Từ 1 nhà nước trên bờ vực phá sản, vì sao Monaco trở nên giàu có?

TL Thứ tư, ngày 18/11/2020 20:30 PM (GMT+7)
Công quốc Monaco, phần lãnh thổ tự trị đặc biệt nằm trong lòng nước Pháp là vùng đất đắt giá nhất thế giới. Nhưng trước Thế chiến II, cái thiên đường của "sự phong lưu đến chóng mặt" bây giờ vốn là một nhà nước đang trên bờ vực phá sản.
Bình luận 0

Đúng vào thời điểm có sự bành trướng của chủ nghĩa Quốc xã, nền kinh tế của quốc gia nhỏ bé này bỗng trở nên hưng thịnh, bởi đã biến thành "cỗ máy ngốn tiền" của bọn phát xít.

Tuy các kho lưu trữ trong Cung điện Hoàng gia Monaco vẫn khép kín và người ta luôn cự tuyệt mọi nhã ý muốn được thăm viếng nơi đây. Nhưng một nhóm phóng viên thuộc Ban Biên tập của tờ báo Le Nouvel Observateur cự phách xuất bản ở Paris đã tìm đến Cơ quan Bảo quản Tàng thư Ngoại giao Pháp, nơi chứa đựng các thông điệp và công hàm trao đổi giữa Công quốc Monaco với Liên bang Thụy Sĩ và Chính phủ Petain bù nhìn thân phát xít ở Paris, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề uẩn khúc trong quá khứ.

Từ 1 nhà nước trên bờ vực phá sản, vì sao Monaco trở nên giàu có? - Ảnh 1.

Công quốc Monaco là vùng đất đắt đỏ nhất thế giới hiện nay.

Nhiều điều kỳ lạ đã xảy ra với đất nước mini này trong thời gian có chiến tranh. Đức vua Louis đệ nhị, cố nội của Hoàng thân Albert, đã phải sa thải viên cố vấn đặc biệt của mình vì tình trạng tài chính tuyệt vọng của vương quốc.

Vào năm 1933, có nghĩa là trước ngưỡng cửa của Thế chiến II, Monaco đã đánh mất vị thế độc tôn cố hữu của mình về các sòng bạc casino, thay vào đó là sự cạnh tranh gay gắt của các địa danh khác cũng thuộc khu vực Địa Trung Hải như Nice, Cannes và Monte Carlo. Nhưng chỉ 10 năm sau, chính viên Bộ trưởng Ngân khố của Monaco đã cho biết là "mức tài sản cùng sự chi tiêu của Louis đệ nhị đã tăng... gấp ba lần".

Sự "thần kỳ" này được lý giải bằng hai khía cạnh: những mánh khóe trốn tránh thuế khóa phải nộp cho Nhà nước Pháp, và hơn nữa là nguồn thu khó lý giải từ các sòng bạc. Điều gây tò mò: Ai là những con bạc "khát nước" trong thời buổi khốn khó của cuộc đại chiến đang hồi khốc liệt này? Những kẻ chơi bạc triệu mỗi đêm trước hết là những tên Quốc xã mới phất, bỗng chốc trở thành tỉ phú nhờ những thương vụ chợ đen và sự buôn bán có hệ thống các tài sản của người Do Thái mà chúng cướp được. Nhưng Monaco nhắm mắt làm ngơ trước tất cả và tự nguyện biến mình thành kẻ thu "tiền hồ" cho các con bạc rủng rỉnh đến từ phe Trục.

Những đồng tiền ăn cướp của bọn phát xít đã đổ tới Monaco ngày càng nhiều. Chúng không chỉ chơi bạc, mà còn mạnh dạn đầu tư vào đây nữa, nhằm che giấu nguồn gốc mức thu nhập khổng lồ của mình. Hàng trăm công ty ma mọc lên như nấm sau mưa, giúp những kẻ nặc danh giàu lên một cách nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, thậm chí cả những thiếu nữ trẻ mới lớn cũng bất thình lình trở thành chủ sở hữu của các bất động sản và hàng đống cổ phiếu đắt giá...

Tiêu biểu cho lớp người mạo danh này là Mandel Scolnikov, ẩn dưới cái tên Pháp Misel. Hắn chính là kẻ cung cấp hậu cần cho lực lượng tinh nhuệ SS của bọn Quốc xã ở Paris. Dưới sự che chở của Fris Egelke, một kẻ thân cận với Himmler - cánh tay phải của tên trùm Quốc xã Adolf Hitler, Mandel-Misel trở thành một trong những người giàu có nhất nước Pháp. Ban đầu Mandel đội lốt cái tên Misel và là người thu ngân tại một casino ở Monaco. Rồi cũng chính với cái tên Misel, hắn đã lần lượt mua những tòa khách sạn đắt giá nhất ở Công quốc như Windsor, Louvre, hay La Resina... cùng những khu biệt thự và trang trại đắt tiền khác.

Sự chiếm đóng của quân Đức đã đem lại cho Monaco nguồn lợi lớn, nhờ những đồng tiền bẩn thỉu từ Đế chế đệ tam, công quốc tưởng chừng sắp lâm vào cảnh khốn khó ấy lại ngày càng thịnh vượng. Mục đích của Louis II là biến vùng lãnh địa nhỏ bé của mình thành "thủ đô tài chính của Đế chế Đức Hitler".

Năm 1942, quân của tên trùm phát xít Italia Benito Mussolini tràn vào Monaco. Louis đệ nhị ngay lập tức cầu cứu Berlin giúp giữ nền độc lập của mình, đồng thời "kể lể" quá trình quy phục nước Đức của Monaco từ trước tới nay. Adolf Hitler hiểu rõ sự khẩn cầu và lời đề nghị đã được đáp ứng. Hình thức chính trị của Công quốc Monaco vẫn tiếp tục được coi là một nhà nước trung lập. Thậm chí, đến cuối Thế chiến II xem ra còn bền vững hơn cả xứ Thụy Sĩ nữa, và rồi bọn Quốc xã đã nhanh chóng chuyển những khoản tiền khổng lồ mà chúng cướp bóc được vào các ngân hàng đặc biệt mới thành lập tại đây. Sau giải phóng đa phần những nhà băng dạng này chuyển sở hữu chủ sang phía Nhà nước Monaco, qua các mánh lới tài chính tinh ranh và lắt léo.

Một điều cần lưu tâm nữa là Đài Phát thanh Monte Carlo do quân phát xít dựng lên, cũng mang lại những khoản tiền không nhỏ cho Louis đệ nhị. Quốc vương luôn đòi những khoản phần trăm trong các đoạn quảng cáo trên cái công cụ tuyên truyền chủ yếu của bọn Quốc xã ở vùng Địa Trung Hải, cũng như Louis II đã cử một viên cố vấn đặc biệt của mình tới thường trú tại đài. Sau khi quân phát xít bị đánh đuổi, đài này bị quốc hữu hóa và người ta chỉ nộp cho Paris độ 5-6% tổng trị giá thực của đài. Những phần còn lại đương nhiên là thuộc về Louis đệ nhị và cùng với thời gian, tới giờ chẳng ai còn nhớ nổi về nguồn kinh phí để lập ra Radio Monte Carlo do đâu mà có nữa (!).

Đến giờ cũng vậy, kỷ luật sắt của Monaco là không lưu tâm tới xuất xứ tiền bạc đổ đến đây, miễn sao người ta nộp "tiền hồ" đầy đủ là được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem