Ts Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng: "Cần làm mọi biện pháp để bơm tiền cứu doanh nghiệp"

Quang Dân Thứ sáu, ngày 24/07/2020 06:14 AM (GMT+7)
Trao đổi với Báo NTNN/Dân Việt về vấn đề giải pháp và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam do dịch Covid-19, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng chủ trương của Chính phủ trong việc tăng đầu tư công là rất hợp lý. Đặc biệt là việc nâng cấp tất cả hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước.
Bình luận 0

Trao đổi với Báo NTNN/Dân Việt về vấn đề giải pháp và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam do dịch Covid-19, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng chủ trương của Chính phủ trong việc tăng đầu tư công là rất hợp lý. Đặc biệt là việc nâng cấp tất cả hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước.

Theo ông Hiếu, đầu tư công trong lúc này ngoài tạo thêm công ăn việc làm cho người dân còn là nền móng cho một nền tảng tốt trong việc phát triển kinh tế. Hiện nay, nhiều quốc gia cũng đang thực hiện những biện pháp tương tự như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.

Ts Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng:  "Cần làm mọi biện pháp để bơm tiền cứu doanh nghiệp" - Ảnh 1.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính. Ảnh: I.T

Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề đầu tư công thì những gói giải pháp của Chính phủ đưa ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vừa mang tính cổ vũ, động viên vừa tạo động lực khôi phục. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ.

Cụ thể, có 4 gói tài khóa đã được thông qua bao gồm: Gói 300.000 tỷ đồng hỗ trợ DN nhỏ và vừa; gói 180.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế; gói 62.000 tỷ cứu trợ cho người mất việc và gói 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động.

"Trong đó, đối với gói 300.000 tỷ, cùng sự đóng góp thêm của các ngân hàng, số dư đã lên đến 700.000 - 800.000 tỷ đồng, nhưng lượng khách hàng nhận được ưu đãi là không nhiều. Lý do bởi ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn như Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Ngược lại, bản thân từng ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng thân thiết, có khả năng sinh lời, đóng góp nhiều cho lợi nhuận của họ"- ông Hiếu bình luận.

Còn gói 180.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế cũng tương tự như việc giảm 30% thuế thu nhập DN, theo ông Hiếu, chỉ có ý nghĩa với DN làm ăn có lãi, còn những đơn vị thua lỗ thì không có tiền đóng nên sẽ không quan tâm. Bên cạnh đó, gói 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa giải ngân được nhiều.

Trong khi đó, điều nguy hiểm nhất của các DN hiện tại là mất tính thanh khoản. Có nghĩa là họ mất khả năng chi trả tiền lương cho người lao động, trả tiền cho nhà cung cấp, trả nợ ngân hàng, trả thuế Chính Phủ. Khi DN mất khả năng thanh toán sẽ bị đuổi ra khỏi chỗ làm việc, ngân hàng siết nợ, người lao động nghỉ việc.

"Thế nên Chính phủ phải tìm mọi biện pháp để bơm tiền vào cho nền kinh tế, bơm vào cho các DN đang bị tác động bởi dịch Covid-19. Để làm được điều đó, cơ chế mà trước nay tôi vẫn đề nghị, đó là phải cải cách, cải tổ lại cái quỹ bảo lãnh tín dụng" ông Hiếu nhấn mạnh.

Để củng cố cho luận điểm này, ông Hiếu cho biết, Việt Nam đã có Nghị định 34 của Chính phủ về quỹ bao lãnh tín dụng, ban hành năm 2018. Tuy nhiên, quỹ này chỉ là quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, vốn điều lệ trong khoảng 100 tỷ, và không được bảo lãnh quá 3 lần vốn điều lệ. Ngoài ra, quỹ bảo lãnh tín dụng còn phải hoạt động dưới nguyên tắc bảo toàn vốn. Khi bảo lãnh cho các DN nhưng bị xù nợ thì quỹ phải bồi thường. Trước những hạn chế như vậy quỹ tín dụng hiện tại theo Nghị định 34 là không hiệu quả.

"Chúng ta cần cải tổ lại toàn diện, lập thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy ngân sách từ quốc gia với vốn điều lệ lớn, và cho họ (quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia - PV) thẩm quyền bảo lãnh số lượng lớn để cho DN đến vay theo ngân hàng, thì mới có thể bơm tiền cho các DN"- ông Hiếu phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem