Trường phái không bằng thắng khoái tại World Cup

Quỳnh Nga (Thế giới Tiếp thị) Chủ nhật, ngày 15/06/2014 09:10 AM (GMT+7)
Bình luận 0

Người ta thường đưa các trận đấu mang tính quyết định hoặc các cuộc thư hùng đỉnh cao ở trận địa World Cup vào giáo trình bóng đá. Sở dĩ như vậy là vì World Cup thường quy tụ đầy đủ các trường phái danh tiếng. Đôi khi, việc tranh ngôi vô địch World Cup chỉ là cuộc so đọ giữa các trường phái khác nhau.

Xin nhắc lại: chỉ là “gần suốt chiều dài lịch sử”. Có nghĩa, những gì thú vị vừa nêu đang có vẻ nhạt dần trong thời kỳ hiện đại. Câu hỏi đặt ra trước ngày khai mạc World Cup 2014: còn không sự rạch ròi giữa các trường phái bóng đá? Nguy cơ rằng câu trả lời là “không” hơi bị cao. Và nếu quả thật như thế, kể cũng đáng tiếc.

Một thời, người ta gọi đội tuyển Đức là “xe tăng”, là “những cỗ máy chơi bóng”. Gặp đối thủ thuộc diện phải thắng thì đương nhiên người Đức phải thắng, dù chỉ với hình ảnh lầm lũi. Họ tuyệt đối tuân thủ kỷ luật chiến thuật, vận hành chính xác như đã được lập trình. Nhưng từ World Cup 2006 đến nay, Đức không còn là Đức nữa, dưới sự dẫn dắt của các HLV Jurgen Klinsmann và Joachim Loew. Họ muốn đá đẹp, chơi lả lướt, tấn công nhanh. Họ muốn thắng 4 — 2 chứ không phải 1 — 0 bằng cách cố sáng tạo trong cách chơi. Chưa bao giờ đội tuyển Đức trắng tay về mặt danh hiệu như bây giờ (đã 18 năm trôi qua mà Mannschaft chưa có chức vô địch nào). Nhưng họ hài lòng với diện mạo mới, đường nét mới của mình.

Rất có thể, Đức cũng sẽ bước vào World Cup 2014 với hình ảnh như vậy. Trong khi đó, đội tuyển Brazil vốn là hiện thân của bóng đá đẹp qua bao đời nay thì lại chủ động bỏ đi các đại biểu ưu tú nhất của bóng đá đẹp. Họ bỏ Ronaldinho, Kaka, Robinho, Coutinho..., và dùng những cái tên ít ai biết đến như Henrique, Hernanes, Jo, Bernard. Brazil bây giờ chỉ hướng đến hiệu quả chứ không quan trọng hoá vẻ đẹp của chính họ nữa. Pháp bỏ Samir Nasri — ngôi sao có kỹ thuật tuyệt vời và đang có phong độ tốt — để siết chặt kỷ luật. Vâng, họ muốn có kỷ luật và tinh thần đồng đội hơn là lối chơi hào hoa phong nhã vốn đã là thương hiệu một thời. Bây giờ, Ý không còn bám chặt vào cách chơi phòng thủ — phản công mà họ từng là các giáo sư hàng đầu thế giới nữa. Thế còn Hà Lan? Cú đạp thẳng vào ngực đối phương của De Jong trong trận chung kết World Cup 2010 làm ngao ngán những ai từng say mê “cơn lốc màu da cam”.

Chỉ có Tây Ban Nha là đội tôn trọng trường phái mình theo nhất, họ giương cao ngọn cờ tiki-taka. Hàng chục năm trước, Tây Ban Nha đã chơi như thế, nhưng không thành công. Thế rồi, họ ngự trị ở đỉnh cao từ năm 2008 đến tận bây giờ nhờ nâng được cách chơi sở trường lên tầm cao mới. Nhưng tiki-taka, dù là phiên bản Tây Ban Nha hay Barca, lại đang có vẻ suy thoái và đứng trước nguy cơ sụp đổ ở World Cup này.

Những người trong cuộc sẽ quyết thắng nhau vì những so đo, toan tính chi li, cặn kẽ nhất. Người xem lại chỉ muốn thưởng thức vẻ đẹp khác nhau của những trường phái khác nhau. Khi trường phái không còn được các đội đặt nặng bằng việc thắng mới khoái, xem ra World Cup kỳ này khó lường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem