Vén màn vụ mưu sát Tổng thống Mỹ Richard Nixon

Văn Hòa (Theo History Chanel, ANTG) Thứ năm, ngày 18/06/2020 20:30 PM (GMT+7)
Sáng ngày 22/2/1974, trong khi cuộc sống vẫn diễn ra bình thường tại thủ đô Washington, thì trong vòng bí mật, an ninh được tăng cường tại Nhà Trắng và các khu vực chung quanh. Riêng Tổng thống Richard Nixon cùng gia đình được bảo vệ nghiêm ngặt và đặt trong tình trạng rời Nhà Trắng để được đưa đến một nơi an toàn nếu tình huống xấu xảy ra.
Bình luận 0

Bởi vì vào lúc 9 giờ 5 phút tại sân bay quốc tế Baltimore-Washington không xa mấy thủ đô Washington đang xảy ra một vụ không tặc để đâm máy bay xuống Nhà Trắng nhằm giết hại Tổng thống Nixon. Thủ phạm, một công dân Mỹ tên Samuel Byck, đã ghi âm kế hoạch mưu sát Nixon, được đặt tên là kế hoạch Chiếc hộp Pandores và gửi đến cho nhà báo nổi tiếng Jack Anderson trước khi ra tay.

Vén màn vụ mưu sát Tổng thống Mỹ Richard Nixon - Ảnh 1.

Cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Samuel Joseph Byck sinh ngày 30/1/1930 trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái nghèo khó sống ở ngoại ô thành phố Philadelphia . Năm 1954, đang học đại học nửa chừng, Byck bỏ ngang để đăng ký gia nhập quân đội. Năm 1956, sau khi được giải ngũ, Byck lập gia đình với một bạn gái thuở nhỏ rồi lao vào kinh doanh đủ mọi ngành nghề nhưng đa phần đều gặp thất bại. Quẫn trí, đã hai lần Byck toan tính tự tử nhưng đều được cứu sống và buộc phải đưa vào bệnh viện để chạy chữa chứng trầm cảm vào cuối năm 1971.

Trở lại cuộc sống bình thường, Byck cho rằng chính hậu quả của cuộc chiến tranh mà chính quyền Nixon gây ra tại Việt - Nam là di chứng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội Mỹ và đẩy những người như Byck lâm vào cảnh nghèo khó. Đã ba lần Byck biểu tình tuyệt thực ngay trước Nhà Trắng đòi Tổng thống Nixon từ chức nhưng đều bị lực lượng bảo vệ Nhà Trắng giải tán. Từ đó Byck được bí mật liệt vào danh sách những người bị theo dõi bởi Cục Điều tra liên bang (FBI). Bất bình nối tiếp bất bình, Byck quyết định ra tay giết hại Tổng thống Nixon bằng cách không tặc một chiếc máy bay chở hành khách loại lớn để đâm xuống Nhà Trắng vào lúc Nixon có mặt tại đó.

Giữa tháng 2/1974, Byck đánh cắp một khẩu súng ngắn cỡ 22 (7,35mm) của một người bạn để thực hiện vụ không tặc cùng với việc ngụy trang 2kg chất nổ được gắn ngòi vào một vali xách tay. Ngoài ra, Byck còn cho ghi âm một cuộn băng giải thích hành động phải giết bằng được Tổng thống Nixon của mình và gọi đó là kế hoạch Chiếc hộp Pandores rồi gửi đến cho nhà báo nổi tiếng Jack Anderson. Trong cuộn băng ghi âm, Byck hy vọng mọi người không kết tội và cũng không tôn vinh mình mà nên xem đó là một hành động cần phải làm của một công dân Mỹ yêu nước.

Vào sáng sớm ngày 22/2/1974, Byck lái xe đến sân bay quốc tế Baltimore-Washington, gửi xe vào một bãi đổ rồi đột nhập lên một chiếc máy bay chở hành khách loại DC-9 của Hãng Hàng không Delta, chuyến bay 523, chuẩn bị cất cánh đến thành phố Atlanta, sau khi bắn chết viên sĩ quan an ninh mặt đất George Neal Ramsburg. Do tổ phi công điều khiển máy bay cố tình trì hoãn không cho máy bay cất cánh theo lệnh của mình nên Byck tiếp tục bắn chết cả hai phi công chính và phụ là Reese Lofton và Fred Jones, rồi buộc một tiếp viên phải điều khiển cho máy bay cất cánh. Sau đó, Byck liên lạc với trạm không lưu yêu cầu cử một phi công khác đến cho máy bay cất cánh nếu không sẽ cho làm nổ tung máy bay.

Đến 10 giờ ngày 22/2/1974, toàn bộ sân bay quốc tế Baltimore-Washington được đặt trong tình trạng báo động cao. Cảnh sát và quân đội bao vây chặt máy bay và chính nhờ hành động dũng cảm của thanh tra cảnh sát Charles Tyer đã cứu được hàng trăm sinh mạng hành khách của chuyến bay 523. Giả dạng làm phi công được điều đến theo yêu cầu của Byck, thanh tra Tyer đã bắn bị thương ngay kẻ không tặc khi vừa đặt chân lên máy bay. Rút lui vào cố thủ trong buồng lái thêm một thời gian, Byck tự tử bằng một phát súng bắn vào đầu.

Theo nhiều nhân chứng thì Byck chưa chết ngay sau khi tự tử mà còn cố thều thào: “Xin cứu tôi” nhiều lần cho đến khi chết hẳn. Bên cạnh thi thể Byck còn có chiếc vali xách tay trong có chứa 2kg thuốc nổ đã gài ngòi sẵn. Người ta không hiểu tại sao Byck lại không cho nổ để phá tung máy bay như từng tuyên bố trước đó với các nhân viên không lưu. Phải chăng Byck cho rằng vật giết người hàng loạt đó chỉ dùng để giết hại Tổng thống Nixon chứ không phải để giết hại 183 hành khách trên chuyến bay 523.

Vào thời kỳ đó, căn cứ vào Đạo luật Bảo vệ an ninh quốc gia được ban hành vào năm 1972 sau khi xảy ra nhiều hành động phá rối mang tính chất khủng bố được nhiều tổ chức vũ trang và bán vũ trang của người da đen, của các tổ chức cánh tả, thực hiện trên lãnh thổ Mỹ, chính quyền liên bang yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng không được loan tin ầm ĩ về vụ không tặc máy bay để đâm xuống Nhà Trắng nhằm giết hại Tổng thống Nixon của Samuel Byck, mà chỉ đưa tin về một vụ không tặc máy bay không thành của một kẻ tâm thần bất ổn, do lo ngại sẽ diễn ra nhiều trường hợp không tặc máy bay để thực hiện hành vi tấn công tự sát xuống Nhà Trắng trong tương lai.

Vào tháng 2/2002, vụ âm mưu giết hại Tổng thống Richard Nixon của Samuel Byck xuất hiện trở lại trong báo cáo của Ủy ban điều tra về sự kiện khủng bố 11/9/2001. Đến đầu năm 2004, biết mình không còn sống bao lâu vì căn bệnh Parkinson quái ác, nhà báo lão thành Jack Anderson, từng được Ngoại trưởng Henry Kissinger gọi là “Con người nguy hiểm nhất nước Mỹ” đã cho công khai cuốn băng ghi âm về kế hoạch mưu sát Tổng thống Nixon mà Samuel Byck đã gửi cho ông cách đó 30 năm, trên kênh truyền hình Mỹ History Channel.

Chính từ tài liệu quan trọng này mà kênh truyền hình History Channel đã thực hiện một cuốn phim tài liệu có nhan đề "Âm mưu giết hại Nixon". Không dừng tại đây, đạo diễn Niels Mueller có sự cộng tác của đạo diễn Oliver Stone đã cho chuyển thể bộ phim tài liệu "Âm mưu giết hại Nixon" của kênh truyền hình History Chanel thành phim truyện có tiêu đề "Vụ ám sát Richard Nixon" do diễn viên gạo cội Sean Penn vào vai Samuel Byck, được trình chiếu ở Mỹ vào tháng 3/2005. Bi kịch về cuộc đời của Samuel Byck còn được nhà viết kịch Stephen Sondheim dựng thành vở kịch được trình diễn trên sân khấu Nhà hát kịch Brodway vào năm 2004

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem