Vạn Trinh Nhi và mối tình ly kỳ với Minh Hiến Tông
Vạn Trinh Nhi và mối tình ly kỳ với Minh Hiến Tông
Thứ bảy, ngày 01/06/2024 10:31 AM (GMT+7)
Vạn Trinh Nhi vốn chỉ là một cung nữ nhỏ bé, một bảo mẫu chăm sóc cho tiểu thái tử, cuối cùng lại có một giai thoại tình yêu với hoàng đế và đây có lẽ là tình yêu đế vương ly kỳ nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Trong thời cổ đại bảo thủ, mọi người luôn có yêu cầu cực kỳ hà khắc đối với tình yêu và hôn nhân. Đối với hoàng đế thời cổ đại mà nói thì khi tuyển tú nạp phi vào hậu cung không chỉ phải cân nhắc về ngoại hình, tuổi tác và tài hoa của nữ nhân mà còn phải xem xét về tính cách, nhân phẩm, bối cảnh gia đình của nàng.
Hôn nhân của Hoàng đế có liên quan tới cả thế cục của triều đình và thực lực của các bên. Nhưng trong thời Minh, có một phi tần mà cuộc đời của nàng có thể nói là rất ly kỳ. Nàng vốn là bảo mẫu của hoàng đế, lớn hơn hoàng đế 17 tuổi, sau này trở thành phi tần được Hoàng đế sủng ái nhất. Nàng chính là phi tần Vạn Trinh Nhi của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm.
Sự xuất hiện của Vạn Trinh Nhi thực ra không hề mang bất kỳ sự kịch tính nào. Nàng vốn là một cung nữ nhỏ bé trong cung, ban đầu chỉ đóng vai trò là bảo mẫu của Chu Kiến Thâm. Lúc này Chu Kiến Thâm mới chỉ 2 tuổi. Khi ấy, Vạn Trinh Nhi 19 tuổi đối với Chu Kiến Thâm mà nói không chỉ là một bảo mẫu mà còn là người thân thiết nhất. Còn Vạn Trinh Nhi cũng khác với những cung nữ khác, tầm nhìn xa trông rộng và mưu mô của nàng đã giúp bản thân lợi dụng được cơ hội chăm sóc cho thái tử, từ đó cuộc đời của nàng không còn tầm thường nữa.
Vạn Trinh Nhi biết rõ tầm quan trọng của Chu Kiến Thâm, tuy khi ấy mới chỉ là đứa trẻ 2 tuổi nhưng đã trở thành thái tử. Nếu như sau này Chu Kiến Thâm thực sự có thể trở thành Hoàng đế, vậy thì bản thân dựa vào quan hệ thân thiết với chàng nhất định sẽ có được lợi ích sau này. Chính bởi cái gọi là “nhất cự ly nhì tốc độ”, bản thân kề cận bên thái tử từ nhỏ trong thời gian dài, đương nhiên đây chính là cơ hội tốt trời ban.
Nhưng khi xem xét về vấn đề tuổi tác, Vạn Trinh Nhi đã đưa ra một quyết định quan trọng là bỏ hết tiền bạc và công sức vào việc bảo dưỡng, gìn giữ nhan sắc và tuổi xuân. Bởi nàng biết rõ lợi thế và điểm yếu của mình, vấn đề lớn nhất mà nàng gặp phải khi ấy chính là tuổi tác.
Cho dù Chu Kiến Thâm có thể nắm được vương quyền thì lúc ấy nàng cũng đã hơn 30 tuổi, khi ấy giữa vô số những cô gái trẻ độ tuổi mười chín đôi mươi, bản thân nàng chẳng có sức cạnh tranh. Thế nên Vạn Trinh Nhi đã dốc hết tâm sức và tiền bạc vào việc bảo dưỡng nhan sắc, để dung nhan của mình có thể sánh ngang với những cô gái trẻ.
Cùng với việc quan tâm chăm sóc tỉ mỉ chu đáo của Vạn Trinh Nhi, Chu Kiến Thâm cũng bắt đầu hình thành sự ỷ lại đối với cô. Sự ỷ lại này không chỉ đến từ sự chăm sóc của Vạn Trinh Nhi, mà hơn thế là đến từ thiện cảm đối với một người phụ nữ trưởng thành.
Ngày ngày bên nhau, chăm sóc cho Chu Kiến Thâm đã đưa kế hoạch của Vạn Trinh Nhi từng bước trở thành hiện thực, lòng yêu mến mà Chu Kiến Thâm dành cho nàng ngày càng tăng lên. Đến sau cùng, sau khi Chu Kiến Thâm đăng cơ, vẫn coi Vạn Trinh Nhi là người phụ nữ mà mình sủng ái nhất.
Vạn Trinh Nhi lúc này đã hơn 30 tuổi, so với những phi tần trong hậu cung thì nàng chẳng hề kém cạnh. Chu Kiến Thâm ngày càng si mê nàng hơn, thậm chí còn muốn lập nàng làm Hoàng hậu. Tuy nhiên văn võ bá quan trong triều và hoàng thất đương nhiên là không đồng ý với quyết định này của ông.
Dưới áp lực của mọi người, Chu Kiến Thâm đành từ bỏ ý định này. Cho dù là vậy, vị trí cao nhất trong hậu cung vẫn luôn dành cho Vạn Trinh Nhi, đến Hoàng hậu Ngô Thị sau khi có xích mích với Vạn Trinh Nhi cũng đã bị Chu Kiến Thâm đẩy vào lãnh cung. Hành động này khiến tất cả các phi tần trong hậu cung càng thêm sợ Vạn Trinh Nhi hơn. Từ đó, địa vị của nàng đã lên tới đỉnh cao.
Vạn Trinh Nhi dường như đã bá chiếm tất cả mọi sự sủng ái của Chu Kiến Thâm, cho dù bản thân tuổi tác ngày càng tăng cao, Chu Kiến Thâm cũng vẫn không hề ghét bỏ, còn nói với mẫu thân của mình rằng: “Con cũng không biết tại sao lại si mê nàng đến vậy, chỉ cảm thấy khi có nàng ở bên thì cực kỳ yên lòng”.
Năm Thành Hóa thứ 2, Vạn Trinh Nhi hạ sinh hoàng tử, nàng cực kỳ vui sướng, vì dựa vào việc sinh được hoàng tử thì có thể ngồi lên vị trí hoàng hậu. Nhưng đáng tiếc, chỉ một năm sau, con trai của nàng đã chết yểu. Vạn Trinh Nhi biết giấc mộng hoàng hậu của mình đã vỡ, thế nên cực kỳ hụt hẫng, tính tình cũng thay đổi.
Năm Thành Hóa thứ 23, Vạn Trinh Nhi qua đời, nguyên nhân cái chết lại khiến người ta phải kinh ngạc. Vì phải chịu đựng nỗi đau mất con, tính tình Vạn Trinh Nhi trở nên nóng nảy, cáu gắt hơn, thường xuyên quát mắng thái giám và cung nữ. Cuối cùng, trong lúc đánh mắng cung nữ, do quá béo và có bệnh tim, dẫn đến phẫn nộ quá độ ngất xỉu, sau đó không bao giờ tỉnh lại nữa. Điều khiến người ta khó hiểu hơn là Chu Kiến Thâm cũng vì thế mà trầm cảm u uất, chưa tròn 1 năm sau thì cũng qua đời theo.
Theo lý mà nói thì hậu cung của hoàng đế cổ đại có vô số phi tần, chỉ yêu duy nhất một người cũng hoàn toàn có, nhưng yêu một người phụ nữ lớn hơn mình gần 20 tuổi, hơn nữa còn si mê như Chu Kiến Thâm thì quả thực là hiếm có trong lịch sử Trung Quốc. Đương nhiên, chúng ta cũng không khó để phát hiện ra rằng, ở bên trẻ trong thời ấu thơ là điều vô cùng quan trọng.
Có thể đối với Chu Kiến Thâm mà nói, người phụ nữ luôn ở bên cạnh chăm sóc cho cuộc sống của mình quan trọng hơn bất cứ ai. Vạn Trinh Nhi vốn chỉ là một cung nữ nhỏ bé, một bảo mẫu chăm sóc cho tiểu thái tử, cuối cùng lại có một giai thoại tình yêu với hoàng đế, đây có lẽ là tình yêu đế vương ly kỳ nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.