Từ “Tâm thư của nông dân xuất sắc”: Nhiều chủ trang trại cũng “kêu trời”

Việt Tùng Chủ nhật, ngày 20/12/2015 17:30 PM (GMT+7)
Trường hợp Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015 Đinh Văn Thiểm ở Nam Định dù có trang trại trị giá đến cả chục tỷ đồng vẫn không vay được vốn không phải là trường hợp cá biệt. Theo tìm hiểu của Dân Việt, rất nhiều chủ trang trại cũng lâm hoàn cảnh tương tự như ông Thiểm.
Bình luận 0

Bằng khen, giấy khen cũng... không ý nghĩa

Anh Trần Thế Toàn ở xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) là nông dân xuất sắc của huyện, tỉnh nhiều năm liền, hiện nuôi 400 lợn thịt và 10 lợn nái, cùng hơn 1ha ao cá, mỗi năm lãi hàng trăm triệu đồng. Trang trại hiệu quả là thế, song anh Toàn vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn “không thế chấp”.

img

Anh Cấn Văn Mai (xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) phải mượn GCNQSDĐ của người thân để vay vốn.  Ảnh: N.L

Lý giải về điều này, anh Toàn cho biết, do có nhu cầu mở rộng chuồng trại nên rất cần vốn, anh đã lên Ngân hàng NNPTNT (Agribank) chi nhánh Kim Bảng làm thủ tục. Tại đây, cán bộ tín dụng yêu cầu anh viết đơn, nộp các giấy tờ liên quan để xem xét. Sau khi làm đơn và photo một chồng giấy khen, bằng khen của xã, huyện, tỉnh tặng, cùng giấy chứng nhận trang trại (GCNTT) gửi lên ngân hàng, một tuần sau ngân hàng lại gọi và yêu cầu anh cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), rồi bản thuyết trình, tính khả thi của trang trại...

“Đây là vùng đất chuyển đổi, đa số diện tích làm trang trại tôi thầu lại của người dân, thì lấy đâu ra GCNQSDĐ. Sau hơn một tháng, với 4 – 5 lần làm việc, cuối cùng ngân hàng chốt cho vay 100 triệu đồng, số tiền này không thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư của  tôi” – anh Toàn cho hay.

Theo anh Toàn, người chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả về con giống, đầu ra sản phẩm, giá thức ăn, song khó khăn nhất vẫn… vốn. “Khi biết có Nghị định 55, tôi đã nhiều lần lên ngân hàng đề nghị được vay vốn, song ngân hàng yêu cầu rất nhiều thủ tục, nào là bản diễn giải phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp, phương án trả nợ và rất nhiều giấy tờ khác, rốt cuộc tôi đành… bó tay”- anh Toàn nói.

Anh Cấn Văn Mai (thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chủ trang trại đang nuôi 30.000 gà đẻ, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Mai cho biết, anh cũng đã làm đơn, nộp các giấy tờ liên quan gửi Agribank chi nhánh Quốc Oai để được vay vốn. Đợi chờ  gần 2 tháng trời để ngân hàng thẩm định hồ sơ, cuối cùng anh bị ngân hàng từ chối cho vay, vì trang trại của anh chưa được cấp GCNTT, cũng như không có GCNQSDĐ, mặc dù trang trại làm ăn rất hiệu quả.

“Vì liên quan đến tiền, kinh tế, nên các cấp chính quyền cũng rất ngại bảo lãnh, hay đôn đốc, vì sợ “dính” đến trách nhiệm. Tôi nghĩ, mặc dù có chủ trương của Nhà nước về cho nông dân vay vốn làm ăn, song nếu không có sự bảo lãnh của các cấp chính quyền, nguồn vốn rất khó đến tay người cần vốn”- anh Mai nói.

Theo anh Mai, Nghị định 55/2015 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ban hành tháng 6.2015) dù được đánh giá cởi mở, thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều điều khoản ràng buộc mà người dân rất khó đáp ứng. Chẳng hạn, trong khoản 2, Điều 9, có nêu người vay vốn không cần tài sản thế chấp, nhưng khoản 3 lại bắt buộc người vay phải nộp cho ngân hàng GCNQSDĐ, GCNTT, trong khi đó đa số các hộ, hợp tác xã đều thuê đất nên không có GCNQSDĐ. Một quy định “làm khó” chủ trang trại nữa là, để được cấp GCNTT thì phải có GCNQSDĐ.

Muốn tăng tốc cũng không được

Đang sở hữu đàn vịt trời có lúc đông đến 40.000 con, chưa kể gà, lợn, cá nhưng chủ trang trại trẻ Nguyễn Đăng Cường (xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi giờ mỗi năm thu tới cả tỷ đồng, rất muốn tăng tốc đầu tư mở rộng trang trại, nhưng ngặt nỗi không có vốn để đầu tư”.

Ngoài trang trại rộng gần 7ha hiện có, anh Cường đã đấu thầu được khu đất bãi rộng 30ha để mở rộng trang trại, nên nhu cầu vốn để xây dựng trang trại rất lớn. “Tôi phải mang cả sổ đỏ từ vườn, đất của gia đình mới vay được gần 400 triệu đồng, trong khi các tài sản khác ở trang trại thì ngân hàng không tính. Hiện tôi chỉ muốn vay 2 tỷ đồng, nhưng dù có nói thế nào ngân hàng cũng không chấp thuận và tôi đành phải đi vay lãi ngoài, hoặc một số dự án muốn triển khai cũng phải tạm dừng”- anh Cường nói.

Anh Cường bày tỏ quan điểm, tại sao trong lĩnh vực công nghiệp, nhà đầu tư khi thuê lại mặt bằng để xây dựng nhà máy thì được sử dụng diện tích thuê đó làm tài sản thế chấp để vay vốn, còn trong nông nghiệp thì không?

Cùng quan điểm như anh Cường, anh Cấn Văn Mai cho rằng: “Trong các lĩnh vực khác, để ràng buộc, người vay thường được ngân hàng cho thế chấp bằng tài sản, chẳng hạn như người vay tiền mua nhà, họ được thế chấp bằng chính ngôi nhà của mình mua, thì tại sao trong lĩnh vực nông nghiệp lại không được thế chấp bằng chính chuồng trại, đàn lợn, gà của mình?”.

Ông Nguyễn Văn Hạnh - chủ trang trại tổng hợp 5ha ở xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang), nuôi cá và 300 lợn thịt, cũng tỏ ra rất bi quan. Trang trại của ông đã được cấp GCNTT, song khi đi vay vốn, ngân hàng chỉ cho vay vỏn vẹn 120 triệu đồng. “Họ định giá trang trại của tôi theo khung giá đất nông nghiệp của UBND tỉnh quy định. Với số tiền này, chưa đủ một tháng tiền thức ăn cho lợn, nên vừa qua tôi buộc phải vay “nóng” 500 triệu đồng, với lãi suất 20% để có tiền mua thức ăn cho đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng”- ông Hạnh nói. 

 Ông Phạm Hồng Sơn – Trưởng ban Khách hàng hộ sản xuất và cá thể (Agribank Việt Nam) khẳng định, Nghị định 55 là một đòn bẩy rất lớn đối với người dân trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, khi khách hàng đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, thì việc vay vốn rất đơn giản. Ví dụ như, khách hàng đáp ứng các điều kiện như: Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn; có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và hiệu quả…   

Vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi: Mức lãi suất là 1,2%/năm

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 27/2015 (hiệu lực từ 22.12.2015) hướng dẫn thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015.

Theo đó, đối tượng áp dụng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng.

Hộ gia đình được ngân hàng cho vay không có tài sản bảo đảm để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định số 75/2015. Hộ gia đình được vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi với mức lãi suất là 1,2%/năm. Các ngân hàng xây dựng quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với hộ gia đình vay vốn đảm bảo đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện.

Lê Sơn

Ngày 20.12 sẽ có kết quả thẩm định trang trại ông Thiểm

Trao đổi với NTNN về trường hợp của chủ trang trại Đinh Văn Thiểm ở xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), ông Phan Huy Cận- Giám đốc Agribank Nam Định cho biết, ngay sau khi nhận được thư của ông Thiểm, ngân hàng đã cử cán bộ xuống làm việc, thẩm định trong 2 ngày liên tục và dự kiến đến thứ 2 sẽ có kết quả chính thức để trả lời cho ông Thiểm và công luận.

“Quan điểm của chúng tôi là chủ trang trại cũng là một đối tượng khách hàng, nên chúng tôi cũng rất muốn cho vay, chỉ có điều làm gì cũng phải tuân thủ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Sau khi thẩm định, nếu ông Thiểm đủ điều kiện, Agribank Nam Định sẽ cho vay ngay lập tức, còn nếu không đủ điều kiện thì chúng tôi cũng sẽ trả lời cụ thể để ông Thiểm rõ và thực hiện các hướng dẫn về vay vốn theo đúng quy định của ngân hàng”- ông Cận khẳng định.

Ngọc Lê

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem