Tục chui kiệu rước Đức Thánh Trần trong Lễ hội Bạch Đằng
Ngàn người xếp hàng chui kiệu cầu may trong ngày “giỗ trận” Bạch Đằng
Thanh Tuyền
Thứ hai, ngày 15/04/2024 17:48 PM (GMT+7)
Theo quan niệm dân gian, người nào chui qua được kiệu rước Đức Thánh Trần sẽ may mắn cả năm, còn em bé nào chui qua kiệu sẽ mau ăn chóng lớn. Vì thế mỗi dịp Lễ hội Bạch Đằng, người dân và du khách lại xếp hàng chờ chui kiệu rước Đức Thánh Trần.
Năm 2024, Lễ hội Bạch Đằng diễn ra từ ngày 14-17/4 (tức mùng 6-9/3 âm lịch), tại đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (phường Yên Giang, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Lễ hội truyền thống Bạch Đằng còn được gọi là ngày "Giỗ trận" Bạch Đằng, là một hoạt động văn hóa đặc trưng của Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu làm nên 3 lần chiến thắng vang dội của nhân dân ta trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói chung, TX.Quảng Yên nói riêng.
Xuyên suốt Lễ hội Bạch Đằng với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Khai hội, tế yết ở đình Yên Giang, rước tượng Đức thánh Trần, dâng hương, nghi lễ chui kiệu thánh, tế lễ giã hội…
Đặc sắc nhất phải kể đến nghi thức rước Đức Thánh Trần vi hành từ Khu di tích Bạch Đằng về đình Yên Giang (phường Yên Giang) và rước ngược lại.
Theo tục lệ, từ sáng sớm các trai tráng được lựa chọn kỹ càng từ trước là người có sức khỏe, gia đình văn hóa... để mặc lễ phục, đầu đội khăn đỏ làm lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng bảo kiếm vi hành quanh thị xã Quảng Yên. Kiệu được trang trí sơn son, thếp vàng, có ô lọng che và do 4 người khiêng. Đi trước và sau kiệu là các đội lễ, thanh âm, cờ... tái hiện lại Đức Thánh Trần vi hành.
Mỗi khi kiệu đi qua, người dân gồm cả người lớn và trẻ nhỏ ngồi xếp hàng chờ kiệu đi qua để cầu mong may mắn, sức khỏe.
Theo quan niệm dân gian, những người chui ngang qua gầm kiệu, đặc biệt là trẻ nhỏ biếng ăn chậm lớn hay người già yếu bệnh tật, sẽ cầu Đức Thánh Trần ban cho sức khỏe, bình an.
Em Nguyễn Thị Kiều Trang (trường THPT Bạch Đằng, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) hào hứng cho hay, em cảm thấy không khí ở Lễ hội Bạch Đằng rất nhộn nhịp. Em thấy rất tự hào khi mình là người con của Quảng Yên.
Bà Ngô Thị Mai (phường Quảng Yên, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, năm nào bà cũng chuẩn bị một mâm lễ cúng Đức Thánh Trần, cầu mong cho gia đình một năm vạn điều như ý. Bà cảm thấy rất vinh dự và tự hào về văn hóa truyền thống của quê hương.
Bên cạnh phần lễ rước Đức Thánh Trần và lễ tế được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, trong 4 ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc chào mừng như: Kéo co, cờ người, tổ tôm điếm, bóng chuyền hơi, góp cọc Bạch Đằng, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm sinh vật cảnh, văn nghệ, thả đèn hoa đăng... nhằm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.
Theo ông Trần Đức Thắng - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, nhận thức được những giá trị và tầm quan trọng của di tích lịch sử Bạch Đằng, những năm qua, quần thể Khu di tích luôn được tỉnh Quảng Ninh và TX.Quảng Yên quan tâm đặc biệt, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị.
Năm 2023, TX.Quảng Yên đã lập hồ sơ đưa Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng vào Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hiện nay, thị xã đang khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch chi tiết và đề xuất đầu tư tiếp giai đoạn II dự án bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng; đồng thời sớm đưa quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.