Nữ du học sinh bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng hơn 2 tháng chưa biết khi nào được về Hà Nội vì lý do này
Về nước hơn 2 tháng, nữ du học sinh vẫn bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng chưa thể về nhà
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 10/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trước quy định mới yêu cầu người dân phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được lên máy bay về Hà Nội, nữ du học sinh Phạm Thị Ngọc Mỹ bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng chưa biết đến bao giờ mới được về với gia đình mình.
Nữ du học sinh bị "mắc kẹt" tại Đà Nẵng hơn 2 tháng sau khi về nước
Ngày 9/10, trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hiền (52 tuổi, trú tại ngõ 310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, con gái bà là Phạm Thị Ngọc Mỹ (23 tuổi) bị "mắc kẹt", một thân một mình ở Đà Nẵng 2 tháng nay chưa được về nhà khiến gia đình rất lo lắng.
Theo bà Hiền, Ngọc Mỹ là du học sinh vừa tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Kỹ sư hoá vật chất, Trường Đại học Tam Kang (Đài Loan). Từ chối nhiều lời mời ở lại đây nghiên cứu làm việc, Ngọc Mỹ đã quyết định quay về lại Việt Nam với người thân gia đình.
Sau nhiều này đăng ký, Ngọc Mỹ đã tham gia chuyến bay nhân đạo từ Đài Loan về nước ngày 8/8 vừa qua vì thuộc diện du học sinh. Nữ sinh cùng các hành khách chuyến bay gồm nhiều phụ nữ mang thai, người già yếu, tàn tật… được cách ly tại Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly, mọi người thuê xe ô tô để về nhà. Riêng nữ du học sinh này bị ốm yếu không thể đi nổi.
"Con gái tôi mắc chứng bệnh rối loạn cảm xúc đột ngột. Trước hôm Đà Nẵng thực hiện theo Chỉ thị 16, mọi người thuê xe đi về các tỉnh thì con bị kiệt sức, không thể nào đi được ô tô. Gia đình tôi động viên con ở lại khi nào có chuyến bay thì xin về Hà Nội.
Những ngày đầu cách ly ở Đà Nẵng, con gặp nhiều khó khăn. Tôi động viên con rằng đây là khó khăn chung của đất nước, tất cả mọi người đều phải chịu hết. Con hãy chia sẻ khó khăn này, con cố gắng lên", bà Hiền nhớ lại.
Sau khi hết 14 ngày cách ly tập trung, gia đình thuê cho Ngọc Mỹ ở lại một khách sạn ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Đến nay sau 2 tháng bị "kẹt" ở Đà Nẵng, Ngọc Mỹ chưa được trở về nhà.
Điều đó càng trở nên khó khăn và xa vời với cô gái này khi TP Hà Nội vừa có quy định đối với hành khách đi máy bay, phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
"Hai tháng nay tôi ở khách sạn, nhiều lần xét nghiệm đều âm tính. Tôi ở Đà Nẵng cũng không thuộc diện được tiêm vaccine vì không tạm trú tại đây. Giờ theo quy định tôi không thuộc diện được về Hà Nội vì chưa tiêm vaccine, điều này rất khó cho tôi", Ngọc Mỹ chia sẻ qua điện thoại.
Chuyên gia y tế nói gì?
Việc con gái chưa biết khi nào được về Hà Nội khiến tâm trạng bà Hiền cùng người thân vô cùng lo lắng suốt nhiều ngày qua. Nhiều đêm bà mất ăn mất ngủ bởi con gái mình là người thường xuyên đau ốm. Bà lo không có ai chăm sóc.
"Từ nhỏ Ngọc Mỹ là đứa trẻ có bệnh về mắt, một mắt thị lực chỉ còn 1/10. Thế nhưng con bé lại có nghị lực chịu thương chịu khó phi thường. Con bé đạt được học bổng toàn phần suốt 4 năm học ở Đài Loan. Giờ vẫn chưa được về nhà khiến tôi rất lo lắng. Nếu theo quy định, con phải tiêm đủ được 2 mũi vaccine thì không biết đến bao giờ mới được về nhà.
Gia đình tôi mong muốn thành phố tổ chức các chuyến bay đưa những trường hợp như con gái tôi mắc kẹt tại Đà Nẵng và một số địa phương khác về nhà. Tôi mong Hà Nội có những chuyến bay như thế, thậm chí chi phí đắt chúng tôi cũng chấp nhận. Nghĩ đến việc đưa con về thôi mà khó khăn quá", bà Hiền chia sẻ thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, những trường hợp công dân bị "mắc kẹt" ở các địa phương thuộc diện đặc biệt "thành phố nên linh động, không áp dụng máy móc".
"Trước đây, Việt Nam tổ chức nhiều chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước. Sau khi hoàn thành cách ly, họ được trở về nhà. Khi đó cũng chưa yêu cầu đủ 2 mũi tiêm vaccine. Giờ những trường hợp như trên đã được về nước nên để họ trở về sau khi đã hoàn thành cách ly, xét nghiệm PCR âm tính. Thêm nữa, tại Đà Nẵng cũng đã mở cửa, không còn là vùng dịch", ông Nga thông tin.
Đồng tình với quan điểm của ông Nga, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng cần điều chỉnh sao cho phù hợp đối với các trường hợp đưa công dân về địa phương.
"Theo tôi tuỳ từng trường hợp, quan trọng đạt mức độ an toàn. Nếu chưa tiêm vaccine thì có thể căn cứ vào phiếu xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Mục tiêu quan trọng nhất không để lây nhiễm cho người khác đừng nên áp dụng máy móc", ông Nhung nêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.