Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Trí và quà tặng “cực phẩm” triệu đô

Hữu Ký Thứ hai, ngày 22/02/2021 13:10 PM (GMT+7)
Cách đây không lâu, truyền thông xứ ta đã tốn rất nhiều giấy mực để nói đến vụ tỷ phú Phạm Nhật Vượng “tặng” trung tâm PVF cho bầu Trí, một trong 3 ông chủ của CLB Sài Gòn FC. Một câu hỏi được đặt ra, tương lai của PVF khi được “sang tên đổi chủ” sẽ như thế nào?
Bình luận 0

Cần phải nhắc lại một chút, PVF (Promotion fund of Vietnamese Football talents – Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam) là một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận. Được thành lập năm 2008 và chuyển từ TP.HCM ra Hưng Yên vào năm 2017 với tổng đầu tư khoảng 30 triệu USD (tức khoảng 690 tỷ đồng). PVF được LĐBĐ châu Á (AFC) đánh giá là trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu châu Á và tốt nhất Việt Nam hiện nay.

Trung tâm này từng đưa các huyền thoại bóng đá như Ryan Giggs, Paul Scholes về làm giám đốc kỹ thuật. PVF cung cấp khá nhiều tuyển thủ U23 cũng như ĐTQG như Hà Đức Chinh, Đỗ Thanh Thịnh, Ngô Tùng Quốc, Bùi Tiến Dụng, Hồ Minh Dĩ, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Văn Thái Quý… Đây cũng là nguồn cung cho rất nhiều CLB tại V.League và giải hạng Nhất như Hà Nội FC, B.Bình Dương, CLB TP.HCM…

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Trí và quà tặng “cực phẩm” triệu đô - Ảnh 1.

Những huyền thoại như Ryan Giggs, Paul Scholes từng hợp tác với PVF.

Tôn chỉ của PVF là rất rõ ràng, đạo tạo và chuyển nhượng với giá “0 đồng”. Trong 12 năm tồn tại, PVF là một trong những điểm sáng trong địa hạt bóng đá trẻ. Họ sánh ngang với Hà Nội, Viettel, HAGL, SLNA… về thành tích cũng như những đóng góp cho các ĐTQG Việt Nam.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Trí và quà tặng “cực phẩm” triệu đô - Ảnh 2.

PVF giành được rất nhiều thành công ở các giải đấu trẻ trong nước. Bên cạnh đó, trung tâm này còn đào tạo được không ít những hảo thủ ở ĐTQG

Như đã đề cập, PVF đào tạo cầu thủ phi lợi luận, tức họ không bán, không chuyển nhượng và cũng chẳng cho mượn như các đội bóng nào ở Việt Nam. Có một quy định bắt buộc, tất cả các học viên của PVF phải tốt nghiệp chuyên môn và văn hoá (kiến thức lẫn tư chất đạo đức) mới được ra lò. Điểm đến (các CLB) của các cầu thủ được dựa trên sự đánh giá về các chuẩn mực bóng đá. Trong đó, có cơ hội ra sân, cơ hội phát triển sự nghiệp… luôn là những tiêu chí hàng đầu.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Trí và quà tặng “cực phẩm” triệu đô - Ảnh 3.

PVF là trung tâm đào tạo trẻ có cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất Châu Á

Trên thế giới rất hiếm những lò đào tạo bóng đá phi lợi nhuận như PVF. Đại đa số các trung tâm đều phục vụ cho nhu cầu nhân lực CLB hoặc đào tạo để bán, thu lợi nhuận. Nói như thế để thấy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã rất hào phóng khi tặng “cực phẩm” hàng chục triệu USD cho Tập đoàn giáo dục Văn Lang của ông Nguyễn Cao Trí. Nói thêm, ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng quản trị là một trong ba người đồng sở hữu Sài Gòn FC.

Trước đó, nhiều thông tin cho rằng, Công ty Bình Minh – chủ sở hữu của CLB TP.HCM mới là đơn vị được bầu Vượng tặng quà. Phút chót, mọi chuyện đã đổi thay hoàn toàn khi nó được chuyển giao về tay bầu Trí. Câu hỏi được đặt ra, tại sao tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chuyển giao cho CLB TP.HCM vốn được xem là một đội bóng tương đối chính thống thay vì Sài Gòn FC?.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Trí và quà tặng “cực phẩm” triệu đô - Ảnh 4.

Giờ đây PVF đã được chuyển giao cho Tập đoàn giáo dục Văn Lang và tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức thoái lui khỏi bóng đá.

Nhiều người đồn đoán, có thể tỷ phú Phạm Nhật Vượng tặng quà cho Tập đoàn giáo dục Văn Lang bởi đã nhìn thấy được chiến lược bền vững ở tương lai. Hơn thế nữa, bản thân tỷ phú Phạm Nhật Vượng hẳn cũng muốn ngoài bóng đá, những cầu thủ cũng được tiếp tục đào tạo văn hoá trong môi trường giáo dục được công nhận về đẳng cấp.

Chắc chắn, PVF sẽ có một cái tên mới khi về với Tập đoàn giáo dục Văn Lang. Đương nhiên, mọi hoạt động bóng đá sẽ gắn liền với CLB Sài Gòn FC. Cho đến bây giờ, mọi thông tin mà người ta được biết mới chỉ là vụ chuyển giao có giá… 0 đồng. Tức, tới đây, hình hài, phương thức hoạt động của PVF có thay đổi hay không thì còn phải chờ.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bầu Trí và quà tặng “cực phẩm” triệu đô - Ảnh 5.

Người hâm mộ vẫn hy vọng vào việc chủ mới sẽ tiếp tục giữ phương thức hoạt động đã có từ trước.

Dĩ nhiên, với cái tên mới sẽ khó chuyện đào tạo bóng đá phi lợi nhuận như PVF trước đây. Dù vậy, người ta vẫn hy vọng dù có “sang tên” thì những ông chủ mới vẫn giữ được hệ sinh thái và sẽ tiếp tục bước tiếp con đường như tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mất rất nhiều tâm huyết để xây dựng.

Rồi đây PVF sẽ chỉ còn ở miền nhớ nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng xứng đáng nhận được những lời cám ơn vì những gì mà ông đã cống hiến trong 12 năm xây dựng và phát triển một trong những trung tâm bóng đá hàng đầu của Việt Nam. Tạm biệt PVF và hy vọng vào một sứ mệnh mới, với một cái tên mới và một màu áo mới!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem