Từ chuyện 6.000 người dự tuyển một cuộc thi âm nhạc: Trào lưu hát nhạc sến trở lại

Thanh Nam Thứ hai, ngày 10/11/2014 06:30 AM (GMT+7)
Nhạc sến (bolero) liệu có phải đã đến lúc trở về thời hoàng kim của nó khi một cuộc thi hát dòng nhạc này mới mở ra đã thu hút hơn 6.000 thí sinh tham gia? Dòng nhạc này đến nay vẫn có sức sống mãnh liệt, đặc biệt ở khu vực nông thôn. 
Bình luận 0

Tình yêu mãnh liệt

“Solo cùng Bolero” - chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành cho dòng nhạc bolero vừa kết thúc vòng tuyển sinh tại TP.HCM. Mặc dù chỉ mới tổ chức lần đầu tiên nhưng chương trình đã thu hút hơn 6.000 thí sinh từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đăng ký tham gia.

img Các thí sinh đến tham dự vòng tuyển chọn khu vực Cần Thơ. Phạm Thế Danh

 

Theo thông báo ban đầu, điều kiện dự thi sẽ giới hạn trong độ tuổi từ 15 – 45 tuổi, nhưng chỉ trong 2 tuần phát động, chương trình đã nhận được hàng ngàn hồ sơ dự thi – một con số nằm ngoài dự đoán của chương trình.

Điều đặc biệt là trong số hàng ngàn hồ sơ dự thi có rất nhiều thí sinh lớn tuổi và cả các bé thiếu nhi, trong đó có nhiều người lặn lội từ đường xa vào TP.HCM để nộp hồ sơ trực tiếp. Ban tổ chức cho biết đã giải thích về điều kiện dự thi nhưng các thí sinh đặc biệt này vẫn tha thiết và mong muốn được dự thi để thể hiện niềm đam mê của mình với dòng nhạc bolero.

Trước tình cảm cũng như nguyện vọng tha thiết của các thí sinh, được sự đồng ý của Đài Truyền hình Vĩnh Long – đơn vị tổ chức Cuộc thi “Solo cùng Bolero” - chương trình đã mở rộng độ tuổi dự thi để các thí sinh có cơ hội.

Trước đó, tuổi tuyển sinh “Solo cùng Bolero” ở khu vực Cần Thơ đã diễn ra vào ngày 2.11 tại Trung tâm Tiệc cưới và hội nghị Diamond Palace, thu hút hơn 1.700 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, trong đó phần lớn là các thí sinh đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giám khảo sơ tuyển của khu vực này là danh ca Phương Dung và nhà báo, nhà lý luận, phê bình âm nhạc Minh Đức.

Các thí sinh ở khu vực miền Tây có một niềm đam mê âm nhạc rất đặc biệt và cách họ thể hiện niềm đam mê của mình khá vô tư và hồn nhiên. Đa phần thí sinh đều làm nghề nông và lao động chân tay.

Trước ngày dự thi, họ đã chuẩn bị trang phục, phương tiện đi lại khá kỹ để sáng sớm hôm sau có mặt ở Cần Thơ dự thi. Giám khảo Phương Dung cho biết: “Khu vực miền Tây có nhiều thí sinh có chất giọng tốt và lạ, hứa hẹn sẽ khiến nhiều khán giả bất ngờ. Mà đặc biệt điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là có nhiều người hỏi ra mới biết thường ngày họ chỉ làm ruộng nhưng khả năng hát thì không thua kém nghệ sĩ, chỉ học hát qua băng đĩa mà chất giọng thì vô cùng ngọt ngào”.

Phần lớn các thí sinh đều cho biết mình tham gia cuộc thi vì muốn thể hiện niềm đam mê với dòng nhạc bolero. Có thí sinh hiện đang thất nghiệp và muốn tham gia cuộc thi với ước mơ đổi đời.

Trong số các thí sinh nữ dự thi ở khu vực TP.HCM, hoàn cảnh của Thủy Tiên sinh năm 1992, có rất nhiều điều gây xúc động. Theo chia sẻ của Thủy Tiên, cô quê ở Bình Định, đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh và hiện đang sinh sống bằng nghề bán kẹo kéo tại khu vực Thủ Đức. Do gia đình khó khăn, Thủy Tiên phải chạy xe kẹo kéo đi bán được gần 2 năm nay để phụ giúp gia đình và nuôi em trai học đại học. Hàng ngày, cô đẩy xe đi từ 5 giờ chiều đến gần 12 giờ đêm. Khó khăn nhất của công việc này theo Thủy Tiên là bị khách, nhất là khách nam chọc ghẹo, bắt uống rượu hay những buổi về khuya trên đường vắng, nguy hiểm… Thủy Tiên muốn tham gia cuộc thi để mong có giải, có tiền sẽ giúp được gia đình và chính mình thoát khỏi công việc nhiều bất tiện này.

Vì sao cuốn hút?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết: “Bolero khởi đầu là một loại nhạc khiêu vũ ở Tây Ban Nha, du nhập vào nước ta trong khoảng thập niên 1950 - lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Khi đến Việt Nam, điệu nhạc này đã được nhiều nhạc sĩ trong nước chuyển hóa thành một thể thức riêng với nhịp điệu chậm rãi và dìu dặt hơn. Đỉnh cao của dòng nhạc này là thập niên 1960 - 1970 với rất nhiều ca khúc được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cassete và đĩa nhựa”.

Giải thích về việc vì sao dòng nhạc này có sức sống mãnh liệt, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết thêm: Bolero đã gắn bó với người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn suốt nhiều thập kỷ nay, cho dù đã có một thời kỳ nhạc bolero không được khuyến khích nhưng đến những năm gần đây, khi nhiều ca khúc được cấp phép trở lại, trào lưu các ca sĩ hải ngoại về hát trên quê hương, các ca sĩ được yêu thích trong nước cũng hát nhiều bài của dòng nhạc này, nó đã gây nên một hiện tượng bùng lên mạnh mẽ.

Vũ Quốc Bình - một thí sinh tham gia tuyển chọn Cuộc thi “Solo cùng Bolero” khu vực TP.HCM tâm sự: “Em thấy một điều rất lạ kỳ là ngày càng có nhiều bạn trẻ thế hệ 9x hoặc muộn hơn đó, đầu những năm 2000 bây giờ chuyển sang hát nhạc bolero rất nhiều. Bản thân em cảm thấy, dòng nhạc này nó gần gũi với tâm tư tình cảm của người Việt Nam, gần gũi với các làn điệu dân ca, hò, điệu lý ở khu vực Nam Bộ, lời nhạc mượt mà, giai điệu có chút buồn buồn càng nghe càng thấm”.

Một bạn trẻ khác - Lam Thị Tuyết Nhung đến từ Cà Mau thì cho biết: “Cũng như một số các bạn trẻ khác thích nhạc Hàn Quốc, nhạc Nhật Bản hay nhạc phương Tây, chúng em thích nhạc bolero, say mê hát nhạc này vì nó đã trở thành một thói quen. Ở quê em mọi người ai cũng thích nghe hát nhạc này, đám cưới cũng mở nhạc này, em ước mong được đứng trên sân khấu hát như các ca sĩ nổi tiếng Hương Lan, Phi Nhung, Lệ Quyên… nên đăng ký đi thi”.

Cuộc thi “Solo cùng Bolero” do Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Công ty Truyền thông Khang thực hiện. Đây là chương trình truyền hình thực tế có format hoàn toàn Việt Nam và cũng là cuộc thi ca hát trên truyền hình đầu tiên dành cho khán giả yêu thích thể loại nhạc bolero. Chương trình sẽ lên sóng tập đầu tiên vào lúc 20 giờ 30 ngày 14.11 trên kênh truyền hình Vĩnh Long 1. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem