Tư duy mới của Đảng về “dân tộc thông thái” trong kỷ nguyên mới
Tư duy mới của Đảng về “dân tộc thông thái” trong kỷ nguyên mới
PGS.TS Trần Viết Lưu
Thứ năm, ngày 30/01/2025 12:41 PM (GMT+7)
Trong niềm vui chung, trí thức Việt Nam có được niềm vui từ Nghị quyết 57, như luồng sinh khí mới, chắc chắn sẽ mang lại sắc xuân tươi mới, góp phần đắc lực vào kỷ nguyên mới, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Mong muốn dân tộc Việt Nam thành một "dân tộc thông thái"
Ngay trong quá trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lĩnh hội văn minh phương Tây, trăn trở với sự nghiệp giải phóng dân tộc và con đường hướng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản ở Việt Nam. Trong tư duy chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giải phóng dân tộc mới là tiền đề chính trị có tính quyết định để giải phóng con người, mang lại hạnh phúc ấm no cho con người là "cách mạng triệt để", muốn vậy cần phải có tri thức khoa học.
Khi lãnh đạo cách mạng giành chính quyền thành công, Hồ Chí Minh đã mong muốn dân tộc Việt Nam trở thành một "dân tộc thông thái", sánh vai với các cường quốc năm châu bằng trí tuệ Việt Nam.
Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ năm 1945, trong các cuộc thương lượng hòa bình với Chính phủ Pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh việc mong muốn hợp tác rộng mở trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, thương mại, nhưng phải giữ nền độc lập, chống nô dịch dân tộc.
Trong kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn chú trọng việc vận động lớp trí thức trình độ cao được đào tạo trong thời Pháp thuộc về nước làm nòng cốt trong chế tạo vũ khí, y học, nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt là gửi hàng vạn người qua các nước XHCN đào tạo, lĩnh hội tri thức, thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, trở về làm nòng cốt cho công cuộc phát triển đất nước trong thời chiến cũng như thời bình.
Trước đổi mới, Đảng ta đã xác định khoa học kỹ thuật là một trong 3 trụ cột cách mạng phát triển đi lên CNXH ở Việt Nam (cách mạng khoa học-kỹ thuật cùng với cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt).
Sự nghiệp đổi mới trong 40 năm qua đã có vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức nước nhà, họ đã thể hiện xứng tầm bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trên đường đổi mới, sáng tạo, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Tiền đồ dân tộc ta có được như ngày nay không chỉ do ý chí tự lực, tự cường dân tộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà còn là sự tiếp biến truyền thống người Việt Nam thông minh, cần cù, tiết kiệm, biết chắt chiu hội tụ trí tuệ, biết nhân lên sức mạnh tinh thần, biết chớp thời cơ lịch sử và vượt qua thách thức, biết sống nghĩa hiệp với cuộc đời chung.
Khai phóng ý chí tự lực, tự cường trong nghiên cứu khoa học
Thời đại ngày nay là thời đại thông minh, không chỉ vì loài người biết sáng tạo ra những thiết bị thông minh có bước tiến nhảy vọt về chất của trình độ khoa học, công nghệ, mà vì nhân loại đã tích lũy được nền tảng vốn tri thức của các cuộc đại cách mạng về công cụ sản xuất, về tiến bộ khoa học, công nghệ.
Thời đại ngày nay đang thay đổi nhanh chóng về cách tiếp cận mới đối với hội nhập toàn cầu, đối với ứng phó biến đổi khí hậu, đối với phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là đối với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Bất kỳ quốc gia nào đang tồn tại cũng không thể đứng ngoài sự ảnh hưởng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng sẽ bị cuốn vào xu hướng số hóa.
Muốn tham gia tích cực vào toàn cầu hóa, không bị động, lệ thuộc vào các nước tiên phong khoa học, công nghệ, thì Việt Nam cần phải chủ động hội nhập vào xu thế phát triển khoa học, công nghệ, sớm trở thành một trong những mắt xích quan trọng của vòng quay, chuỗi giá trị khoa học, công nghệ thế giới.
Nguồn lực phát triển nhanh, bền vững giờ đây không hoàn toàn dựa vào đất đai, tài nguyên khoáng sản nhờ thiên nhiên ban tặng, mà dứt khoát phải dựa vào nguồn lực chất xám, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ quốc gia.
Đón đầu xu thế thời đại, Đảng ta đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Mới đây, Đảng ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" được giới trí thức nước nhà đón nhận hào hứng, tin tưởng, kỳ vọng đây là một nghị quyết mang tầm tư duy chiến lược có tác dụng "cởi trói", khai phóng ý chí tự lực, tự cường dân tộc của trí thức Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, làm đòn bẩy đưa Việt Nam hội nhập tiến vào kỷ nguyên phát triển thông minh.
Với tinh thần "nói đi đôi với làm", rút ngắn độ trễ giữa nghị quyết với tổ chức triển khai, Trung ương đã sớm tổ chức hội nghị quán triệt tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 57, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai Nghị quyết 57, do đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo, họp phiên đầu tiên ngày 20/1/2025, kịp thời chỉ đạo rõ yêu cầu nhiệm vụ của các cấp, các ngành, hoạch định lộ trình, nội dung, phương thức thực hiện một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. Sự kiện này như chim én báo hiệu mùa xuân, đúng vào dịp nước ta long trọng kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng.
PGS.TS. Trần Viết Lưu. Ảnh nhân vật cung cấp.
Giới trí thức coi đây là nghị quyết như "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trước đây, khoán 10 trong nông nghiệp đã khai phóng tiềm năng người nông dân khi họ được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao nhiệm vụ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước mảnh đất từng gắn bó bao đời; cũng vẫn những mảnh ruộng xưa, nhưng nhờ có sự khích lệ chính trị sâu rộng mà người nông dân dành nhiều hơn trí tuệ, tâm huyết, cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc đồng hành của nhà doanh nghiệp. Người nông dân đã nhân lên sức mạnh "đại đoàn kết" trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làm cho nông nghiệp vươn mình trỗi dậy, cất cánh phát triển vượt bậc, nông nghiệp đã và đang "gặt hái" được những mùa vàng bội thu, đưa nước nhà vượt qua cơn thiếu đói dai dẳng, chiếm lĩnh ngôi vị hàng đầu trong xuất khẩu gạo trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Trên tiền đề nông nghiệp sau 40 năm đổi mới, có một thuật ngữ mới ra đời trong đời sống chính trị của đất nước, đó là những nghị quyết của Đảng thể hiện tầm tư duy đột phá, tháo được ách tắc, điểm nghẽn trong một lĩnh vực nào đó.
Lần này, Nghị quyết 57 của Trung ương được ban hành đúng trong bối cảnh thế giới đang đứng trước thời cơ và thách thức dưới tác động của nhiều biến động chính trị, dưới ánh sáng văn minh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Điều này thêm một lần minh chứng ý chí, trí tuệ của Đảng ta luôn tươi mới, phát huy tinh thần cách mạng không ngừng, đủ tầm dẫn lối dân tộc trong thời đại mới.
Xét cho cùng, dù xã hội tiến bộ tới đâu, thì con người vẫn là nhân tố quyết định, những quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 57 đã khẳng định vai trò con người Việt Nam biết làm chủ khoa học, công nghệ, biết tìm tòi, sáng tạo đưa những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam một cách phù hợp.
Với hơn 100 triệu dân, đất nước cần có sự đoàn kết của toàn dân tộc, nhưng sự đoàn kết đó phải dựa trên nền tảng của một dân tộc thông thái, biểu hiện của dân tộc thông thái là có được đội ngũ trí thức khoa học công nghệ thông thái, tiên phong, gương mẫu trong tiếp cận luồng ánh sáng mới của khoa học, công nghệ thế giới, luôn bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước để cống hiến. Đồng thời người dân cũng biết cống hiến vì sự phát triển vượt bậc của dân tộc, biết lao động sản xuất, kinh doanh thông minh, biết tiêu dùng thông minh.
Trong nghiên cứu khoa học, công nghệ thì dĩ nhiên là có rủi ro, song người trí thức phải biết kiên chí, bền gan, giống như truyền thống tổ tiên từng nếm trải trong việc xây thành Cổ Loa.
Mặt khác, rất cần Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm tạo cơ chế, chính sách để có sự đầu tư nguồn lực tương xứng, có kinh phí để mua sắm những thiết bị, những vật liệu thiết yếu, cập nhật quy trình nghiên cứu, thí nghiệm, thí điểm theo hướng hiện đại, hợp tác quốc tế với những quốc gia có sự phát triển hàng đầu trên thế giới.
Môi trường xã hội cũng đóng vai trò quan trọng, vì đó là nơi ươm mầm mọi ý tưởng sáng tạo, cần có sự kết nối giữa giới trí thức với giới doanh nghiệp và thị trường. Mỗi ý tưởng đổi mới, sáng tạo cần có điều kiện (chủ yếu là cơ chế, chính sách của Nhà nước) bảo đảm đủ điều kiện để phát huy tác dụng, tạo động lực cho đất nước phát triển. Sự cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu khoa học, công nghệ phải nhằm vào mục tiêu nâng tầm vị thế quốc gia, dân tộc, tương hỗ lẫn nhau.
Các nhiệm vụ mà Trung ương giao cho Chính phủ điều hành vĩ mô là hệ sinh thái chính trị, bảo đảm hanh thông cho xa lộ khoa học, công nghệ quốc gia vận hành tốt. Sự sắp xếp bộ máy tổ chức sẽ là thời cơ tinh gọn, hiệu quả, tránh chồng chéo, phiền hà trong quản lý hành chính về nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Sau 40 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã có được số lượng hùng mạnh các nhà khoa học tài năng, được đào tạo từ các nước tiên tiến, cùng với đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài, đang cống hiến ở tầm quốc tế. Với Nghị quyết 57, đội ngũ trí thức Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài, đều có cơ hội phát huy tối ưu tài năng cho đất nước và nhân loại.
Đất nước vào xuân, mùa xuân có Đảng luôn hứa hẹn tương lai dân tộc. Trong niềm vui chung, trí thức Việt Nam có được niềm vui từ Nghị quyết 57, như luồng sinh khí mới, chắc chắn sẽ mang lại sắc xuân tươi mới, góp phần đắc lực vào kỷ nguyên mới, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.