Kalugin tuyên bố với đối thủ trong KGB: “Anh không muốn hòa bình, thì hãy chuẩn bị cho chiến tranh"
Loạt bài này viết về một viên tướng tình báo bị coi là phản bội ở Liên Xô, cung cấp cho độc giả không chỉ những tư liệu hiếm về hoạt động của một nhân vật tình báo nổi danh mà còn một số những khía cạnh về cách thức hoạt động, những thông tin ít được biết tới trong nội bộ của tổ chức tình báo lừng danh KGB, trên nền những sự kiện lớn trước và ngay sau khi Liên Xô tan rã.
|
Bất mãn và chính trị
Những năm sau 1985, Liên Xô đang bước vào ngưỡng cửa đổi mới, với công cuộc cải tổ do Gorbachov phát động. Kalugin tận dụng triệt để cơ hội này. Ông ta viết thư gửi cho Gorbachov yêu cầu phải cải tổ cả hệ thống KGB.
Theo viên tướng thất sủng này, KGB phải chấm dứt tình trạng chính trị hóa, phải xóa bỏ KGB như những trang lịch sử đen tối của một cơ quan như “quốc gia trong quốc gia” và phải loại bỏ KGB khỏi các cơ quan vũ lực.
Một điều hoàn toàn bất ngờ là đề nghị của Kalugin đã được Gorbachov và một số Ủy viên trung ương đảng ủng hộ tích cực. Điều đó làm cho Phó chủ tịch KGB Kryuchkov khi đó rất phẫn nộ. Còn Kalugin đầu năm 1988 được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục bảo vệ an toàn Bộ công nghiệp điện tử.
Đây được coi là một sự thăng chức với cá nhân Kalugin. Tương lai xán lạn của viên tướng thất sủng dường như lại được mở ra. Nhưng tháng 9/1988, Vladimir Kryuchkov được bổ nhiệm làm Chủ tịch KGB, Kalugin vỡ mộng, coi như hết đường thăng tiến trong KGB.
Tiên liệu trước khả năng bị sa thải khỏi KGB, đầu năm 1989, Kalugin cố đấm ăn xôi cuối cùng bằng việc xin gặp Chủ tịch mới của KGB Vladimir Kriuchkov và năn nỉ được ở lại KGB với tư cách là lãnh đạo của Phòng báo chí KGB.
Nhưng Kryuchkov kiên quyết phản đối. Kalugin như điên dại tuyên bố: “Anh không muốn hòa bình, thì hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Các anh hãy nhớ lấy lời tôi!”
Chẳng phải chờ lâu. Ngay trong năm đó, Kalugin đã bị loại khỏi biên chế của KGB và những lời đe dọa của Kalugin đối với KGB bắt đầu trở thành hiện thực.
Theo đại tá Victor Cherkashin, cựu chiến binh phản gián nước ngoài của Tổng cục I KGB Liên Xô, từ năm 1989 Kalugin đã có những bài phát biểu tố cáo KGB và trở mặt, thành một người hoàn toàn khác.
Ngày 14/7/1989 Kalugin phát biểu trên Đài tiếng nói Tự do Hoa Kỳ. Những phát ngôn của Kalugin trên sóng Đài tiếng nói Tự do Hoa Kỳ chẳng khác nào một điệp viên gây ảnh hưởng của Mỹ nhằm bôi nhọ hoạt động của KGB. Hành động của Kalugin như một quả bom làm nổ tung KGB. Hai tuần sau, ngày 29/7/1989, Tổng thống Liên Xô ra sắc lệnh tước quân hàm, mọi chức vụ và danh hiệu của Kalugin.
Từ bất mãn, thất sủng đến tuyệt vọng, Kalugin điên cuồng chống lại KGB, cho rằng chính hệ thống KGB đã làm hại và phá tan đất nước. Từ tâm thế như vậy, mọi phát ngôn của Kalugin ở các diễn đàn đều nhằm chống phá KGB.
Mùa hè năm 1990, ở Liên Xô bắt đầu chiến dịch vận động bầu cử vào Xô viết Tối cao (Quốc hội Liên Xô). Cựu thiếu tướng Kalugin nhanh chóng liên lạc với nhóm vận động bầu cử đại biểu nhân dân khu vực vùng Krasnodar. Những phát biểu của Kalugin trên các diễn đàn lập tức gây sự chú ý.
Ngày 17/7/1990, chiểu theo điều khoản “tiết lộ bí mật quốc gia”, Viện Công tố Liên Xô đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Kalugin. Tuy nhiên hành động này của Viện Công tố lại trở thành “lợi bất cập hại”, trong thời buổi hỗn mang chính trị, càng làm cho Kalugin có thêm tiếng tăm trong dân chúng, thêm nhiều người ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử.
Trở thành nghị sỹ, Kalugin được hưởng quy chế bất khả xâm phạm. Đây chính là cái ô che chở cho Kalugin trong những biến cố chính trị, nhất là sau khi xảy ra cuộc chính biến ngày 19/8/1991 ở Liên Xô, không ai và không cơ quan điều tra nào có thể đụng đến Kalugin. Quy chế đại biểu đã mở ra cánh cửa mới cho Kalugin. Cuối năm 1990 Kalugin đi một chuyến sang Mỹ.
Xung quanh chuyện này cũng còn nhiều bí mật nghề nghiệp chưa được làm sáng tỏ. Nhưng có một điều chắc chắn là FBI và CIA của Mỹ không thể bỏ qua cơ hội vàng này để tiếp xúc với một cựu sỹ quan tình báo cao cấp của KGB có trên 30 năm thâm niên. Kalugin trở về nước mang theo hợp đồng với nhà xuất bản ở Mỹ giá trị hàng triệu đôla cho cuốn hồi ký của Kalugin.
Ngay sau khi cuộc chính biến tháng 8/1991 thất bại, Vadim Bakatin, một nhân vật “như từ hư không” được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch KGB. Đó là một con người không hề có một chút kiến thức nghiệp vụ an ninh, tình báo nào. Nhưng khi ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch KGB, Bakatin tuyên bố ngay rằng cơ cấu của KGB không hợp thời, cần phải phá bỏ nó, phải giải tán ngay “con ngáo ộp”.
Vadim Bakatin, người được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch KGB năm 1991
Phản ứng lại tuyên bố này là làn sóng ồ ạt hàng chục ngàn sỹ quan KGB xin giải ngũ. KGB chảy máu chất xám chưa từng có. Bakatin không tìm được đồng minh của mình trong đội ngũ cán bộ KGB đương thời, ông ta chới với tìm Kalugin.
Thật trớ trêu là sau cuộc chính biến, vụ án khởi tố hình sự đối với Kalugin bị đình chỉ. Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Yeltsin, Kalugin được trả lại quân hàm thiếu tướng và các phần thưởng khác. Tháng 9/1991, Kalugin được mời làm cố vấn an ninh cho tân Chủ tịch KGB Bakatin. Lẽ dĩ nhiên, Bakatin ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch KGB từ con số không, không hiểu gì về tình báo, phản gián, cơ cấu tổ chức an ninh, tình báo, thì Kalugin bỗng dưng trở thành “cứu tinh”.
Đây là thời điểm tỏa sáng của Kalugin. Kalugin đăng đàn trả lời phỏng vấn, và luôn tranh thủ tố cáo địch thủ của mình là cựu Chủ tịch Kriuchkov. Theo nhà sử học chuyên về các cơ quan đặc biệt Oleg Khlobustov, nhiệm vụ của các cơ quan đặc biệt nước ngoài vào những năm 90-91 là phá tan Đảng Cộng sản Liên Xô, quân đội Liên Xô và KGB.
Theo các tài liệu của Nga, lúc này Kalugin đã nhận thức rõ mục tiêu của mình, theo đó, không hành động như một nhà chuyên nghiệp, mà là đưa đường chỉ lối cho những hành động phá hoại lợi ích quốc gia nhà nước Liên Xô.
Lộ rõ bản chất
Sau khi Xô viết Tối cao Liên Xô bị giải tán, dự định tái cử của Kalugin bất thành. Kalugin lại toan tính những kế hoạch khác. Ông ta quyết định sang Mỹ.
Tháng Giêng năm 1992, Kalugin thú nhận: “Tôi sang Mỹ theo lời mời của Hãng truyền thanh và truyền hình CNN để quảng bá cho cuốn sách về những sự kiện Tháng 8. Tôi được đưa đi khắp nước Mỹ. Còn nói về chuyện thu nhập thì trong chuyến đi, một “công ty lớn” đã đề nghị tôi hợp tác sản xuất các phim phóng sự và chương trình truyền hình. Tôi đã đồng ý về mặt nguyên tắc”. “Công ty lớn” mà Kalugin nêu ở đây được cho chính là CIA.
Tên tuổi của Kalugin nổi lên như cồn, xuất hiện trên trang đầu của nhiều tờ báo. Vào đầu năm 1992, Kalugin tiết lộ cho báo chí Mỹ rằng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam các sỹ quan KGB đã tiến hành thẩm vấn các phi công Mỹ bị bắt là tù binh. Thậm chí, Thượng viện Mỹ đã tiến hành hẳn một cuộc điều trần đặc biệt về việc này. Nhưng sau đó, Kalugin lại biện hộ rằng thực ra chỉ có người Việt Nam hỏi cung các tù binh Mỹ.
Sau cuộc chính biến tháng 10/1993, Kalugin lại ra nước ngoài. Lần này ông ta đi Anh. Vừa ra khỏi máy bay tại sân bay ở London, Kalugin bị cảnh sát giữ lại vì tình nghi ông ta giết hại nhà báo Ivan Markov của Bungari năm 1978. Vụ bê bối này đã làm rùm beng quan hệ Anh và Bungari những năm 1970.
Sở dĩ Kalugin bị bắt là vì có lúc cao hứng, ông ta buột miệng nói rằng đã từng hỗ trợ an ninh Bungari sát hại nhà báo Ivan Markov. Nhưng ngay ngày hôm sau, Kalugin được trả tự do. Ai đóng vai trò quyết định trong việc này? Phải chăng Đại sứ quán Nga ở London đã bảo vệ công dân của mình? Không phải! Có lẽ chính những cú điện thoại từ Washington tới London đã giải vây cho Kalugin.
Kalugin từng buột miệng nói đã hỗ trợ an ninh Bungari sát hại nhà báo Ivan Markov (phải)
Đầu năm 1994 Kalugin xuất bản cuốn sách “The First Directorate” (Giám đốc đầu tiên) tại Mỹ, còn ở Nga, sách có tựa đề “Vĩnh biệt Lubyanka!”. Cuốn sách kể về quãng thời gian Kalugin làm việc tại Tổng cục I KGB. Trung tướng Alexandr Zdanovich, tiến sỹ sử học nhận xét rằng vào thời điểm này Kalugin đã không còn có tác dụng đối với người Mỹ nữa. Cho nên, việc làm này của Kalugin chỉ đơn thuần là kiếm tiền, lấy kế sinh nhai.
Kalugin đã tiết lộ hoàn toàn phương pháp hoạt động tình báo của KGB tại các tổ tình báo trong các cơ quan đại diện. Nhưng nguy hiểm hơn cả, ông ta còn mô tả hoạt động của các cơ sở người Mỹ làm việc cho tình báo Liên Xô. Theo đó, người Mỹ có thể dễ dàng lần ra dấu vết những điệp viên người Mỹ hoạt động cho Liên Xô.
Theo đại tá Sergei Gorlenko, cựu chiến binh Cơ quan an ninh Nga, thì khi còn ở trên lãnh thổ Liên Xô, sau này là Nga, Kalugin không dám tiết lộ chi tiết những cơ sở làm việc cho tình báo Liên Xô, vì rất có thể phải trả giá rất đắt. Nhưng khi đã ở trên đất Mỹ, thì ông ta lại tin rằng mình được an toàn vì đã có người Mỹ che chở.
“Một người Mỹ làm việc trong Cơ quan an ninh nội địa Mỹ hoạt động hỗ trợ KGB từ năm 1965 đã cung cấp những tin bí mật cho KGB” - đó là trích đoạn trong cuốn sách của Kalugin. Dựa trên trích đoạn này, ngày 23/2/1996, FBI đã ra lệnh bắt giam Robert Lippu và cuối cùng Lippu đã nhận tội.
Kalugin hiểu rõ rằng các cơ quan tư pháp Nga quan tâm hành động của mình, nên ông ta quyết định ở lại Mỹ. Tháng 6/2000 tại Mỹ diễn ra phiên tòa rùm beng xử George Trofimoff, một sỹ quan quân đội Mỹ về hưu bị kết án cộng tác nhiều năm với tình báo Liên Xô. Một trong những nhân chứng được tòa triệu tập chính là Oleg Kalugin.
Qua những lời khai của Kalugin, George Trofimoff bị kết án tù chung thân. Lời khai của Kalugin là đòn nặng nề giáng vào KGB và họ không ngờ có ngày Kalugin lại trở mặt như vậy.
Ngày 22/6/2002, Tòa án thành phố Moscow xử vắng mặt Oleg Kalugin và ra phán quyết hủy bỏ cấp hàm và thu hồi mọi phần thưởng của ông ta. Tòa tuyên án ông ta đã phạm tội phản bội tổ quốc và chịu án phạt 15 năm tù giam. Nhưng tất nhiên, Kalugin không có lý do gì để trở về Nga thụ án.
Nhìn lại cuộc đời của Kalugin, các nhà phân tích Nga cho rằng ông ta là con người quá tham vọng, đã thay lòng đổi dạ trong thời buổi hỗn mang ở Liên Xô và Nga. Điều đặc biệt trong trường hợp Kalugin là: không ai tuyển ông ta, cũng không ai đe dọa ông ta, không ai trả tiền cho ông ta. Nhưng ông ta lại thể hiện một dạng phản bội hoàn toàn khác biệt: trâng tráo, công khai, nhưng lại không bị trừng trị.
Sự phản bội ấy có lẽ xuất phát không phải từ nỗi đau vì đất nước, mà là từ sự bất mãn, tính tự ái và sự trả thù do ích kỷ, vị lợi cá nhân. Ở bên Mỹ, người ta vẫn gọi Kalugin là thiếu tướng, còn ở Nga họ gọi ông là “thiếu tướng phản bội”.
_________
Hết
Nắm giữ một mạng lưới dày đặc các cơ sở trên 50 quốc gia, Kalugin nuôi tham vọng trở thành lãnh đạo của Tổng cục...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.