Về lại nhà của Đại úy Hiếu, Bạch Hải Đường đã khôn khéo hỏi ý kiến “ân nhân” của mình về chuyện có nên nhận lời ông Lê Quang L.. Đại úy Hiếu đã chân thật khuyên Bạch Hải Đường đừng dính vào vụ này vì hậu quả sẽ không thể lường hết được. Nếu Bạch Hải Đường đột nhập vào nhà dân biểu Lê Phước S. và ám sát ông ta thành công thì có thể Bạch Hải Đường sẽ không bao giờ nhìn thấy 2 triệu tiền thưởng. Chắn chắn, hắn sẽ bị ông L. thủ tiêu để bịt đầu mối. Bạch Hải Đường nghe xong tái mặt rồi lặng lẽ rút êm không dám giáp mặt ông Lê Quang L. nữa.
Hẻm ba Lâu, nơi Bạch Hải Đường từng trú ngụ
Xăm lên người để chia sẻ chuyện đời
Như vậy cho thấy Bạch Hải Đường tuy là một tên trộm cắp, học vấn thấp, thiếu kiến thức xã hội nhưng rất khôn khéo. Hắn liều lĩnh nhưng biết tránh… chỗ chết. Ngược lại, với phụ nữ, Bạch Hải Đường không được khôn khéo như vậy. Hắn là kẻ cực kỳ mê gái, nhất là phụ nữ đẹp và dù biết chỗ chết cũng nhào vô. Nói tóm lại là Bạch Hải Đường dại gái và lụy tình. Tướng cướp có nhiều vợ và nhiều mối tình. Mỗi lần thất bại, tan vỡ trong tình yêu không thổ lộ được với ai (vì có ai đâu mà chia sẻ?), hắn “thay lời muốn nói” bằng cách “đóng” lên một chỗ nào đó trên thân thể một hình xăm. Mà cuộc đời của Bạch Hải Đường toàn là khúc quanh, ngã rẽ, in đậm đau buồn, căm hận, tủi nhục trên bước đường giang hồ và bị phụ nữ phản bội. Do đó trên thân thể của Bạch Hải Đường, một người đàn ông chỉ cao 1,65m, gầy ốm, dáng nhỏ con đã “quá tải” bởi những hình xăm chi chít từ cổ tới chân. Ai nhìn vào hắn cũng thấy giống một bức tranh…lập thể mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết ý nghĩa của nó.
Ở trên ngực của Bạch Hải Đường có xăm hình Phật Thích Ca. Hình này cho thấy hắn mộ đạo Phật . Cũng có lẽ vì nghe lời Phật dạy nên hắn chỉ trộm cắp, cướp giật lấy tài sản chứ không giết người. Phía trên hình xăm Phật Thích Ca là dòng chữ: “Phụ mẫu tri ân”. Ý của Bạch Hải Đường là làm con phải có hiếu với cha mẹ. Nhưng thực tế, với mẹ thì Bạch Hải Đường còn thương tưởng chứ với cha thì hắn chưa chắc để tâm tới chứ đừng nói là có hiếu.
Để tỏ ra là đứa con có hiếu với mẹ, Bạch Hải Đường đã đóng lên bắp chân của hắn dòng chữ: “Xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Bên cạnh đó, để thể hiện khát vọng một đàn anh có “số má” giang hồ, khiến đàn em nể trọng, hắn xăm sau lưng hình con đại bàng xòe cánh đạp trên quả địa cầu bay trên mặt biển xanh có dòng chữ: “Vượt trùng dương ra hải đảo”. Trong quá trình phạm pháp, có lúc phải chạy trốn, Bạch Hải Đường mới cảm thấy thấm thía ai là bạn bè chí cốt, ai là kẻ vong ân nên xăm câu: “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Có lẽ để nhấn mạnh cho ý nghĩa này mà trong giới giang hồ là rõ nhất nên hai bên hông của Bạch Hải Đường “chơi” đôi “câu đối” theo kiểu Tần Thúc Bảo trách La Thành trong việc giết Đơn Hùng Tín. Một bên là: “Tiền đồng tịch anh hùng công lạc”; một bên là: “ Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”.
Rồi để thể hiện tậm trạng cô đơn, muốn kết giao bằng hữu trên giang hồ, Bạch Hải Đường “đóng” vào người câu: “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương” bên cánh tay trái. Và trong những lúc nằm trong trại giam, nếm đủ mùi gian khổ, chiêm nghiệm đủ mùi thế thái nhân tình, Bạch Hải Đường đóng ngay một câu trên cánh tay phải như than thở, oán trách: “Tạo hóa ơi bao giờ con hết khổ”?. Và có lẽ lụy tình quá nhiều và bị phụ nữ phản bội cũng lắm nên oán hận đàn bà hắn dành một chỗ rất đặc biệt là ở bụng dưới “ịn” ngay một hình phụ nữ lõa thể bên cạnh có câu: “Thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình”.
Thẻ hồ sơ của Bạch Hải Đường
Những người đàn bà “đâm dao” vào tim tướng cướp
Người phụ nữ đầu tiên trong đời của Bạch Hải đường là Hồ Thị Lãnh. Bạch Hải Đường quen cô gái này năm 19 tuổi, khi ấy còn là chàng trai Nguyễn Ngọc Truyện. Lúc đó, Bạch Hải Đường vừa chán nghề lơ xe đò nên theo cô Lãnh về Thốt Nốt (Cần Thơ) sinh sống. Bạch Hải Đường chạy xe lôi còn Lãnh buôn bán. Tuy nhiên, cuộc sống bế tắc, họ phải quay về Long Xuyên. Họ có hai đứa con trai sinh đôi giống nhau như hai giọt nước.
Bạch Hải Đường tuy rất thương vợ con nhưng lại là một tay ham chơi, sớm sa vào cờ bạc. Bao nhiêu tiền kiếm được đều nướng vào sòng bạc khiến Hồ Thị Lãnh ngao ngán. Họ chỉ sống với nhau trong một thời gian ngắn rồi đường ai nấy đi. Sau đó Bạch Hải Đường quen và yêu say đắm cô Nguyễn Thị Lệ (quê Sa Đéc, Đồng Tháp). Lúc đó Lệ 21 tuổi bằng tuổi với Bạch Hải Đường, làm nghề buôn bán. Nguyễn Thị Lệ rất đẹp. Họ có với nhau một đứa con trai giống Bạch Hải Đường như tạc.
Đây cũng là mối tình đầy sóng gió đối với cuộc đời tên tướng cướp lừng danh mà sau kết cuộc yêu thương là thù hận. Bởi vì cô Lệ trong một cơn ghen mù quáng đã lén đánh cắp khẩu súng ru-lô của Bạch Hải Đường mang nộp cho Ty Cảnh sát Long Xuyên. Họ lấy nhau năm 1971 và chia tay giữa năm 1974. Vì hận Lệ, nên trên thân thể của Bạch Hải đường có thêm một hình xăm trái tim, có lưỡi dao đâm xuyên qua rỉ máu. Viền có dòng chữ: “Thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình”.
Sau đó Bạch Hải Đường tiếp tục ở tù cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. Ngày 1/5/1975, tướng cướp được chính quyền cách mạng thả ra. Lúc đó không còn vợ con, cũng chẳng có nhà cửa, hắn đi lang thang trong TX. Long Xuyên. Bỗng một hôm, hắn gặp lại người bạn trong tù tên Buôn. Gã này rủ Bạch Hải Đường về nhà mình ở chợ Đông A, Long Xuyên chơi mấy bữa. Sau đó Bạch Hải Đường thường lui tới đây và được Buôn làm mai cho đứa em gái tên Vũ Thị Huệ. Cô này mới 17 tuổi, rất đẹp và Bạch Hải Đường “say như điếu đổ”. Hắn ăn ở luôn với Huệ tại nhà cô ta chẳng cần cưới hỏi.
Vì có vợ trẻ đẹp nên Bạch Hải Đường phải lao vào kiếm tiền để cung phụng cho Huệ “bằng chị bằng em”. Muốn kiếm tiền, Bạch Hải Đường chỉ có một cách quay lại nghề xưa, tức là nhập nha trộm cắp tài sản. Cái nghề mà trước đó khi được chính quyền cách mạng thả ra, Bạch Hải Đường tự nguyện phải từ bỏ nó để hoàn lương, làm lại cuộc đời. Thế là Bạch Hải Đường tiếp tục phạm tội. Hắn lao vào trộm cắp, bất kể ở đâu. Ngày đó, nhiều cán bộ cách mạng về Long Xuyên công tác. Họ ăn ngủ tại khách sạn và bị Bạch Hải Đường giả dạng làm người thuê phòng ở bên cạnh, chờ cơ hội đội nhập lấy cắp đồ đạc, tiền. Chính vì thế, “ông khách” Bạch Hải Đường được cơ quan công an đưa vào diện nghi ngờ, tập trung theo dõi.
Một hôm, Bạch Hải Đường cũng giả dạng khách thuê phòng đến thuê khách sạn ở nhằm “tăm tia” mục tiêu để đột nhập thì bị công an thộp cổ. Tướng cướp bị đưa về giam tại công an tỉnh cùng với hai đối tượng khác. Nằm trong trại giam, hắn không thể nào chịu nổi vì thương nhớ cô vợ trẻ. Ngày đêm hắn suy nghĩ tìm cách để trốn trại. Nghĩ là làm, ngày 31/8/1975, Bạch Hải Đường làm đầu têu, tổ chức vượt trại cùng với hai đối tượng giam chung buồng. Chẳng hiểu nghĩ sao, trước khi trốn trại Bạch Hải Đường còn ngồi căm cụi viết một bức thư bằng bút bi mực xanh để lại trong buồng giam gửi cho cán bộ quản giáo. Bức thư nói rằng: “Xin cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Cũng vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn. Tôi hứa là về nhà sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa”. Dưới dòng chữ ngắn ngủi, nguệch ngoạc như gà bới đầy lỗi chính tả ký cái tên cũng cực kỳ rối rắm: Bạch Hải Đường. Cán bộ quán giáo lúc đó cũng chẳng biết Bạch Hải Đường là…thằng ma nào.
Tướng cướp bị cắm sừng
Trốn khỏi trại giam, Bạch Hải Đường đón xe đò về ngay Bạc Liêu thăm cô vợ trẻ đang cùng sống chung với gia đình ở đây. Nhìn thấy cảnh cha mẹ Huệ đã già yếu, cả gia đình không ai có công ăn việc làm, cuộc sống bấp bênh, Bạch Hải Đường cảm thấy chạnh lòng. Hắn quyết kiếm tiền lo cho cô vợ trẻ và gia đình vợ. Tướng cướp liền về Cần Thơ tìm bạn cũ là Hùng và Việt. Hai tên này chuyên nghề “đá xế nổ” (ăn cắp xe gắn máy) ở hẻm Tài Xỉu. Cả ba tên hợp lại thành một băng hoạt động phạm pháp. Kiếm được bao nhiêu tiền bằng nghề “nhập nha”, “đá xế”, Bạch Hải đường chủ yếu cung phụng cho cô vợ trẻ với hy vọng tình nghĩa sẽ mặn nồng, hạnh phúc sẽ lâu dài. Nhưng đến một hôm, đi “làm ăn xa” quay về Bạc Liêu, Bạch Hải Đường chết điếng người khi vỡ lẽ ra cô vợ trẻ đẹp mà suốt ba năm trời hắn không sợ nguy hiểm, tù đày nuôi ả đã theo người đàn ông khác. Lại thêm một lần hận tình, Bạch Hải Đường dù si mê Huệ một cách điên dại nhưng quyết cắt đứt mối tình éo le ngang trái này.
|
PV (Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.