Cụ thể, gần đây báo chí phản ánh về việc xử lý trách nhiệm cá nhân tập thể vi phạm của Tập đoàn Cao su sau kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2014 chưa đến nơi, đến chốn, trong đó có việc theo túng công ty sân sau của các thành viên lãnh đạo VRG và đơn vị thành viên.
Các sai phạm của VRG đã được nêu trong báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ từ các năm 2014. Các ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ cũng đã được đưa ra tại nhiều văn bản từ năm 2015, 2016 tuy nhiên vụ việc chưa được xử lý triệt để.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra theo Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP ngày 2/10/2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2018.
Về trách nhiệm của VRG, trước ngày 1/7/2018, tập đoàn này phải báo cáo Thủ tướng việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017.
Về xử lý sai phạm của cá nhân, tổ chức sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an có kết luận điều tra, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại một số đơn vị thành viên của VRG, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.1.2018.
Như đã đưa tin, đầu năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tại VRG và các đơn vị thành viên của tập đoàn này, một số nội dung về việc tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011, quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính; quản lý doanh thu, chi phí; quản lý đầu tư xây dựng và đất đai được báo cáo chi tiết.
Kết luận Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm tại VRG trong giai đoạn 2006-2011. Cụ thể, Hội đồng thành viên VRG đã quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và năm 2011 cho VRG và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa đúng quy trình về trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
Theo đó, VRG đã tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam 500 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu 507,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn này còn có khoản đầu tư tài chính dài hạn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính 133,1 tỷ đồng, khoản trả nợ lãi vay ngân hàng 120,6 tỷ đồng. Các khoản VRG góp vốn vào 8 công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính năm 2010 là 345,8 tỷ đồng, năm 2011 của 20 công ty cổ phần là 1.491,9 tỷ đồng (tổng cộng là 1.837,7 tỷ đồng).
VRG đã quyết định tăng vốn điều lệ để góp vốn vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính chưa đúng thẩm quyền với tổng giá trị 3.540,5 tỷ đồng (8 công ty năm 2010 trị giá 557,5 tỷ đồng và 20 công ty năm 2011 trị giá 2.983 tỷ đồng).
Lợi nhuận được chia trên phần vốn nhà nước tăng vượt vốn điều lệ năm 2010 là 543,2 tỷ đồng, năm 2011 là 5.819 tỷ đồng, tổng cộng 6.362,2 tỷ đồng.
Công ty mẹ - VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591 tỷ đồng, trong đó CTCP Cao su Phước Hòa vượt 113,3 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại CTCP Cao su Tây Ninh, CTCP Cao su Phước Hòa.
Nguyễn Tuyền (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.