Từ vụ Quế Ngọc Hải: VFF làm việc quan liêu, cảm tính?

Thứ tư, ngày 04/11/2015 16:00 PM (GMT+7)
Quy chế chuyên nghiệp mỗi năm sửa một lần thế mà vẫn tồn tại một điều khoản “đứng trên cả Luật dân sự” mà chẳng thấy những luật sư tại VFF đả động gì, đến lúc ra quyết định cũng chẳng thấy mình vô lý. Người giữ luật mà còn như vậy…
Bình luận 0

Quyết định kỷ luật của VFF dành cho Quế Ngọc Hải nếu không phải là lỗi của sự quan liêu, thì chắc chắn đó là kết quả của một cách điều hành dựa trên cảm tính. Nó không khác gì việc sau một trận thua nặng nề của đội tuyển tại AFF Cup 2014 thì chưa cần phân tích chuyên môn, lãnh đạo VFF đã nói ngay là “có tiêu cực”. Người ta thấy Quế Ngọc Hải gây thiệt hại nghiêm trọng cho Anh Khoa thì nghĩ ngay đến chuyện “bồi thường” mà quên mất phần lý của vụ việc: Bồi thường cái gì? Bao nhiêu? Và bao lâu?

img

Chuyện Công Phượng sẽ sang Nhật thi đấu tại J-League 2 có thể sẽ là nước cờ quá tay của bầu Đức. Ảnh: T.L.

Chúng ta thấy nhiều thứ có lợi, cho rất nhiều thành phần liên quan, nhưng những cái lợi đó thực tế, cũng chỉ là cảm tính và phụ thuộc hoàn toàn vào một thứ duy nhất: thành công của 2 cầu thủ trẻ nói trên. Điều đáng nói là cái bất lợi sờ sờ trước mắt, rất dễ nhận biết và đủ cơ sở để nhìn ra điều đó. Thế nhưng, không ai thèm quan tâm.

Rõ nhất là chuyện hình thể. Đừng lôi “những chú lùn” như Maradona, Messi, Romario... vào đây. Tầm Công Phượng, đá ở V.League còn tranh chấp không xong, sang J.League làm gì? Có khéo léo, kỹ thuật đến mấy cũng phải có sức tì, đè chứ chẳng ai để cho một mình một bóng mà “múa”. Còn Tuấn Anh là mẫu cầu thủ rất dễ bị chấn thương do “mỏng cơm”, khả năng tranh chấp thậm chí còn kém hơn cả Công Phượng, lại đá ở khu giữa sân chuyên dùng sức mạnh.

Kế đến, là trình độ. Những cầu thủ U19 Nhật Bản từng “dạy” U19 Việt Nam một bài học với tỷ số 7-0 hồi đầu năm trước chưa chắc có suất đá tại J.League 2 dù đa số họ có thể hình tuyệt đẹp.

Quế Ngọc Hải là thành viên của VFF, Công Phượng – Tuấn Anh là “những đứa trẻ” của bầu Đức, về lý thuyết đều phải tuân theo quyết định của các ông chủ. Nói cho cùng, các cầu thủ cũng không thể nắm chắc toàn bộ số phận của mình.

img

Án phạt dành cho Quế Ngọc Hải gây nhiều tranh cãi.

Nhưng ở góc độ cao hơn, chúng ta thấy tương lai của nền bóng đá sẽ ra sao khi những người có thẩm quyền cao nhất, có kinh nghiệm nhất, có quyền lực nhất lại chủ yếu ra quyết định bằng cảm tính. Tất nhiên, những quyết định ấy không sai hoàn toàn nhưng nó không đủ cơ sở để chúng ta tin vào thành công. Nguy hiểm hơn, cấp lãnh đạo sử dụng cảm tính để quyết định, dễ dẫn đến những hệ lụy không lường được.

Ví dụ như nếu Công Phượng sang Nhật là “học hỏi” hoặc một sự trao đổi nào đó về mặt thương mại thì không sao, đằng này mọi chuyện lại đang diễn ra theo chiều hướng “cầu thủ Việt được J.League thèm khát”. Điều đó tạo nên ảo tưởng và nếu không thành công, nó trở thành thảm họa về lòng tin với các cầu thủ còn lại. Ai chịu trách nhiệm về điều đó?

Chuyện của Quế Ngọc Hải cũng vậy. Quy chế chuyên nghiệp mỗi năm sửa một lần thế mà vẫn tồn tại một điều khoản “đứng trên cả Luật dân sự” mà chẳng thấy những luật sư tại VFF đả động gì, đến lúc ra quyết định cũng chẳng thấy mình vô lý. Người giữ luật mà còn như vậy…

Hồ Việt (Sài Gòn Giải Phóng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem