Vào cụm công nghiệp, Gốm sứ Biên Hòa chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới
Vào cụm công nghiệp, Gốm sứ Biên Hòa chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới
Nha Mẫn
Thứ ba, ngày 23/08/2022 15:30 PM (GMT+7)
Từ khi vào cụm công nghiệp, gốm sứ Biên Hòa đã khôi phục lại được thương hiệu truyền thống, đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước châu Âu, châu Á nên xuất khẩu thuận lợi hơn.
Ngày 23/8 đoàn công tác của Sở NNPTNT Đồng Nai và Phòng Kinh tế TP.Biên Hoà (Đồng Nai) do ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai làm trưởng đoàn vừa đi thị sát kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gốm sứ trên địa bàn TP.Biên Hoà.
Cụ thể đoàn công tác đã kiểm tra, nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp gốm sứ trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hoà).
Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh được thành lập nhằm di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ ở TP.Biên Hòa vào khu tập trung nhằm bảo vệ môi trường và bảo tồn phát triển nghề gốm.
Theo đại diện một số cơ sở doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ, mặc dù trong bối cảnh chung thị trường xuất khẩu gốm thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng gốm truyền thống của TP.Biên Hòa vẫn có nét và giá trị riêng. Trong đó gốm men xanh luôn làm khuynh đảo thị trường nhiều nước trên thế giới nên đơn hàng xuất khẩu ngày càng tăng.
Từ khi vào khu tập trung, các doanh nghiệp gốm cũng gặp không ít khó khăn nhưng đến nay khi mọi thứ đã vào guồng. Công tác sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ cũng thuận lợi hơn xưa rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng từ khi vào cụm công nghiệp, gốm Biên Hòa có cơ hội phát triển mạnh hơn so với trước. Bên cạnh đó gốm cũng dễ xuất khẩu nhất là vào thị trường các nước khó tính như Anh, Mỹ, Nhật Bản,…
Chia sẻ với đoàn công tác, ông Đỗ Minh Sơn, đại diện Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàn Mỹ cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình chuyên nghề gốm. Từ những thập niên 60 gia đình ông đã bôn ba khắp mọi nơi để tiêu thụ gốm sứ do gia đình tự sản xuất.
Sau này, nghề gốm ở Biên Hoà bị mai một dần nhưng bản thân ông Sơn vẫn muốn giữ nghề, phát triển nghề nên quyết định vẫn bám trụ với nghề gốm.
Khi Đồng Nai có chủ trương đưa các cơ sở sản xuất gốm vào khu tập trung, gia đình ông cũng quyết định đầu tư để vào khu tập trung nhằm ổn định lâu dài.
“Khi tôi đăng ký đưa cơ sở vào cụm công nghiệp tập trung có khó khăn, nhưng cũng nhiều cái được, cái thuận lợi. Trước đây, ngành gốm dù là nghề truyền thống nhưng đa số tự phát, làm theo ý thích từng gia đình cho nên tất cả đều không đạt cơ sở hạ tầng.
Hầu hết các cơ sở gốm sứ trên địa bàn đều không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nước ngoài khi người ta kiểm tra nhà máy. Sau khi vào cụm công nghiệp từ ban đầu nhà máy được xây dựng theo đúng quy chuẩn của nước ngoài nên mình có thể trực tiếp xuất hàng mà không cần khâu trung gia như trước kia. Như vậy lợi nhuận thu về cũng cao hơn và mình chủ động được cả đầu ra lẫn đầu vào”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, làm gốm sứ hiện nay là chạy theo thị hiếu của khách hàng là chính nhưng chất lượng phải đảm bảo để giữ được nét riêng của gốm sứ Đồng Nai.
Với vai trò là những người làm gốm lâu năm, ông Sơn hi vọng bản thân sẽ đóng góp chút sức mình để giữ gìn, tạo dựng giá trị của gốm sứ Biên Hòa xưa đến nay.
Trước chia sẻ của ông Sơn, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai nói rằng gốm sứ Biên Hòa đã hình thành từ xa xưa và ngày nay có nhiều chuyển biến. Ngành nông nghiệp cũng mong muốn nghề gốm phát triển mạnh có xuất khẩu, có bán thị trường trong nước và tạo được nét riêng, thương hiệu riêng của gốm sứ địa phương.
Còn về phía ngành công thương, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho nghề gốm truyền thống của tỉnh Đồng Nai phát triển, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ như tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gốm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng điểm du lịch làng nghề…
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công về hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất ngành gốm.
Gốm sứ mỹ nghệ Biên Hòa hình thành từ cuối thế kỷ 19 và sản phẩm gốm sứ Biên Hòa được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng bởi đặc trưng nổi bậtcủa sản phẩm là sự kết hợp của men tro và chất tạo màu.
Tuy nhiên, nghề gốm ở Biên Hoà cũng từng đứng trước nguy cơ mai một vì nhiều nguyên nhân khác nhau như nguồn nhân lực có tay nghề cao ngày càng thiếu hụt; hình thức sản phẩm thiếu tính sáng tạo, đổi mới; thị trường không ổn định; khó khăn về cơ chế chính sách…
Do đó nhiều năm trước, để duy trì và phát triển nghề gốm, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quy hoạch phát triển ngành gốm mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định ngành gốm mỹ nghệ là ngành nghề truyền thống được ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh đã được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng và điều đó cũng giúp khôi phục lại nghề gốm ngày càng phát triển như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.