Từ vụ ông Phan Công Khanh: Khi nào bị tạm giữ hình sự để điều tra?
Từ vụ ông Phan Công Khanh, khi nào bị tạm giữ hình sự để điều tra?
Quang Trung
Thứ hai, ngày 10/07/2023 06:49 AM (GMT+7)
Công an TP.HCM đang tạm giữ hình sự ông Phan Công Khanh, còn gọi là "trùm siêu xe" hay "Khanh Super", để làm rõ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vậy khi nào một người bị tạm giữ hình sự?
Tối 9/7, nguồn tin của PV Dân Việt xác nhận, ông Phan Công Khanhbị Công an TP.HCM tạm giữ hình sự để điều tra theo nguồn tin tố giác tội phạm về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ông Phan Công Khanh quê Bến Tre, được xem là tay chơi siêu xe có tiếng, và là người đại diện pháp luật của Công ty K-Supper ở TP.HCM, chuyên kinh doanh ôtô hạng sang.
Hành vi cụ thể của ông Phan Công Khanh chưa được công bố, song động thái này được đưa ra trong quá trình điều tra theo đơn tố giác tội phạm liên quan đến "trùm buôn siêu xe".
Một người bị tạm giữ hình sự khi nào?
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, một người sẽ bị tạm giữ hình sự trong trường hợp nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tạm giữ hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Khoản 1, Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về cách hiểu người bị tạm giữ như sau: Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Như vậy, đối tượng áp dụng biện pháp tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Trong trường hợp người bị bắt khi phạm tội quả tang nhưng sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị bắt có nơi cư trú rõ ràng và không có hành động biểu hiện sẽ cản trở việc điều tra sẽ không cần phải tạm giữ.
Còn người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp đều phải tạm giữ, vì khi bắt khẩn cấp cơ quan điều tra đã xác định cần phải ngăn chặn việc người đó bỏ trốn hoặc cản trở điều tra.
Mục đích của biện pháp ngăn chặn tạm giữ là nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc hành vi cản trở việc điều tra của người bị nghi là thực hiện hành vi phạm tội, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền đủ thời gian để xác định tính chất, mức độ của hành vi, nhân thân của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Từ đó có thể quyết định việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc các quyết định pháp lý cần thiết.
Về thời hạn tạm giữ hình sự, bà Thơ cho biết, thời hạn không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Đây là trường hợp không cần gia hạn tạm giữ hoặc đã gia hạn tạm giữ lần thứ nhất hoặc lần thứ hai nhưng vẫn không đủ căn cứ để xác định người bị tạm giữ đã thực hiện tội phạm, phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Trường hợp đã gia hạn tạm giữ, viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Theo vị luật gia, trong thời gian bị tạm giữ, người bị tạm giữ có quyền được biết lý do mình bị tạm giữ, nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định.
Bên cạnh đó, được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Được tự bào chữa, nhờ người bào chữa, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu.
Ngoài ra, được trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.