Trường học "thực tế ảo" dùng những siêu công nghệ gì?

Hoài Phương Thứ bảy, ngày 09/09/2023 08:25 AM (GMT+7)
Một học viện trực tuyến có tên Optima dường như đang biến tầm nhìn về trường học 'thực tế ảo' thành hiện thực.
Bình luận 0

Từ năm 2015, ông Palmer Luckey, người sáng lập startup về kính thực tế ảo Oculus, đã dự đoán rằng dù sớm hay muộn, kính thực tế ảo sẽ có mặt trong lớp học và mang đến một tương lai mới, phong phú hơn cho lĩnh vực giáo dục.

Giờ đây, một học viện trực tuyến có tên Optima Academy Online dường như đang biến tầm nhìn của ông Luckey thành hiện thực.

Theo một báo cáo gần đây của The New Yorker, ngôi trường Optima Academy Online mới khai trương vào năm ngoái đang sử dụng kính thực tế ảo Meta Quest 2 để đưa học sinh đi "chuyến đi thực tế" đến các địa điểm xa xôi như trại căn cứ trên đỉnh Everest.

Trường học 'thực tế ảo' có thể là tương lai của ngành giáo dục? - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành OptimaEd Erika Donalds chụp ảnh với chồng là nghị sĩ Đảng Cộng hòa Byron Donalds. Ảnh: AP

Học viện Trực tuyến Optima được điều hành bởi công ty OptimaEd có trụ sở tại Florida. Giám đốc điều hành công ty, nhà hoạt động giáo dục bảo thủ Erika Donalds, nói với The New Yorker: "Tôi thấy một ngành công nghiệp khổng lồ và đang phát triển về khả năng tùy chỉnh trải nghiệm cả về mặt vật lý và địa lý".

Do chương trình lựa chọn trường học của Florida cung cấp cho học sinh phiếu học tập để theo học các trường thay thế ngoài trường công của học khu, học sinh có thể chọn học tại Học viện Trực tuyến Optima thay vì lựa chọn tại địa phương. 

Trong năm qua, Học viện Optima đã tuyển sinh hơn 170 học sinh trên khắp bang Florida. Con số đó có thể tăng gấp đôi vào mùa thu này khi Optima mở rộng dịch vụ thực tế ảo tới bang Arizona và một phần của bang Michigan, The New Yorker đưa tin.

Chuyến đi 'thực tế ảo' đến Everest

Tại Học viện Optima, học sinh sẽ được giảng dạy thông qua sự kết hợp giữa các buổi học thực tế ảo và các lớp học trực tuyến. Theo The New Yorker, những học sinh từ lớp ba đến lớp tám sẽ đeo kính thực tế ảo Meta Quest 2 trong các buổi học kéo dài 30 đến 40 phút, tối đa 5 tiết học một ngày. 

Ngoài những buổi học này, học sinh dành cả ngày để hoàn thành bài tập một cách độc lập và trao đổi trực tuyến với giáo viên. Học viện Optima cung cấp khoảng 250 môi trường ảo tùy chỉnh và cũng bán quyền truy cập vào các môi trường này cho các trường độc lập khác.

Trường học 'thực tế ảo' có thể là tương lai của ngành giáo dục? - Ảnh 2.

Học sinh của Học viện Optima dành vài giờ mỗi ngày để học qua kính thực tế ảo Meta Quest 2. Ảnh: Meta

Một chi tiết được kể lại trong báo cáo của The New Yorker cho thấy, các học sinh trong lớp khoa học lớp sáu đã được đưa đi tham quan thực tế ảo đến trại căn cứ Everest. Trong đó, môi trường ảo được dàn dựng công phu với những chiếc lều màu xám, túi ngủ và tiếng gió phía sau. Tuy nhiên, chuyến đi không thành công như kế hoạch. Học sinh gặp khó khăn trong bài học, khó phối hợp với nhau thông qua các hoạt động khác nhau.

Nghiên cứu cũng cho thấy kính VR có thể gây ra tình trạng "say máy mô phỏng" hoặc "say mạng" tương tự như say tàu xe. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng kính VR trong thời gian dài thậm chí có thể dẫn đến "mờ thực tế", khiến người dùng gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế ảo và đời thực.

Một hạn chế khác của trường học trực tuyến là thiếu sự tương tác giữa con người với nhau. Tuy nhiên, đại diện Optima nói với The New Yorker rằng điều này có thể giúp cho những học sinh mắc chứng lo âu xã hội hoặc những học sinh từng bị bắt nạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem