Về vụ cô giáo tố bị “trù dập”: Hãy tôn trọng môi trường sư phạm
Về vụ cô giáo tố bị “trù dập”: Hãy tôn trọng môi trường sư phạm
Thứ hai, ngày 29/03/2021 19:24 PM (GMT+7)
UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra liên ngành liên quan đến các nội dung trong đơn thư phản ánh của cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B.
PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: Để giải quyết thấu đáo vấn đề, hãy cân nhắc đến môi trường sư phạm.
Thanh tra lại toàn bộ vụ việc
Sáng 29/3, UBND huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) công bố quyết định thanh tra số 2449/QĐ-UBND, thanh tra toàn bộ sự việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất - giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B - tố bị "trù dập".
Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, chủ trì cuộc làm việc, Ông Ưng cho hay sự việc liên quan đến trường Tiểu học Sài Sơn B đã có nhiều đơn thư tố cáo và đã có giải quyết. Tuy nhiên, gần đây sự việc tiếp tục có những phản ánh từ báo chí nên UBND huyện tiếp tục thành lập đoàn thanh tra lại sự việc. Khi có kết luận sẽ thông tin tới dư luận và báo chí.
Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Đức Uy, Chánh thanh tra huyện Quốc Oai, làm trưởng đoàn, cùng các thành viên đại diện cho các ban ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, Phòng GD-ĐT, Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Nội vụ, Ủy ban kiểm tra huyện ủy, Công an huyện, để thanh tra toàn diện tất cả các sự việc mà cô Tuất phản ánh cũng như dư luận quan tâm.
Trước đó cô Nguyễn Thị Tuất đã gửi đơn lên cơ quan chức năng trình bày hàng loạt vấn đề khiến cô bị trù dập và bức xúc. Cụ thể, trong quá trình giảng dạy, cô bị nhà trường tìm cách để hạ thấp chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, cô bị Ban giám hiệu phân công giảng dạy không phải thế mạnh về chuyên môn.
Theo cô Tuất, bản thân từng có 6 năm liền là Chiến sĩ thi đua từ năm học 2012 đến năm 2018, có nhiều phụ huynh gửi gắm cho con theo học cô. Tuy nhiên, đã có một số cá nhân đứng sau kích động phụ huynh làm đơn không cho con theo học lớp của cô.
Đặc biệt, sự việc càng đẩy đi xa hơn khi cô giáo này tố cáo học sinh khối 5 do cô giảng dạy liên tục quậy phá, hành hung cô giáo. "Cứ đến tiết học của mình, các học sinh đồng loạt làm việc riêng, không học bài, gây mất trật tự… Thậm chí, có những em còn mang theo chăn đến lớp, chơi bài trong giờ học..."- cô Tuất nêu trong đơn và cho biết thêm về việc này, cô đã nhiều lần báo cáo qua các buổi họp hội đồng, họp tổ, Phòng GD-ĐT huyện".
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trước đây Sở đã giao cho UBND huyện thanh tra đơn thư tố cáo của công dân. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản trả lời, cô Tuất vẫn còn nhiều thắc mắc và không đồng tình với kết luận nên Sở phải lập đoàn để thanh tra lại, kiểm tra mọi vấn đề.
Tại cuộc họp sáng 29/3, ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đã yêu cầu đoàn thanh tra rà soát các nội dung phản ánh của phụ huynh học sinh, cũng như các nội dung mà cô Nguyễn Thị Tuất phản ánh. Ông Ưng đề nghị đoàn thanh tra xác minh một cách đầy đủ, khách quan các mặt của sự việc; đảm bảo khẩn trương nhưng cần chính xác, tránh làm ảnh hưởng các hoạt động dạy- học của nhà trường. Đồng thời yêu cầu Trường Tiểu học Sài Sơn B và cô giáo Nguyễn Thị Tuất phối hợp để đoàn thanh tra làm rõ các nội dung.
Tôn trọng nguyên tắc sư phạm và môi trường sư phạm
Liên quan đến vụ việc, PGS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Đến thời điểm này, chờ kết luận thanh tra toàn diện thì vụ việc mới được sáng tỏ. Ở thời điểm hiện tại không nên vội vàng kết luận ai đúng, ai sai. Nhưng cá nhân tôi, góp ý về vụ việc này, tôi xin ý kiến như sau: Khi thanh tra sự việc, các đồng chí có trách nhiệm, các cá nhân liên quan hãy đặt yếu tố sư phạm lên hàng đầu. Đừng rời xa, đừng bỏ qua nguyên tắc sư phạm, ở nơi mà luôn luôn phải thầy ra thầy, trò ra trò, ban giám hiệu quản lý, điều hành tốt, phụ huynh phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường.
PGS.TS Phạm Tất Dong phân tích: Đối với một môi trường sư phạm, khi có việc gì xảy ra trong lớp học, cô có thể trao đổi với trò. Ví dụ, lí do vì sao con quậy phá trong lớp. Hoặc có thể gọi trao đổi với phụ huynh, hoặc có thể trao đổi, nhờ ban giám hiệu giúp đỡ với những trường hợp không thể quản được trong lớp.
“Tôi lấy ví dụ, một môi trường sư phạm, nếu học sinh không chịu học, sẽ có trao đổi giữa thầy cô, phụ huynh, ban giám hiệu và các em. Ở trường hợp này, mọi thứ vẫn rất vênh nhau. Và chưa nghĩ đến môi trường sư phạm” – PGS.TS Phạm Tất Dong nói.
PGS.TS Phạm Tất Dong cũng đặt vấn đề: “Chính các bậc phụ huynh, cũng phải xem lại sự phối hợp với nhà trường và thầy cô của mình. Tôi nhấn mạnh: Đừng vì sai phạm, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục trẻ. Các cơ quan quản lý trước kia từng chứng nhận cô Tuất là giáo viên dạy giỏi, giờ điều chuyển cô khi chưa đáp ứng được năng lực giảng dạy, thành tích của học sinh yếu kém, cũng nên xem xét lại nguyên nhân. Đúng ra, khi một nhà giáo đang từ dạy giỏi, trở thành dạy chưa đạt yêu cầu, thì cần tìm hiểu nguyên nhân, nêu hướng khắc phục. Khi làm rõ các sự việc, hãy ổn thỏa các bên, và phải giữ vững nguyên tắc: Tôn trọng một môi trường sư phạm mẫu mực.
Bởi theo ông Dong, nếu căng thẳng, nếu ai cũng cho mình đúng, co cụm tư duy thì không thể vì sự phát triển của học sinh, của thầy và của chính nhà trường được.
Ông Nguyễn Đức Uy, Chánh thanh tra huyện Quốc Oai cho hay quá trình thanh tra sẽ diễn ra công khai, minh bạch, đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình dạy học của nhà trường. Tại cuộc họp, cô Nguyễn Thị Tuất cho hay, bản thân cô rất đồng tình với quyết định thanh tra làm rõ vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.