Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng 8/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học: "Quan điểm, định hướng giải pháp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì.
Đây là một hoạt động khoa học có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh những người làm báo trên cả nước vừa kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024) và trên hành trình hướng tới mốc son lịch sử 100 năm vào năm 2025.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hội thảo nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học rất quan trọng cho việc xác định quan điểm chỉ đạo, đề xuất các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI, để báo chí - truyền thông nước nhà phát huy tối đa những thành tựu lịch sử đã đạt được trong gần 100 năm qua, tiếp tục có những đóng góp thiết thực khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Đặc biệt, những lời căn dặn, giáo huấn của Người về mục đích hoạt động của báo chí nước nhà, về sứ mệnh vẻ vang của người làm báo và những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ báo chí vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay và mai sau.
Do đó, nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là "kim chỉ nam" dẫn dắt nền báo chí-truyền thông nước nhà phát triển đúng hướng, ngày càng "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, báo chí-truyền thông ở nước ta đang đối mặt với nhiều nhiều thử thách, khó khăn xuất phát từ những biến động phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, đồng thời còn nhiều tồn tại, hạn chế trong nội tại hoạt động của nền báo chí-truyền thông hiện nay.
"Đặc biệt, cuộc cách mạng khoa học-công nghệ 4.0 với trọng tâm là chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động báo chí-truyền thông, mở ra cơ hội phát triển chưa từng có cho những người làm báo, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít áp lực, thách thức to lớn nếu các cơ quan báo chí-truyền thông không có tư duy đổi mới, không có sự chuẩn bị thật tốt để bắt kịp xu hướng làm báo của thời đại.
Do đó, việc tìm ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển báo chí-truyền thông ở nước ta để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện nay là vấn đề có tính cấp bách", GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài KX.02.31/21-25 cho biết, sau thời gian tích cực chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm viết bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí-truyền thông, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với nhiều nội dung và góc nhìn phong phú, đa dạng.
Trong tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Hà Huy Phượng - Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, là nhà báo cách mạng vĩ đại, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác Hồ là tác giả của hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, sử dụng gần 200 bút danh. Mỗi con chữ, bài viết của Người là một lời hiệu triệu, truyền bá lý tưởng cộng sản và con đường giải phóng dân tộc.
"Trong cuộc đời làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo. Học Người làm báo là học làm cách mạng, là học làm nghề chuyên nghiệp. Những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của Người chính là những bài học lớn để các thế hệ người làm báo Việt Nam noi theo", PGS.TS Hà Huy Phượng nhấn mạnh.
TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhìn nhận, hiện nay, cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo.
Với sự phát triển không ngừng của báo chí cùng sự phát triển của đất nước, tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên TS Nhị Lê cũng cho hay, thực tiễn phát triển đó, đã và đang bộc lộ không ít vấn đề nan giải, cấp bách phải giải quyết tổng thể, nếu muốn phát triển đồng bộ, thống nhất, mạnh mẽ và ngang tầm sứ mệnh.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học cũng đã đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.