Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2022- 2023, toàn TP.Hà Nội có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố như sau:
Tuyển sinh vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023). Trong đó, tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%.
Với 55,7%, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất trong mấy năm gần đây. Trước đó, năm học 2021-2022 khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường THPT công lập, năm học 2020-2021 có khoảng 60%, năm học 2019-2020 là 60%.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Ngô Việt Anh, học sinh lớp 9 quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết rất lo lắng và áp lực khi ôn thi vào lớp 10: "Lực học của em không quá xuất sắc nên ranh giới giữa đỗ và trượt rất mong manh. Em không biết mình phải đăng ký trường nào phù hợp và rồi nhỡ may trượt các nguyện vọng em sẽ phải học ở đâu nữa".
Chị Lê Phương Liên, phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội đứng ngồi không yên suốt mấy ngày qua. Chị Liên cho hay: "Gia đình không khá giả để cho con theo học trường tư thục. Trường công lập thì mức độ cạnh tranh quá cao, còn trường nghề thì thực lòng tôi không nỡ".
Nhiều phụ huynh cho rằng việc trường học không được xây thêm, các khu dân cư mọc lên khắp nơi khiến số lượng học sinh tăng nhanh, trong những năm tới cánh cửa vào trường THPT công lập sẽ càng bị thu hẹp.
Cô Diệp Thảo, giáo viên môn Văn, Trường THCS Phương Canh, quận Nam Từ Liêm cho hay: "Những điểm nóng của thi vào 10 như các quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Đây đều là các quận trung tâm, số lượng trường THPT ít so với mặt bằng dân số nói chung. Vì thế năm nay điểm chuẩn thi vào có thể sẽ tăng "nhẹ" ở các khu vực quận trung tâm của Hà Nội".
Chia sẻ thêm, cô Thảo cho hay hiện tại học sinh của cô đang cảm thấy rất lo lắng, áp lực trước kỳ thi này. "Em nào cũng học cật lực, thậm chí nhiều em không yên tâm học thêm nhiều nơi vô cùng vất vả", cô Thảo nói.
Thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai nêu: "Với tư cách là một người làm trong ngành giáo dục, tôi rất chia sẻ với phụ huynh và học sinh. Tỷ lệ 55,7% học sinh được vào học các trường THPT công lập hơi thấp. Tuy nhiên, hiện tại số trường công lập không đủ để đáp ứng nhu cầu học của học sinh.
Giải pháp trước mắt thành phố cần đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Như quận Hoàng Mai có chỉ 3 trường THPT trong khi dân số rất cao. Khi tuyển ít chỉ tiêu, chắc chắn điểm chuẩn vào các trường sẽ có sự tác động. Tôi tin lãnh đạo thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em thi vào lớp 10 năm nay".
Là người theo dõi các kỳ tuyển sinh trong nhiều năm qua, anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả sách "Tư vấn kỳ thi vào 10" cho hay: "Hiện nay Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh và việc phân chia như vậy đảm bảo cho thí sinh được lựa chọn khu vực theo nơi cú trú. Khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy và khu vực tuyển sinh 4 gồm quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì cũng như quận Hà Đông có đông thí sinh đăng ký.
Nguyên nhân khách quan bởi những nơi đó dân cư đông đúc, có nhiều trường THPT đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh và thí sính muốn chắc suất vào trường công lập. Chính vì những yếu tố trên, tỷ lệ chọi của nhiều trường tăng đột biến làm cho áp lực càng gia tăng. Thực tế dù chọn khu vực tuyển sinh nào, kỳ thi vào 10 vẫn căng thẳng với cả thí sinh và phụ huynh.
Theo suy nghĩ của tôi, để tránh cho các con bị trượt oan dù sức học tốt, Sở GDĐT cần có thay đổi linh hoạt trong việc tạo điều kiện cho các con, có như vậy mới tránh được tình trạng điểm cao nhưng thiếu 0,25 vẫn trượt".
Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể.
Khảo sát một vài năm gần đây, 10 trường THPT công lập thuộc top đầu ở Hà Nội có tỷ lệ chọi cao là: Trường THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT Thăng Long, THPT Yên Hòa, THPT Phan Đình Phùng, THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Nhân Chính, THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông.