Sùng Trinh Đế tuy khiến nhiều người khâm phục nhờ tiêu diệt phe cánh hoạn quan Ngụy Trung Hiền, nhưng chỉ 1 năm sau lại trọng dụng hoạn quan, khiến hậu thế chê cười: "Nhà Minh mất nước, không mất vì giặc cướp mà mất ngay từ trong cổng ngõ, không mất ở bờ cõi mà mất ngay từ lời can gián của Đài quan."
MINH TRIỀU KHỦNG HOẢNG
Năm 1619, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ huy quân Nữ Chân (quân Mãn Thanh) dễ dàng đánh bại lực lượng đồng minh của Minh triều và Đế quốc Choson (triều đại kéo dài 518 năm của Hàn Quốc). Ngay sau đó, vùng Khai Nguyên, Thiết Lĩnh, Liêu Dương và Thẩm Dương lần lượt bị lật đổ, Liêu Đông bị chiếm đóng trước chiến thuật cơ động, hay chiến thuật tiêu hao quân địch của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Quân Nữ Chân lúc này tiếp tục chuyển mục tiêu nhắm vào Cẩm Châu, Ninh Viễn, và Sơn Hải quan, một trong những cửa ngõ vào Bắc Kinh, cùng với Gia Dục quan và Cư Dung quan.
Triều đình nhà Minh bắt đầu sợ hãi, bằng mọi giá bảo vệ Sơn Hải quan bằng kế hoạch tác chiến từ bỏ hàng phòng ngự bên ngoài. Đó là một biện pháp phòng thủ chịu ảnh hưởng từ thế lực đảng Yêm (hay còn gọi là đảng Hoạn Quan) do thái giám Ngụy Trung Hiền đứng đầu.
Từ thời Hy Tông, quyền hành trong triều đã lọt vào tay hoạn quan Ngụy Trung Hiền, kẻ câu kết với vú nuôi của Hy Tông là Khách thị, lũng đoạn triều chính. Ngụy Trung Hiền can thiệp vào chuyện triều chính rồi gây dựng thế lực, cùng các thuộc hạ hoành hành ngang ngược, khiến đất nước trở nên kiệt quệ.
Năm 1627, Hoàng đế Minh Hy Tông - người hậu thuẫn đảng Yêm qua đời, và Minh Tư Tông (tức Sùng Trinh Đế) lên ngôi. Vừa lên ngôi, Sùng Trinh Đế đã nhanh chóng thanh trừng thế lực đảng Yêm. Ngụy Trung Hiền bị tước hết chức vị và đuổi khỏi cung, cuối cùng thắt cổ tự vẫn.
Trước đó, vào tháng 1/1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn 13 vạn kỵ binh tiến công thành Ninh Viễn, cuộc bao vây của quân Nữ Chân chính thức nổ ra.
Tuy nhiên lần này, chiến thuật cơ động của Nỗ Nhĩ Cáp Xích không còn hiệu quả trước Viên Sùng Hoán, danh tướng thời Minh có xuất thân từ Quảng Đông, từ khi còn nhỏ đã sôi sục ý chí giành lại Bán đảo Liêu Đông bị quân Nữ Chân cuớp mất.
Đại quân Hậu Kim nhanh chóng mất tinh thần trước đạn pháo bắn ra như vũ bão từ hỏa pháo Bồ Đào Nha. Nỗ Nhĩ Cáp Xích bị thương, quân Nữ Chân thua to, đành rút về Thẩm Dương với tổn thất lớn về nhân mạng.
Năm 1626, do lao lực quá độ, uất ức đại bại trước một tướng lĩnh vô danh khi ấy, cộng với tuổi già và bị thương, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không qua khỏi. Hoàng Thái Cực trở thành vị Đại hãn thứ hai của nhà Hậu Kim.
HOẠN QUAN THÀNH "CÁNH TAY PHẢI"
Ngay khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích bại trận tại cố thành Ninh Viễn bên ngoài Sơn Hải quan, Viên Sùng Hoán đã được hoàng đế phong chức Tuần phủ kiêm Hữu thị lang, chỉnh đốn phòng ngự ở Liêu Đông.
Tuy có công tiêu diệt phe cánh Ngụy Trung Hiền nhưng chỉ 1 năm sau đó, Sùng Trinh Đế ngày càng mở rộng việc trọng dụng hoạn quan, khôi phục lại chế độ giám quân do các thái giám đảm nhiệm. Hoạn quan có quyền hành rất lớn, được tham gia việc quân và được dùng làm mật thám trong quân đội.
Vào tháng 10/1629, Hoàng Thái Cực sau khi tập trung vào việc củng cố quyền lực đã từ Hỷ Phong Khẩu vượt qua Trường Thành, tiến sâu vào nội địa của nhà Minh, bỏ qua Ninh Viễn và Sơn Hải quan, ngay lập tức nhắm vào Hoàng Thành, sử dụng chiến thuật đánh úp, bất ngờ tập kích Bắc Kinh, nằm ngoài dự liệu của Viên Sùng Hoán.
Nghe tin Hoàng cung bị bao vây, Viên Sùng Hoán dẫn hàng nghìn quân hoảng loạn rút về Bắc Kinh. Vào ngày 20/11, sau nửa ngày kịch chiến gần Quảng Cừ môn, Sùng Hoán đã đẩy lùi được đại quân Nữ Chân, bảo vệ được kinh thành Bắc Kinh.
Sùng Trinh Đế vốn là vị hoàng đế có tài nắm bắt tình thế và cảnh giác cao độ, cuối cùng lại rơi vào kế phản gián của Hoàng Thái Cực do chính thói độc đoán và đa nghi.
Hoàng Thái Cực cố ý phao tin giả về việc kết liên minh với Sùng Hoán dưới chân thành, rồi thả cho một tù binh là hoạn quan họ Dương trốn thoát về, báo cho Sùng Trinh biết. Sùng Trinh nghe tin cho là thật, bèn hạ lệnh bắt giam Viên Sùng Hoán vào ngục vì tội "dối vua phản quốc" và xử tội chết. Hoàng Thái Cực dần chiếm thế chủ động trên chiến trường, khai quốc triều Thanh.
QUÁ TRỌNG DỤNG HOẠN QUAN, KẾT CỤC BI THẢM
Tháng 8/1630, Viên Sùng Hoán bị xử lăng trì tại Bắc Kinh, vợ con thì bị bắt đi đày cách xa 3.000 dặm. Sử quan ghi chép lại trong "Minh sử" như sau: "Sùng Trinh Đế đã tự tay phá hủy bức tường thành, đẩy dân tộc vào thảm hoạ diệt vong." Mặt khác, Hoàng Thái Cực đã thành công tiêu diệt vị tướng giỏi nhất của địch mà không đổ một giọt máu nào.
Sau cái chết oan uổng của Viên Sùng Hoán, Minh triều ngày càng khủng hoảng, đảng Yêm giành lại quyền kiểm soát triều đình trước sự dung túng của Sùng Trinh Đế. Quân Hậu Kim trở nên hùng mạnh hơn, Hoàng Thái Cực bành trướng uy thế, sau này trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Thanh.
Thuế suất liên tục tăng cao để đổ vào chi phí chiến tranh, các cuộc nổi dậy quần chúng nổ ra khắp nơi. Năm 1644, Lý Tự Thành chỉ huy một đội quân nông dân nổi dậy chiếm Xương Bình, một thị trấn gần Hoàng Thành, Bắc Kinh. Ngày hôm sau, thành Bắc Kinh bị chiếm, nội thành lâm nguy.
Sùng Trinh Đế hồn xiêu phách tán, biết cơ nghiệp đã mất, bèn bảo Chu hoàng hậu và Viên quý phi treo cổ tự vẫn, rồi cùng thái giám trung thành Vương Thừa Ân rời Tử Cấm Thành, bỏ chạy lên núi Vạn Thọ (tức Môi Sơn, nay là Cảnh Sơn).
Tới đình Thọ Hoàng trên đỉnh Cảnh Sơn, Sùng Trinh Đế để lại cho Vương Thừa Ân một lời nhắn: "Trẫm đức mỏng phận hèn, bị trời quở phạt, dẫn tới nghịch tặc kéo thẳng vào kinh sư, đều do các bề tôi hại trẫm. Trẫm chết, chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông, tự vứt bỏ mũ áo, xõa tóc che mặt, để mặc cho giặc phanh thây, đừng làm hại tới con dân của trẫm"; sau đó treo cổ tự vẫn.
Sử quan ghi lại trong "Minh sử" về kết cục thê thảm của Sùng Trinh Đế: "Trong 17 năm trị vì, Hoàng đế Minh Tư Tông (tức Sùng Trinh Đế) không màng đến đàn ca hay nữ sắc, toàn tâm toàn ý dốc sức vào quốc gia đại sự. Tuy có được người tài; song Minh Tư Tông không biết dùng quân khiến việc triều chính lâm nguy. Kết quả là, do quá trọng dụng lực lượng hoạn quan mà không có bố trí nhân sự xứng đáng, phúc phần cạn kiệt, nước mất thân vong."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.