Từ vụ cây sao đen trăm tuổi bị chết khô: Tự ý chặt hạ, làm chết cây sẽ bị xử lý sao?

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 28/03/2024 14:58 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc huỷ hoại cây xanh đô thị dưới bất kỳ hình thức nào mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật…
Bình luận 0

Cây sao đen chết khô trên phố

Trước đó, Dân Việt đưa tin, cây cổ thụ trăm tuổi chết khô, bị chặt hạ khiến nhiều người dân tiếc nuối. Một số ý kiến băn khoăn về nguyên nhân cây chết bởi vị trí nằm thẳng cửa công trình xây dựng nhà 7 tầng vừa xây dựng.

Trả lời Báo điện tử Dân Việt, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho hay, những ngày qua nhân viên công ty xử lý chặt hạ đánh gốc cây xanh trên vỉa hè trước cửa số nhà 65 Lò Đúc.

Qua kiểm tra thực tế hiện trường, đơn vị xác định vỉa hè tại số nhà 65 Lò Đúc có 1 cây sao đen - mã số cây (MSC 87) đường kính 80 cm, cao 18m cây bị chết khô, mục rỗng gốc nguy hiểm.

Từ vụ cây sao đen trăm tuổi bị chết khô: Tự ý chặt hạ, làm chết cây sẽ bị xử lý sao?- Ảnh 1.

Cây sao đen nằm thẳng cửa ngôi nhà 7 tầng số 65 Lò Đúc. Ảnh: Nguyễn Bình.

"Cây sao đen chết khô có đường kính và chiều cao lớn, mục rỗng gốc tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh. Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, phương tiện tham gia giao thông cũng như cảnh quan đô thị, các bên thống nhất đề nghị hoàn thiện thủ tục chặt hạ, đánh gốc, trồng cây theo quy định", lãnh đạo Công ty cây xanh nói. 

Về nghi vấn cây sao đen này bị chặt hạ là do nằm trước cửa một ngôi nhà cao tầng mới xây, lãnh đạo công ty cây xanh cho hay, đơn vị đã có văn bản gửi phường, quận để điều tra. "Tuy nhiên đến nay chưa xác định nguyên nhân cây chết", Công ty Công viên Cây xanh thông tin.

Hủy hoại cây có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị. 

Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.

Hành vi huỷ hoại cây xanh đô thị dưới bất kỳ hình thức nào mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Từ vụ cây sao đen trăm tuổi bị chết khô: Tự ý chặt hạ, làm chết cây sẽ bị xử lý sao?- Ảnh 3.

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Trường hợp tổ chức có hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép sẽ bị xử phạt là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Nếu là cá nhân, mức xử phạt là 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Trường hợp sử dụng chất độc hại, vật liệu xây dựng đổ vào gốc cây xanh, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây sẽ bị áp dụng hình phạt hành chính là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54, điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, trường hợp cây xanh đô thị là do đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ nuôi trồng, quản lý thì đây cũng được coi là một loại tài sản của đơn vị, tổ chức đó.

Việc huỷ hoại cây xanh đô thị cũng có thể bị xử lý theo chế tài hình sự về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hư hỏng, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem