Những người hiểu chuyên môn sẽ không ảo tưởng rằng chức á quân giải U23 châu Á của đội tuyển Việt Nam vừa rồi giúp chúng ta đạt tới trình độ hàng đầu của bóng đá châu lục. Còn rất nhiều điều phải hoàn thiện, để đội tuyển U23 nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung có thể vươn tới trình độ đó.
Biết lấy yếu thắng mạnh chứ chưa mạnh
Những tiến bộ của đội tuyển U23 so với các thế hệ trước là điều hiển nhiên, không thể phủ nhận. Sự trưởng thành về kỹ thuật, chiến thuật, tư duy chơi bóng, tinh thần thi đấu, ý thức đồng đội, thái độ với trận đấu, thể lực và bản lĩnh là nền tảng cho những màn trình diễn và kết quả kỳ diệu vừa qua.
HLV Park Hang-seo: 'Chúng tôi sẽ chỉ vui hết hôm nay'. HLV Park Hang-seo phát biểu trong buổi họp báo giữa các cầu thủ và VFF tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam
Nhưng kết quả đạt được khi thi đấu trong vị thế cửa dưới, dù không còn phòng thủ bị động với số đông như các thế hệ trước. Có thể gọi đó là biết người biết mình trong câu binh pháp “tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi” (biết người biết mình, trăm trận không nguy).
Tỷ lệ thời lượng kiểm soát bóng trong trận đấu phần nào phản ánh điều này. Có thể một đội bóng mạnh hơn vẫn kiểm soát bóng ít hơn là khi họ có lợi thế để chơi phòng ngự phản công, nhưng lúc đó tỷ lệ kiểm soát bóng không quá chênh lệch so với đối thủ, còn trong phần lớn các trường hợp khác, tỷ lệ cầm bóng thua sút nhiều chỉ thể hiện đó là đội bóng yếu hơn.
Bàn thắng của U23 Việt Nam tại giải châu Á phần lớn đến từ những pha chớp thời cơ hoặc nỗ lực cá nhân. Ảnh: AFC.
U23 Việt Nam kiểm soát bóng 28% thời gian bóng trong cuộc ở trận gặp Hàn Quốc. Các con số tương ứng trước Australia là 24%, trước Syria là 41%, trước Iraq là 46%, trước Qatar là 36%, và trước Uzbekistan chỉ có 31%. Tất cả đều là dưới 50%. Tỷ lệ trung bình là 34,3%, tương đương với 1/3 thời gian bóng trong cuộc của trận đấu.
So sánh các chỉ số khác của trận chung kết với Uzbekistan như sau: Sút bóng 8-20 (1-2,5), sút bóng trúng mục tiêu 3-9 (1-3), tổng số đường chuyền 325-697 (1-2,145), số đường chuyền thành công 188-577 (1-3,07), tỷ lệ chuyền bóng thành công 58%-83% (1-1,43), phạt góc 2-12 (1-6). Những thông số rất chênh lệch, khi Uzbekistan có các con số gấp 2-3 lần Việt Nam, thậm chí phạt góc gấp 6 lần (họ ghi 2 bàn thắng đều từ các quả đá phạt góc), và tỷ lệ chuyền bóng thành công cũng hơn hẳn.
Thống kê hoàn toàn vượt trội của U23 Uzbekistan trước U23 Việt Nam ở trận chung kết.
Trên thực tế, đội tuyển U23 Việt Nam thường chủ động chơi phòng ngự - phản công, khi đó chấp nhận để đối thủ kiểm soát bóng là chủ yếu. Thường là khi bị dẫn bàn, đội mới dâng cao đội hình để tấn công, và kiểm soát bóng nhiều hơn.
Có thể HLV Park Hang-seo đã đúng, thể hiện qua hành trình của đội tuyển U23 tại giải đấu vừa qua, và hầu hết sự thay người của ông đều hiệu quả cho thấy năng lực chiến thuật rất tốt của ông. Nhưng kết quả tích cực trong những lần U23 Việt Nam cần dâng lên tấn công (4 lần gỡ, không lần nào để thua thêm) lại nói điều ngược lại: có thể U23 Việt Nam đã quá thận trọng chăng?
Rất dễ hiểu, khi một đội bóng được coi là yếu và thành tích hạn chế thường giữ thái độ thận trọng, và phần lớn HLV lựa chọn giải pháp phản công khi điều kiện cho phép (đối phương cần tấn công) vì có nhiều khoảng trống để khai thác hơn.
Sức hút, nền tảng và khen thưởng – văn hóa ăn xổi
Tại V.League, những khán đài ngày càng trống vắng. Hà Nội T&T, nay đổi thành Hà Nội FC, là đội bóng giàu thành tích, có lối chơi hấp dẫn bậc nhất, có lò đào tạo chất lượng nhất (đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho đội tuyển U23 Việt Nam cả trong danh sách 23 cầu thủ lẫn trong 13 cầu thủ thường xuyên thi đấu). Nhưng họ vẫn thường xuyên thi đấu ở khán đài với lèo tèo khán giả, và đó là nỗi niềm đau đáu của bầu Hiển.
Số lượng khán giả trung bình đến sân xem các trận đấu ở V.League, theo thống kê của BTC, đã giảm từ 7.800 khán giả/trận năm 2015 xuống 6.000 khán giả/trận mùa 2017, mà sân Thống Nhất, sân Hàng Đẫy là những nơi vắng nhất, ngay cả khi có đội bóng đã miễn phí vào sân xem trận đấu của mình, năm 2016.
Quang Hải vẫn lập những siêu phẩm ở V.League nhưng không mấy ai để ý. Những bàn thắng của anh với đội tuyển U23 thậm chí còn không đẹp bằng nhiều siêu phẩm khác ở V.League thì lại được cả chục triệu người tôn vinh.
Lứa U23 đã thi đấu tại V.League từ lâu nhưng chỉ thực sự được biết đến sau thành công tại giải U23 châu Á. Ảnh: Hoàng Lam.
Những người hùng của đội tuyển không bỗng dưng rơi từ trên trời xuống để ghi bàn và mang về chiến thắng. Họ rèn luyện và trưởng thành qua đời sống bóng đá hàng tuần là V.League. Nếu V.League thiếu khán giả, các đội bóng không thể cân đối được chi phí, mà phải sống dựa vào các ông bầu.
Các tài năng cũng không bỗng dưng mà có: các trung tâm đào tạo bài bản mỗi năm phải chi vài tỷ đồng, có khi hàng chục tỷ đồng, để nuôi các tuyến trẻ từ U11 đến U21, mà mỗi lứa có thể chỉ có vài cầu thủ lên được đội một, và tài năng như Quang Hải thì hàng chục năm cả nền bóng đá mới có một người.
Nhưng cả nền bóng đá, bao gồm cả người hâm mộ, hầu hết quay lưng với V.League, đợi lúc đội tuyển thành công ở cấp quốc tế thì “lên đồng tập thể”. Nó giống như câu chuyện cổ tích Thánh Gióng, không đợi 18 năm kiên trì chăm sóc, dạy dỗ để lớn lên như người bình thường, mà chỉ mất 3 năm để vươn vai thành Phù Đổng (mà quá trình vươn vai từ năm 3 tuổi, chứ chẳng phải mất 3 năm để vươn vai).
V.League không xem để cung cấp “nguồn dinh dưỡng” cho đời sống bóng đá thường nhật của cầu thủ chuyên nghiệp. Trẻ em cũng hầu như không được học đá bóng ở trường, và có rất ít phụ huynh đưa chúng tới các câu lạc bộ để tập đá bóng, thành ra các trung tâm đào tạo chỉ biết cầu may tìm những đứa trẻ ở vùng quê nào đó mà gần nhà có khoảng trống và có quả bóng để tự làm quen và đá bóng với chúng bạn, trở thành đầu vào cho các lò đào tạo của HAGL, Hà Nội FC, Thanh Hóa, SLNA hay PVF.
Khen thưởng là một câu chuyện khác. Rất ít doanh nghiệp tài trợ vừa đặt khung thưởng cho đội tuyển U23 từ trước giải đấu. Rồi bỗng dưng đội bóng thành công, họ ùn ùn kéo tới để hứa thưởng và thưởng. Đó là những doanh nghiệp không muốn góp công nuôi dưỡng bóng đá, mà chỉ muốn ăn theo sự thành công của đội tuyển để tên tuổi của mình cũng nổi lên theo.
Nó không giúp để đội tuyển thành công hơn, mà thậm chí có thể hủy hoại các cầu thủ nhanh hơn. Vì những đồng tiền đến bất ngờ khi con người chưa chuẩn bị với việc đón nhận và sử dụng nó hầu hết là gây tác hại hơn là có lợi.
Trở thành ngôi sao chỉ sau một giải đấu, Tiến Dũng cùng nhiều cầu thủ U23 Việt Nam có rất nhiều việc phải làm cả trong và ngoài sân cỏ. Ảnh: Tiến Tuấn.
Nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng không hề điều tiết nguồn tiền thưởng đó, như phân bổ một phần cho các đội tuyển trẻ hơn để họ có thể tập huấn và thi đấu lúc chưa có thành tích quốc tế, mà chỉ biết chia chác hết số tiền thưởng đó kiểu ăn xổi.
Những mặt sau của thành công này, nếu bóng đá Việt Nam không sớm giải quyết, sẽ trở thành mặt tối, kéo lùi sự phát triển của bóng đá Việt Nam, như lẽ ra nó có thể đạt được qua thành tựu của đội tuyển U23.
Thủ môn Tiến Dũng: 'Sẽ bỏ chạy nếu được tỏ tình bất ngờ'. Trả lời các câu hỏi phỏng vấn trực tuyến của độc giả Zing.vn, thủ môn Tiến Dũng tiết lộ anh có nụ hôn đầu đời lúc 19 tuổi và đẹp trai nhất đội tuyển U23 Việt Nam.
Công Phượng: 'Thích con gái thông minh, ngoại hình không quan trọng'. Chia sẻ trong buổi phỏng vấn trực tuyến cùng Zing.vn, tiền đạo Nguyễn Công Phượng chia sẻ mẫu bạn gái của mình là người biết quan tâm, chia sẻ, còn ngoại hình không quan trọng.
Hồng Ngọc (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.