ông có thể lý giải rõ hơn về cụm từ "di tích sống" và "di tích chết"?

- Có thể hiểu một cách khái quát như sau:

“Di tích chết” là những di tích chỉ còn là chứng tích lịch sử. Đây là những công trình không còn đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống hiện nay. Những công trình này chỉ có thể coi như những chứng tích lịch sử của một thời đã qua.

img

 Việc xây dựng công trình tam quan chùa Bổ Đà (Bắc Giang) vấp phải sự phản đối từ dư luận. Ảnh: T.L

"Với bất cứ một dự án, công trình tu bổ nào cũng cần xây dựng và hoàn thiện một bộ hồ sơ khoa học hoàn chỉnh, từ các bước khảo sát, lập dự án, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đến công tác thi công công trình. Bộ hồ sơ đó sau sẽ được lưu giữ và thành tài liệu tham khảo quan trọng cho những công trình tương tự về sau".

Tiến sĩ Tạ Quốc Khánh

“Di tích sống” là những di tích, những công trình đang phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Đây vừa là di tích, vừa là công trình văn hóa công cộng. Nhiều công trình còn là điểm thăm quan, hành hương của khách thập phương, đặc biệt mỗi dịp lễ hội; hoặc là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần chung của một bộ phận cư dân.

Với hàng vạn di tích, danh thắng, những thuận lợi, khó khăn trong việc quản lý và bảo tồn di tích hiện nay là gì?

- Công tác quản lý và bảo tồn di tích hiện đã được sự quan tâm của toàn xã hội và nhận được sự tham gia của nhiều cấp, ngành, từ lĩnh vực du lịch, trường học, doanh nghiệp, cả các nhà chuyên môn và cộng đồng dân cư. Thậm chí, những bức xúc quanh một vài công trình tu bổ vừa qua cũng phần nào thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với lĩnh vực di sản.

Chúng ta cũng có một hệ thống văn bản pháp lý khá cơ bản cho công tác quản lý và bảo tồn di tích. Có thể trong vài trường hợp cụ thể ta thấy văn bản pháp luật còn có những bất cập, hoặc còn thiếu những hướng dẫn cụ thể để thực thi, nhưng tôi cho rằng hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn di tích là tương đối hoàn chỉnh so với nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, sự khó khăn chính là bởi số lượng di tích quá nhiều, đa dạng và dàn trải nên mức độ quan tâm ở từng di tích không đồng đều. Mặt khác, việc phân cấp quản lý của tỉnh, của huyện, thậm chí là xã… đối với các di tích cũng có sự khác nhau, sẽ là một trở ngại, khó khăn trong lĩnh vực này.

Vấn đề con người làm công tác quản lý và tu bổ di tích đang là khó khăn lớn nhất. Thực tế, ở nhiều nơi, đặc biệt là cấp xã không có cán bộ chuyên trách cho công tác quản lý di tích. Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, tu bổ di tích nhiều, nhưng chất lượng, trình độ về lĩnh vực di sản cũng là vấn đề cần phải bàn.

Bảo tồn gắn với phát triển, song sự phát triển ồ ạt đang gây nhiều hệ lụy trong công tác bảo tồn, thậm chí làm biến dạng di tích. Ở góc độ nhà khoa học, ông có thể kiến giải những nguyên tắc bảo tồn di tích?

 - Ở bất cứ đâu, hay với bất cứ di tích nào thì nguyên tắc bảo tồn di tích cơ bản cũng phải là tôn trọng yếu tố gốc, tôn trọng yếu tố cấu thành nên giá trị di tích. Tu bổ nhưng không được làm biến dạng di tích và phải kéo dài được tuổi thọ cũng như bộc lộ được các giá trị lịch sử, văn hóa vốn có.

Đối với loại hình “di tích chết”, chỉ có thể coi như những chứng tích lịch sử của một thời đã qua. Việc ưu tiên giữ gìn yếu tố gốc, những yếu tố có thể coi như bằng chứng lịch sử phải được đặt lên hàng đầu; chỉ cần thu nhặt những thành phần, cấu kiện cũ của công trình nhưng đã bị rơi vãi để gia cố, tái định vị, giúp ta phần nào hình dung diện mạo vốn có của công trình.

Đối với loại hình “di tích sống”, cần phải có ứng xử làm sao đảm bảo vừa giữ gìn hồn cốt công trình, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân. Vấn đề cải tạo, thay thế những cấu kiện, thành phần hư hỏng theo thời gian hay việc xây bổ sung hạng mục phụ trợ là cần thiết. Một công trình khi hỏng một cây cột, mái bị dột vài chỗ hay khi tường bao che bị mốc, bong tróc lớp vôi vữa, nếu được phát hiện, thay thế, sửa chữa ngay sẽ tránh cho công trình khỏi sự xuống cấp nặng, dẫn đến sụp đổ hoặc phải đại tu một cách tốn kém. Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cũng sẽ giúp công trình kéo dài tuổi thọ và tránh được sự lãng phí.

Nhà khoa học chưa được coi trọng

Có ý kiến cho rằng trước khi di tích được xếp hạng thì các địa phương và cơ quan T.Ư tổ chức hội thảo rùm beng, nhưng khi trùng tu tôn tạo thì bỏ qua tham vấn ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư nên dẫn đến tình trạng “thay áo mới” cho di tích. Ở cương vị của mình, chắc hẳn ông cũng có những trăn trở?

 - Thực tế cho thấy, với những công trình tu bổ di tích nào nếu được thực hiện một cách bài bản, có sự tham vấn ngay từ đầu của các nhà khoa học sẽ mang lại kết quả tốt, song cũng có nhiều công trình đã để lại hệ lụy đáng tiếc. Có nhiều nguyên nhân mà trong đó, vai trò của các nhà khoa học không được coi trọng. 

Để trùng tu một di tích, đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn mà có những việc, khi lập dự án không thể lường hết được những vấn đề phức tạp trong quá trình hạ giải, thi công. Trước mỗi việc như vậy, vai trò tư vấn, góp ý của các nhà khoa học là rất quan trọng. Đôi khi cần tổ chức tọa đàm, hội thảo ngay tại thực địa để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất.

Ông có thể đưa ra một vài gợi mở về công tác bảo tồn, trùng tu di tích cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay?

 - Cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa cốt lõi bên trong mỗi di sản mới là cái cần bảo tồn, gìn giữ, chứ không phải cứ làm cho to lớn, hoành tráng hóa mới là cách tôn vinh giá trị di sản. Cần thường xuyên có các khóa bồi dưỡng, tập huấn, tiến tới đào tạo một đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích một cách bài bản, khoa học. Việc làm này được Viện Bảo tồn di tích thường xuyên thực hiện với những khóa học ngắn hạn cho những các bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di tích ở các địa phương. Nhưng trong tương lai, chúng ta cũng phải tính chuyện đào tạo cán bộ cho công việc này một cách bài bản từ khi họ còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân mỗi cán bộ làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích cũng cần thường xuyên tích lũy, trau dồi kiến thức chuyên môn để đảm đương tốt công việc của mình.

Đối với mỗi dự án bảo tồn, tu bổ di tích, đơn vị và cá nhân chủ trì thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đã đề ra, như Luật Di sản văn hóa, các thông tư, nghị định và các văn bản hướng dẫn. Trước và trong quá trình thi công nên tham khảo kỹ ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng dân sở tại, để di sản được bảo tồn tốt hơn, tránh hệ lụy.

Với bất cứ một dự án, công trình tu bổ nào cũng cần xây dựng và hoàn thiện một bộ hồ sơ khoa học hoàn chỉnh, từ các bước khảo sát, lập dự án, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đến công tác thi công công trình.

Xin cảm ơn ông!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem