Tỷ phú giàu nhất hành tinh sẽ có hành trình khám phá không gian trong 11 phút vào tháng tới.
Theo CNN, mỗi chuyến du hành vào vũ trụ luôn tiềm ẩn các rủi ro. Dĩ nhiên ông Bezos biết điều này vì tỷ phú giàu nhất hành tinh là người sáng lập công ty hàng không vũ trụ Blue Origin, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thám hiểm không gian.
Hành trình du hành vũ trụ của tỷ phú Bezos được cho là nhằm thúc đẩy ngành du hành vũ trụ thương mại.
Khi nhắc đến các chuyến bay vũ trụ, mọi người nghĩ đến các phi hành gia bay vòng quanh Trái đất. Nhưng đó không phải là điều tỷ phú Bezos sẽ làm.
Ông Bezos sẽ bay thẳng lên vũ trụ và quay trở lại mặt đất. Tất cả diễn ra trong 11 phút. Chuyến bay thẳng đưa ông Bezos lên độ cao 100km, nơi được coi là rìa vũ trụ, ranh giới giữa vũ trụ và Trái đất.
Kế hoạch khám phá không gian ở độ cao 100km của tỷ phú Bezos.
Chuyến bay như vậy cần tới một tên lửa đẩy tiêu tốn ít nhiên liệu hơn các vụ phóng tên lửa vào quỹ đạo như thông thường. Tên lửa đẩy sẽ đạt vận tốc 3.700 km/giờ, gấp 4 lần vận tốc âm thanh.
Sau khi đạt độ cao 100km, khoang chứa phi hành đoàn sẽ tách khỏi tên lửa, lượn ở độ cao này trong vài phút để các hành khách quan sát, trải nghiệm cảm giác không trọng lực.
Đến một thời điểm đã định, khoang chứa phi hành đoàn sẽ rơi trở lại Trái đất. Khoang chứa có hệ thống dù được kích hoạt để giảm tốc độ rơi, đảm bảo an toàn cho người bên trong.
Trong khi đó, tên lửa đẩy sẽ tự quay trở lại mặt đất giống như cách mà tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX thực hiện.
Toàn bộ quá trình phóng tên lửa diễn ra tự động, không cần phi công ngồi bên trong. Trong 15 lần phóng thử nghiệm, Blue Origin không ghi nhận bất cứ sự cố phát nổ nào.
Trong 15 lần phóng thử nghiệm, công ty Blue Origin chưa gặp phải sự cố đáng kể nào.
Nói cách khác, cách ông Bezos lựa chọn để du hành vũ trụ ít nguy hiểm hơn việc đưa các phi hành gia vào quỹ đạo. Nhưng điều đó không có nghĩa là rủi ro bằng 0.
Khoang chứa phi hành đoàn được thiết kế để người ngồi bên trong không cần mặc đồ bảo hộ. Ông Bezos cũng được tiếp cận mặt nạ dưỡng khí trong trường hợp khoang kín bị mất áp suất.
Khoang chứa cũng có hệ thống khẩn cấp, tách khỏi tên lửa đẩy trong trường hợp có sự cố xảy ra như tên lửa phát nổ. Nhưng điều đó không đảm bảo 100% rằng sẽ không có rủi ro xảy ra.
Năm 2014, tàu du lịch không gian của công ty Virgin Galactic gặp trục trặc khi bay thử nghiệm. Tàu du lịch nổ tung trên không khiến một phi công thiệt mạng.
Công ty Blue Origin không gặp phải những tai nạn chết người như vậy trong giai đoạn thử nghiệm. Tỷ phú Bezos cũng từng nói, cũng đáng để chấp nhận rủi ro, theo CNN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.