Hai lần biến pháp của Thương Ưởng khiến nước Tần trở nên hùng mạnh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Cách trị quốc của Tần Thủy Hoàng rất giống với một nhà chính trị khác, sống ở nước Tần trước đó một thế kỷ. Người đã dùng hình pháp làm cho nước Tần trở nên hùng mạnh, đặt nền móng cho Tần Thủy Hoàng chinh phục 6 nước sau này.
Thương Ưởng (390 TCN – 338 TCN), là nhà chính trị gia nổi tiếng, tướng quốc nước Tần thời Chiến quốc. Với tư duy pháp trị triệt để, ông đã biến nước Tần từ một quốc gia lạc hậu, trở thành một cường quốc vượt xa các nước chư hầu. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, tư tưởng pháp trị của Thương Ưởng thể hiện rõ nét nhất trong hai lần biến pháp (thay đổi pháp luật) của nước Tần như sau:
Năm 356 TCN, Thương Ưởng sai chia dân thành từng nhóm, năm hộ, mười hộ. Phải kiểm soát nhau và bị ràng buộc vào nhau. Ra lệnh ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng; ai tố cáo kẻ gian thì cũng được thưởng ngang với người chém đầu quân địch; người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch.
Luật pháp quá hà khắc khiến Thương Ưởng dân chúng căm ghét và bị trị tội (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Gia đình có hai người con trai trở lên mà không chia của ở riêng thì bắt đánh thuế gấp đôi. Ai có quân công thì cứ theo thứ bậc mà được thưởng, ai đánh nhau vì việc riêng thì đều bị hình phạt lớn hay nhỏ, tùy theo nặng hay nhẹ mà trị.
Ai ra sức vào nghề nghiệp gốc, cày cấy, dệt vải, cung cấp nhiều lúa thì được tha khỏi sưu dịch; trái lại ai theo cái lợi trên ngọn (thương nhân) cùng những người lười mà nghèo thì đều bắt cùng với vợ con làm nô.
Người tôn thất mà không có quân công, thì không được ghi vào sổ sách họ nhà vua, không được định cấp bật tước trật cao thấp rõ ràng. Ghi tên các ruộng vườn, thần thiếp, áo quần theo số hiệu từng nhà. Ai có công thì hiển vinh, ai không có công thì tuy giàu có cũng không được tôn vinh.
Năm 350 TCN, Thương Ưởng ra lệnh cấm cha, con, anh em cùng ở chung một nhà (bỏ hẳn chế độ tam đại, tứ đại đồng đường); chia dân cư và hợp các làng, xóm nhỏ lại thành huyện, đặt chức quan lệnh và thừa. Được tất cả 31 huyện. Bỏ bờ ruộng và đường mạch ruộng. Nhờ đó mà tăng được đánh thuế. Thống nhất hộc, thùng, cân, thước, tấc trong cả nước.
Biến pháp được thi hành được 10 năm, dân chúng có người khen tốt, có người lại chê bai. Thương Ưởng nói:
- Đó đều là do bọn dân làm cho việc giáo hóa bị rối loạn.
Tất cả những người dân khen, chê hoặc bàn tán đến pháp luật đều bị Thương Ưởng đày ra biên giới. Vì vậy, không ai dám bàn luận về biến pháp của ông nữa.
Tư tưởng pháp trị của Tần Thủy Hoàng có ảnh hưởng từ biến pháp của Thương Ưởng (tranh minh họa)
Nhờ có biến pháp của Thương Ưởng, nước Tần nhanh chóng trở nên cường thịnh. Thương Ưởng cũng là người định ra kinh đô Hàm Dương của nước Tần, đem quân thu phục được đất Tây Hà – một vị trí chiến lược của nước Ngụy, mở ra con đường thông thoáng cho nước Tần chinh phạt các nước chư hầu sau này.
Đáng tiếc, pháp luật của Thương Ưởng quá hà khắc, không được lòng dân và giới quý tộc. Sau khi vua Tần Hiếu Công qua đời, ông bị mất chỗ dựa. Tần Huệ Văn Vương vừa lên ngôi đã trị tội ông. Thương Ưởng bị xe ngựa xé xác và giết cả nhà.
Tư tưởng cốt lõi trong biến pháp Thương Ưởng chính là "chuyên chế quân chủ" và "trung ương tập quyền". Tư duy này của ông đã được Tần Thủy vận dụng và phát triển sau khi thống nhất Trung Quốc.
Theo Tần Thủy Hoàng bản kỷ, có lần thừa tướng Vương Quán khuyên Tần Thủy Hoàng nên lập con cháu các nước chư hầu lên làm vua, Tần Thủy Hoàng nói:
- Thiên hạ đều khổ vì việc chinh chiến liên miên, đó là do có hầu có vương mà ra. Nay nhờ tôn miếu, thiên hạ vừa mới được bình định mà lại lập các nước lên, thì cũng như tự gây ra binh đao, mà muốn được thái bình nghỉ ngơi chẳng phải là khó lắm sao?
Nhà Tần sớm sụp đổ do những cuộc nổi dậy của dân chúng (tranh minh họa)
Tần Thủy Hoàng chia thiên hạ làm 36 quận, trong quận có huyện, đặt các quan thú, úy. Thống nhất pháp luật, các cân, phép đo lường, các thạch, trượng, thước, trục xe đều dài như nhau, chữ viết dùng lối như nhau.
Pháp luật ban ra, có người bàn tán, thừa tướng lúc này là Lý Tư tâu rằng:
- Những kẻ học Nho theo cái học riêng của mình lại cùng nhau chê cười pháp luật, rồi đem dạy lại cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống thì lấy cái học riêng của mình ra bàn tán. Khi vào triều trong bụng lại chê bai. Ra đường thì bàn bạc chê vua để lấy danh tiếng, tỏ ra mình là cao, bày cho kẻ ở dưới phỉ báng.
Lý Tư xin đốt tất cả cách sách sử, trừ những sách sử nhà Tần. Ngoài những sách về y học, bói toán, nông nghiệp thì Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà đều phải nộp lại để đốt hết. Nếu hai người trở lên tụ tập bàn nhau về Kinh Thư, Kinh Thi thì đem chém ngay giữa chợ, ai chê bai pháp luật thì giết cả họ. Trong 30 ngày lệnh ban ra mà không đốt sách, thì thích vào mặt rồi cho đi xây trường thành.
Tần Thủy Hoàng vốn dĩ ghét tư tưởng của Nho giáo, coi trọng hình pháp. Ông ban ra một đạo chế (chế bấy giờ quan trọng hơn chiếu), ngay lập tức cho thực hiện chính sách của Lý Tư trong phạm vi toàn quốc. Sau này lại xảy ra thêm sự việc chôn sống các nhà Nho.
Có thể thấy, tư tưởng pháp trị của Tần Thủy Hoàng đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến pháp của Thương Ưởng. Về mặt nội dung: Đó là tập trung quyền lực vào nhà vua, hạn chế lợi ích của quý tộc. Chú trọng phát triển nông nghiệp và quân sự, kìm kẹp dân trí và Nho giáo. Thống nhất về mọi mặt các lĩnh vực của đời sống.
Về cách thức thực hiện pháp luật thì độc đoán, không có khoan hồng và đặc biệt nghiêm khắc trừng trị những kẻ bàn luận về pháp luật của mình.
Muốn thống nhất thiên hạ và dẹp yên mầm mống ly khai, phản loạn. Tần Thủy Hoàng đã sử dụng pháp luật rất khắc nghiệt, không có chỗ cho nhân nghĩa, khoan dung. Cách làm này rất nhanh đem lại kết quả, nhưng Tần Thủy Hoàng lại không rút ra được bài học từ cái chết của Thương Ưởng. Vì để mất lòng dân, nên đế chế ông vất vả gây dựng cũng rất nhanh chóng sụp đổ.
Trở thành Thừa tướng nước Tần, Lã Bất Vi vẫn hành xử giống như một thương nhân, phạm nhiều sai lầm khiến Tần Thủy...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.