Đầu năm 2017, nhà môi giới người Slovenia - Jernej Kamensek đã có ý định đưa Vũ Văn Thanh sang Châu Âu. Gần đây, dư luận lại một lần nữa có những ý kiến trái chiều khi một tờ báo Đức đăng tin về việc Borussia M'gladbach quan tâm đến Đoàn Văn Hậu.
Vậy rút cuộc, cầu thủ Việt Nam có đủ khả năng chơi bóng ở lục địa già hay không? Hãy cùng Goal Vietnam lắng nghe quan điểm từ “những người trong cuộc”.
Quang Hải, Văn Hậu và Văn Thanh.
Cơ hội nào cho cầu thủ Việt ở trời Âu?
Trước câu hỏi trên, thủ môn Filip Nguyễn (Vlasim) chia sẻ quan điểm: “Những cầu thủ tốt nhất tại V.League hoàn toàn đủ sức chơi bóng tại giải hạng Nhất FNL của CH Czech”.
Tháng 10.2016, Filip từng có chuyến thử việc ngắn ngày tại một CLB phía Bắc. Trong thời gian tập luyện tại đây, thủ môn sinh năm 1992 thừa nhận mình rất ngạc nhiên về khả năng của các đồng nghiệp người Việt.
“Tôi nghĩ các cầu thủ Việt Nam rất nhanh nhẹn và khéo léo còn cầu thủ ở CH Czech thì khỏe và tư duy chiến thuật tốt hơn. Tuy vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một đội bóng hàng đầu V.League có thể chơi ngang ngửa những đội hạng trung tại FNL”, Filip hào hứng kết luận.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ tiền vệ 17 tuổi - Tony Lê Tuấn Anh – người từng có chuyến thử việc 10 ngày tại đội tuyển U20 Việt Nam. Chàng trai sinh tại Benesov thừa nhận: “Các đồng đội hoàn toàn vượt trội em về tốc độ, sức mạnh và khả năng tranh chấp. Họ hoàn toàn đủ khả năng chơi bóng ở các đội trẻ của Bohemians Praha”.
Những chia sẻ từ Filip Nguyễn và Tony Lê Tuấn Anh có lẽ sẽ là một tham chiếu đáng suy nghĩ cho những ai không hoặc chưa tin vào khả năng của các cầu thủ nội. Với những tín hiệu lạc quan ít nhiều từ công tác đào tạo trẻ trong mươi năm qua, một thế hệ mới đã được ra lò và ngày một khát khao chinh phục những đỉnh cao mới.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Jernej Kamensek – nhà môi giới có số má ở V.League với những thương vụ đưa Nastja Ceh, HLV Ljupko Petrovic về Thanh Hóa - từng chia sẻ rằng, hai chữ “Châu Âu” không đồng nghĩa với những Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha…
“Tôi muốn đưa Văn Thanh đi Châu Âu. Nhưng hãy thực tế nhé, cậu ấy sẽ không đến Man United đâu (cười lớn). Thanh có thể khoác áo các CLB ở Slovenia hoặc Croatia”, ông Kamensek chia sẻ hồi tháng 4.2017.
Những rào cản và thách thức
Rào cản đầu tiên là về vấn đề phí chuyển nhượng. CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tốn rất nhiều công sức và tiền của để xây dựng nên một thế hệ đầy tiềm năng. Nhưng nên nhớ, chỉ 4-5 người trong số ấy cho thấy sự vượt trội và được kỳ vọng tiến rất xa trong sự nghiệp.
Trong quá khứ, bầu Đức từng nói đến việc một cầu thủ thành danh từ Học viện HAGL JMG Arsenal có thể giúp ông thu về một khoản tiền lớn để tái đầu tư. Thế nên sẽ là một vấn đề nan giải nếu ai đó muốn đặt vấn đề chuyển nhượng những sản phẩm “tinh hoa” từ đội bóng phố Núi, nhưng lại không thể đáp ứng một con số “chấp nhận được”.
Chia sẻ với chúng tôi, Jernej Kamensek thẳng thắn cho biết: “Các CLB Châu Âu sẽ không bao giờ đồng ý trả mức phí “không tưởng” cho một cầu thủ đến từ quốc gia xếp hạng thấp trên bản đồ bóng đá thế giới”.
Nhà môi giới sở hữu chứng chỉ huấn luyện loại C cho rằng, các tài năng trẻ Việt Nam rất giàu tiềm năng, nhưng họ cũng thiếu rất nhiều thứ để chơi bóng tại lục địa già.
Ông chia sẻ: “Công Phượng có thể sẽ khuynh đảo V.League trong tương lai nhưng tôi nghĩ anh ta sẽ khó có cơ hội đá ở Châu Âu”.
“Ở vị trí tiền vệ trung tâm, Xuân Trường và Tuấn Anh thiếu hụt về tốc độ, thể lực lẫn sức mạnh. Tôi nghĩ Trường có thể chơi tốt ở các CLB Châu Á, nhưng đi xa hơn nữa thì không".
Như vậy, theo Kamense, hiểu biết về chiến thuật cũng như yêu cầu thể lực là những rào cản khá lớn với cầu thủ Việt Nam khi ra chơi bóng ở trời Tây. Vì thế, dù có đến được Châu Âu đi chăng nữa, các cầu thủ Việt Nam cũng phải cố gắng hơn gấp bội, mới có cơ may trụ lại và thành công ở đây.
Quang Anh (Goal/VN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.