Nói không quá, đội tuyển đã chơi tồi hơn cuộc đối đầu với Myanmar cách đây 3 ngày. Và nếu như trận thua 0-2 của đội tuyển trước Philippines tại AFF Cup 2010 gắn với những sai lầm khó hiểu nơi hàng thủ, thì thất bại tại AFF Cup 2012 hôm nay, là sự thất bại của cả một tập thể. Một tập thể mà nói như lãnh đạo VFF và HLV Phan Thanh Hùng thì đó là “một gia đình”, nơi những thành viên luôn sẻ chia với nhau từ những điều nhỏ nhất!
|
Quốc Anh (phải) đã đổ gục xuống sân sau trận thua của đội tuyển trước Philippines. Ảnh: Đàm Duy |
Thực tế, ai cũng biết Philippines là tập hợp của những cá nhân, những cầu thủ nhập tịch khá xa lạ với nhau. Vậy mà khi chứng kiến những gì diễn ra trên sân Rajamangala tối 27.11, nhiều người sẽ nghĩ, chính tuyển Việt Nam mới là tập hợp của những cá nhân rời rạc.
Chỉ tính riêng trong hiệp 1, có tới hơn chục đường chuyền sai nguy hiểm từ cả 3 tuyến. Và nếu như cặp tiền đạo Younghusband-Mulders của đối phương đủ sắc, thì chắc tuyển Việt Nam đã phải nhận bàn thua sớm chứ không chờ tới cuối trận.
Điểm lạ lùng là khi chứng kiến các học trò mắc hết sai lầm này tới sai lầm khác, HLV Thanh Hùng và các trợ lý gần như chỉ biết ra sát sân động viên, vỗ về, thay vì có những động thái dứt khoát (ví dụ như sớm đưa ra những sự thay đổi người).
Suốt 90 phút thi đấu, gần như chỉ có Thành Lương (rời sân phút 73 nhường chỗ cho Văn Quyết) là thi đấu tạm được. Các cầu thủ khác: Tấn Tài, Trọng Hoàng, Quốc Anh… đều không còn là chính mình. Trong khi Công Vinh thường xuyên nhận bóng trong tư thế quay lưng về phía khung thành đối phương. Vinh dường như cũng chẳng biết làm gì khác ngoài việc đá ít chạm theo kiểu “đẩy trách nhiệm” cho đồng đội.
|
Văn Biển (trái) đã có một trận đấu quá tồi. Ảnh: Đàm Duy |
Nhưng vị trí đáng trách nhất của Việt Nam tối qua nằm ở bên hành lang trái của Văn Biển. Trong các trận giao hữu trước thềm AFF Cup, Biển chưa bao giờ tạo được sự yên tâm mỗi khi được HLV Phan Thanh Hùng trao cơ hội. Ở trận gặp Myanmar, khi được vào sân thế chỗ Văn Phong bị chấn thương, Biển cũng chơi không có gì ấn tượng.
Ngay trước giờ bóng lăn, ông Hùng vẫn khẳng định Hồng Tiến sẽ đá bên cánh trái. Vậy mà khi xuất trận, cái tên được điền vào đó lại là Văn Biển (?!). Khi Dân Việt hỏi về vấn đề này, ông Hùng tỏ ra khá chán nản, từ chối trả lời.
Suốt 90 phút thi đấu trước Philippines, Biển mắc rất nhiều lỗi vị trí, chuyền hỏng. Nhiều người đã tưởng sau giờ nghỉ, Biển sẽ là nhân sự phải thay đầu tiên, nhưng không! Và khoảng 5 phút trước khi tuyển Việt Nam nhận bàn thua, chính Biển là người đã chạy rất lạch bạch bên cánh, để Guirado vốn dáng người rất “cồng kềnh”, dễ dàng vượt qua. May là trong tình huống này, hậu vệ phải Đình Đồng đã kịp bó vào trong lăn xả cứu thua.
Trong một tình huống tranh bóng cuối hiệp 1, trung vệ Minh Đức đã bị chảy máu đầu. Nỗ lực chỉ giúp Đức thi đấu đến phút 83, trước khi rời sân nhường chỗ Đình Luật. Ngay sau khi Luật vào sân ít phút, tuyển Việt Nam đã chịu bàn thua.
Sự thật là nếu như sau trận hòa Myanmar 1-1, nhiều người còn cảm thấy tiếc nuối, thì tới trận thua 0-1 trước Philippines, tất cả đều cảm thấy trống rỗng. Biết nói gì đây khi tình huống Tấn Tài dứt điểm đưa bóng đi trúng xà ngang cuối trận cũng là tình huống duy nhất đáng chú ý của các học trò HLV Phan Thanh Hùng trong cả trận. Có trực tiếp có mặt ở Bangkok, mới cảm nhận rõ cái cảm giác mênh mang buồn của các cổ động viên Việt Nam.
“Khi ra về, chứng kiến cổ động viên Myanmar hừng hực khí thế vào sân cổ vũ cho đội nhà trước Thái Lan, chúng tôi cảm thấy thật cô đơn, trống rỗng. Chúng tôi vẫn sẽ ở lại cổ vũ đội tuyển ở trận đấu cuối cùng. Hy vọng rằng, ngay cả khi đã không còn quyết định được số phận, tuyển Việt Nam sẽ chơi môtkj trận ra trò, vì người hâm mộ, chứ không phải cách đá hời hợt, thiếu cả nhiệt huyết lẫn niềm tin như trận đấu với Philippines”, anh Tuấn Anh (Lạng Sơn) - người mới có mặt ở Bangkok lúc 14 giờ ngày 27.11, chỉ kịp ăn uống qua loa trước khi vào sân sát cánh cùng đội tuyển, buồn bã bày tỏ.
Giờ nếu coi đội tuyển Việt Nam là một gia đình lớn, ban huấn luyện đồng thời là những người cha, người anh, thì đây là lúc bóng đá Việt Nam đang phải nhận lấy mặt trái trong cách làm của mình. Cái gia đình ấy sẽ vận hành êm xuôi, đâu vào đó nếu những “đứa con” thực sự biết vị trí của mình, biết những gì mình cần làm. Những “bậc phụ huynh” cũng phải biết “nắm” và “nhả” đúng lúc, chứ không phải cứ vô tư chiều theo ý những “đứa con”, để chúng muốn làm gì tùy thích!
Chính Minh (từ Bangkok)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.