Tỷ giá USD/VNĐ sẽ ra sao nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/05/2019 10:51 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), nhiều khả năng VNĐ có thể cũng phải phá giá theo, nghĩa là tỷ giá VNĐ với USD có thể sẽ tăng.
Bình luận 0

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ can thiệp để “ổn định” tỷ giá trung tâm theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Đầu tháng 5.2019, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.

Cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vừa cho biết, đã lên kế hoạch lấy ý kiến công chúng vào tháng sau về khả năng áp thuế tiếp lên tới 25% đối với thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

img

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính (Ảnh: IT)

Trước diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều hành tỷ giá của Việt Nam thời gian tới có thể sẽ phải thay đổi để phù hợp tình hình.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng, trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay, có thể thấy Trung Quốc đã, đang và sẽ đối phó bằng cách phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT). Một khi họ phá giá đồng NDT thì sẽ tác động đến tỷ giá của tiền VNĐ đối với USD, vì từ đầu năm đến nay tỷ giá VNĐ/USD đang ở mức ổn định, thế nhưng đồng NDT trong thời gian hơn 1 tháng trở lại đây đã tăng rất mạnh, và có khả năng sẽ tăng lên đến 7 NDT/1 USD (hiện tại ở mức 6,9 NDT/1 USD).

Mức 7 NDT/1 USD là mức rất cao từ trước đến giờ. Nếu đồng NDT tiếp tục phá giá mà VNĐ lại giữ sự ổn định đối với đồng USD thì đồng NDT sẽ phá giá với VNĐ. Tất cả đều nằm trong tương quan với nhau. Khi đồng NDT mất giá với VNĐ thì giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc; đồng thời xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc sẽ giảm đi.

“Dự báo của tôi là VNĐ có thể sẽ phá giá trong thời gian tới. Tức là tỷ giá VNĐ với USD có thể tăng, mặc dù mức tăng có thể sẽ được NHNN ‘khống chế’ bằng tất cả công cụ của chính sách tiền tệ cũng như bằng nguồn dự trữ ngoại hối lên tới hơn 60 tỷ USD hiện tại để can thiệp thị trường, ổn định thị trường”, ông nói

Cũng theo dự báo của chuyên gia này, trong năm nay VNĐ có thể mất giá khoảng 3% so với USD (tính từ đầu năm 2019).

Vậy các DN Việt Nam nên ứng phó thế nào? TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các DN Việt Nam trong tình trạng VNĐ mất giá thế này thì để bảo đảm thanh toán những hợp đồng ngoại thương bằng USD thì tốt nhất là các DN nên mua hợp đồng tương lai với các Ngân hàng thương mại (NHTM). Các NHTM sẵn sàng bán USD cho đối tác với một hợp đồng tương lai với tỷ giá đã định ngày hôm nay trong tương lai. Chẳng hạn hợp đồng 30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày trong tương lai thì giá trong tương lai sẽ được hai bên thỏa thuận ngay từ bây giờ. Tới thời điểm hợp đồng đó phải thực hiện thì các DN đã có sẵn một lượng USD với một tỷ giá đã được hai bên thỏa thuận từ trước, vì thế sẽ không rơi vào tình trạng thiếu USD hoặc phải mua USD với giá cao.

“Đây là cách tốt nhất để bảo vệ các DN cần thanh toán bằng đồng USD trong tương lai”, ông Hiếu, chia sẻ.

img

TS.Luật sư Bùi Quang Tín (Ảnh: IT)

Trong khi đó, TS. Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá tỷ giá trung tâm có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, nhưng vẫn nằm trong tầm tầm kiểm soát của NHNN.

Cụ thể, ông Tín cho biết, theo cách thức tính tỷ giá trung tâm thì tỷ giá được tính bởi 3 cấu phần, trong đó 1 cấu phần là rổ tiền tệ. Trong rổ tiền tệ này thì có đồng NDT, đồng USD nữa. Vì vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng NDT, khi đó, nhiều đồng tiền trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá trung tâm chắc chắn sẽ rớt giá theo; cho nên sẽ gây áp lực cho VNĐ. Tuy nhiên, chắc chắn NHNN sẽ nỗ lực để hỗ trợ để ổn định cho tỷ giá trung tâm được ổn định, tăng không quá 2%, cùng lắm chỉ khoảng 2,5% trong năm nay.

“Nhà nước sẽ dùng dự trữ ngoại hối, các thanh khoản, thực chất mà nói các thanh khoản USD của Việt Nam hiện nay rất ổn định. Cho nên nhiều khả năng NHNN sẽ dùng thanh khoản USD, các công cụ để ổn định tỷ giá, hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Tín chia sẻ.

Ở góc độ khác, liên quan đến việc nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư vàng và đồng tiền ảo (bitcoin) như một “kênh trú ẩn” an toàn. Ông Tín cho rằng, lâu nay, trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động, hay tình hình căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn thì hai công cụ được nhà đầu tư mua để “trú ẩn” là đồng yên Nhật và vàng. Hiện nay, giá yên Nhật đang tăng và vàng cũng đang tăng trở lại.

Cũng theo ông Tín, một công cụ khác cũng được nhà đầu tư để ý là đồng tiền ảo nhưng thực chất đồng tiền ảo cũng không thực chất đem lại “kênh trú ẩn” an toàn vì giá cả của nó biến động quá phức tạp, hơn nữa đồng tiền ảo cũng chưa được nhiều quốc gia công nhận và tính rủi ro của nó quá lớn.

“Đồng bitcoin mấy ngày gần đây đã tăng hơn 8.100 USD, nhưng thực chất thì tính ổn định của nó rất là yếu. Nên đồng tiền ảo chưa thể coi là “kênh trú ẩn” an toàn trong lâu dài được, có thể trong ngắn hạn một vài bữa thì không sao”, ông Tín chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem