Khi xử lý khiếu nại, đề nghị xin đổi giáo viên từ phía học sinh, ban giám hiệu phải tìm cách giải quyết ổn thỏa để hai bên không xảy ra mâu thuẫn gay gắt.
Khi xử lý khiếu nại, đề nghị xin đổi giáo viên từ phía học sinh, ban giám hiệu phải tìm cách giải quyết ổn thỏa để hai bên không xảy ra mâu thuẫn gay gắt.
Xin đổi giáo viên là chuyện không phải hiếm tại các trường, từ bậc THCS đến đại học. Điều này có thể bắt nguồn từ việc giáo viên dạy chưa phù hợp (dạy quá khó, dạy quá nhanh…) hoặc giáo viên và học sinh có những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm.
Tuy nhiên, không phải tất cả ý kiến xin đổi giáo viên của học sinh đều được nhà trường chấp nhận. Một số trường hợp được đổi, nhưng phải chờ khá lâu. Một số khác không được đổi giáo viên như mong muốn và đành phải học cùng giáo viên hiện tại.
Không phải cứ đòi đổi giáo viên là được chấp nhận
Dù đã tốt nghiệp nhiều năm, Ngọc Trâm (sống tại Hà Nội) vẫn chưa quên chuyện đấu tranh xin đổi giáo viên chủ nhiệm năm lớp 8. Năm đó, lớp của Trâm bất bình vì bị giáo viên chủ nhiệm kiểm soát chuyện cá nhân và thường xuyên đưa ra những hình phạt vô lý nên đã cùng nhau viết tâm thư gửi ban giám hiệu, bày tỏ mong muốn được đổi giáo viên chủ nhiệm.
Ban giám hiệu mời phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lên làm việc với ý muốn hai bên hòa giải nhưng phía phụ huynh nhất quyết muốn đổi. Nhiều người còn tuyên bố sẽ cho con chuyển trường nếu ban giám hiệu không xử lý thỏa đáng.
Trước áp lực từ phía phụ huynh và học sinh, ban giám hiệu tiếp nhận ý kiến xin đổi giáo viên và cam kết sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp. Đến năm lớp 9, lớp của Ngọc Trâm được đổi chủ nhiệm mới.
“Lớp mình xin đổi giáo viên thành công nhưng phải chờ rất lâu. Cô vẫn làm chủ nhiệm lớp đến hết năm lớp 8 nên tuần nào lớp cũng gặp cô. Cô không gay gắt với lớp như trước nhưng mình nhận thấy bầu không khí lạ hẳn, cô và trò đều bối rối mỗi khi đến tiết sinh hoạt lớp”, Trâm nhớ lại.
Trường hợp xin đổi giáo viên của lớp Quỳnh An (sống tại TP.HCM) lại không có kết quả như lớp của Ngọc Trâm. Năm lớp 10, lớp của Quỳnh An làm đơn xin đổi giáo viên bộ môn vì giáo viên đó dạy nhanh, khó hiểu. Lớp nhiều lần góp ý nhưng thầy không lắng nghe, thậm chí thầy trách ngược là học sinh chểnh mảng, không chịu tập trung học bài.
Ban giám hiệu tiếp nhận ý kiến của lớp Quỳnh An và xử lý theo trình tự là trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và học sinh, lắng nghe ý kiến của các bên. Sau đó, trường tổ chức dự giờ để kiểm tra liệu những ý kiến học sinh nêu có đúng hay không.
Sau vài buổi đánh giá, nhà trường đưa ra kết luận là không thể đổi giáo viên. Trường không nêu lý do cụ thể, chỉ động viên lớp thông cảm cho thầy giáo và cố gắng học. Ban giám hiệu cũng góp ý giáo viên đó nên đổi mới phương pháp dạy và mềm mỏng hơn với học sinh.
“Bọn mình kêu mãi nhưng vẫn không xin đổi được. Kết quả là 3 năm học, thầy vẫn đứng lớp môn đó. Cũng may là sau một thời gian, thầy bắt đầu cải thiện phương pháp dạy, dù đôi lúc bài giảng vẫn khá khó hiểu”, Quỳnh An kể.
Nhà trường phải xử lý khéo
Nói về việc học sinh xin đổi giáo viên, cô Lại Thị Phương Thảo, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng điều này cần hạn chế vì thay đổi một giáo viên bất kỳ sẽ làm thay đổi hệ thống giảng dạy của nhà trường. Nó liên quan thời khóa biểu và cơ sở vật chất.
Chưa kể, việc học sinh ý kiến, đòi đổi giáo viên còn liên quan uy tín, tự trọng nghề nghiệp của giáo viên. Do đó, với tư cách là lãnh đạo nhà trường, ban giám hiệu phải xử lý thật khéo, tránh để hai bên căng thẳng và nảy sinh mâu thuẫn.
Cô Thảo cho biết trường THPT chuyên Ngoại ngữ cũng từng có trường hợp học sinh xin đổi giáo viên nhưng rất ít. Điều này cũng không thể hiện trực tiếp hay quá gay gắt vì ngay từ đầu, nhà trường đã tính toán, bố trí giáo viên phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học sinh.
Một số trường hợp cá biệt, học sinh chỉ phàn nàn với phụ huynh là thầy cô dạy nhanh, khó hiểu. Lắng nghe ý kiến của con, phụ huynh sẽ góp ý lên trường, bày tỏ mong muốn năm học tới trường sẽ bố trí giáo viên khác dạy để phù hợp hơn.
Khi tiếp nhận những tình huống như vậy, ban giám hiệu trường THPT chuyên Ngoại ngữ sẽ trao đổi với giáo viên để xem xét lý do học sinh muốn đổi giáo viên. Nếu nguyên nhân liên quan vấn đề chuyên môn giảng dạy, trường sẽ trao đổi trực tiếp với trưởng bộ môn để trưởng bộ môn hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên đó thay đổi, xử lý phù hợp.
Theo cô Thảo, việc đổi giáo viên từ lớp này qua lớp khác chưa chắc sẽ giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, chính giáo viên là người cần thay đổi, xem xét lại cách dạy học cho phù hợp với lớp. Khi đó, mọi khúc mắc mới được giải quyết triệt để.
Chung quan điểm với cô Phương Thảo, cô Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng nói rằng khi tiếp nhận đề nghị đổi giáo viên từ học sinh, ban giám hiệu phải xử lý ổn thỏa để không ảnh hưởng tâm lý giáo viên và học sinh.
Chuyện học sinh xin đổi giáo viên tại trường Lương Thế Vinh không phải hiếm. Cô Giao cũng nhận thấy đây là điều hoàn toàn bình thường nên nhà trường luôn tiếp nhận và xử lý theo đúng quy tắc.
Thông thường, tại trường của cô Giao, thời điểm phù hợp để xét đổi giáo viên là giữa học kỳ hoặc hết học kỳ, khi thời khóa biểu thay đổi, việc bố trí giáo viên mới cũng thuận lợi hơn. Cô Giao nhấn mạnh nhà trường không thể giải quyết yêu cầu đổi giáo viên ngay lập tức. Nếu không, uy tín của giáo viên sẽ bị ảnh hưởng, cả thầy lẫn trò cũng sẽ tổn thương.
Do đó, nếu muốn đổi giáo viên, đầu tiên học sinh trường THCS & THPT Lương Thế Vinh sẽ góp ý cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm sẽ góp ý cho giáo viên bộ môn để thầy cô thay đổi cách dạy phù hợp hơn với lớp.
Nếu sau một thời gian, việc dạy học không có tiến triển, phụ huynh sẽ viết đơn gửi lên nhà trường. Ban giám hiệu tiếp nhận đơn, gặp mặt học sinh và giáo viên, trao đổi và lắng nghe ý kiến từ hai bên rồi mới cân nhắc việc thay đổi.
Với trường hợp xin đổi giáo viên chủ nhiệm, nhà trường cũng thực hiện theo từng bước là tiếp nhận, lắng nghe ý kiến của học sinh rồi trường trao đổi lại với giáo viên. Ban giám hiệu thường cho học sinh viết ý kiến ẩn danh về giáo viên để lắng nghe quan điểm của các em. Cô Quỳnh Giao kể một trường hợp giáo viên tiếp nhận ý kiến của các học sinh và nhanh chóng thay đổi nên lớp không cần đổi giáo viên nữa.
“Nhìn chung, đổi giáo viên là chuyện rất bình thường, nhưng nhà trường phải làm đúng nguyên tắc để giáo viên và học sinh đều cảm thấy thoải mái”, cô Quỳnh Giao nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.