Được dự World Cup - với đội bóng áo đỏ sao vàng, giấc mơ ấy từng quá xa vời, nhưng lúc này mọi thứ lại thay đổi, đó đang trở thành một cái đích rất thực tế.
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã thông qua việc mở rộng số lượng đội tham dự World Cup 2026 từ 32 lên 48. Điều này cũng đồng nghĩa với việc suất tham dự sân chơi lớn nhất hành tinh này của các châu lục cũng tăng lên. Số lượng đội bóng châu Á tăng lên 8,5 suất, trong đó có 8 suất chính và 1 suất đấu play-off liên lục địa. Số lượng đội bóng dự World Cup tăng lên cũng đồng nghĩa với việc cơ hội sẽ mở ra cho các đội bóng nhỏ trong khu vực. Nhiều người chỉ trích rằng điều này sẽ khiến World Cup trở nên loãng hơn, kém chất lượng hơn, nhưng chưa chắc. Tại World Cup 2022, nhìn các đội bóng châu Á chơi thực sự thành công (Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia lọt vào đến vòng loại trực tiếp), thì có thể thấy trình độ các đội bóng đã lên rất nhiều rồi và khoảng cách giữa các khu vực không còn quá xa.
HLV Park Hang-seo cũng chia sẻ: "Ở World Cup 2022, các đội châu Á như Nhật Bản, Ả rập Xê út đã thắng được Đức, Argentina. Điều này không nói toàn bộ bóng đá châu Á đã phát triển, nhưng chúng ta đang đi lên".
"Nếu không có hệ thống tốt để đưa ra tầm nhìn, mục tiêu thì đó chỉ là mong ước".
HLV Park Hang-seo
Dĩ nhiên, chúng ta cũng có quyền mơ mộng. Ở châu Á, Việt Nam chưa khi nào có tên trong Top 5, tuy nhiên chúng ta đã từng gây sốc khi lọt vào đến vòng loại cuối để cạnh tranh trực tiếp một suất trong nhóm 6 đội dự World Cup 2022. Việc ĐT Việt Nam kết thúc vòng loại cuối này ở vị trí cuối bảng cũng chẳng khiến ai bất ngờ bởi so với các đối thủ còn lại, chúng ta thua kém họ nhiều thứ. Nhưng điều này đã mang đến giấc mơ đẹp hơn cho đoàn quân áo đỏ cũng như mang tới sự tự tin về cơ hội góp mặt ở một kỳ World Cup nếu tiếp tục duy trì được sự sự tiến bộ như thời gian qua.
Phải chuẩn bị nhiều hơn
Theo như thông báo từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), để chọn ra 8,5 suất, AFC sẽ thay đổi cách thức thi đấu của vòng loại World Cup 2026. Ở vòng sơ loại, 22 đội xếp từ hạng 26 - 47 khu vực châu Á sẽ bốc thăm đối đầu trực tiếp thi đấu theo thể thức sân nhà - sân khách, 11 đội thắng sẽ lọt vào vòng loại thứ hai. Đội tuyển Việt Nam đang trong tốp 100 thế giới và đứng thứ 17 châu Á. Nếu giữ được vị trí này, chúng ta có thuận lợi không hề nhỏ khi không phải đá vòng sơ loại.
Theo đánh giá từ chính HLV trưởng Park Hang-seo sau trận thắng CLB Dortmund, ĐT Việt Nam đang ở tầm châu lục. Chúng ta cũng đã phần nào tiệm cận đến trình độ của bóng đá thế giới nếu tiếp tục giữ vững sự tự tin và duy trì được phong độ ổn định như hiện tại… Ông Park không quá lời, bởi lẽ trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã có được những bước phát triển có thể nói là thần tốc. Chúng ta không chỉ còn khao khát hay đặt mục tiêu thành công ở các giải khu vực mà đặt mục tiêu xa hơn tới tầm châu lục, phải thành công ở các giải như ASIAN Cup, ASIAD hay các giải U23, U19 châu Á và dĩ nhiên là cả vòng loại World Cup. Đó không phải là điều viển vông bởi Đội tuyển Việt Nam đã từng có những chiến thắng hay những trận đấu ngang ngửa trước các đội bóng mạnh như Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia (những đội bóng vừa dự World Cup 2022)…
Thế nên cũng không lạ khi tại Đại hội VFF mới đây, lãnh đạo VFF đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể như Đội tuyển Việt Nam phấn đấu vào top 10 châu Á, giành quyền vào vòng loại thứ ba FIFA World Cup 2026 khu vực châu Á, cạnh tranh cơ hội dự vòng chung kết FIFA World Cup 2026 và hướng tới tham dự vòng chung kết World Cup 2030.
HLV Park Hang-seo chia sẻ: "VFF đã đưa kế hoạch dự World Cup vào năm 2030. Vấn đề lúc này là chúng ta cần phải làm gì, bóng đá chúng ta có hệ thống đủ tốt chưa? Từ nuôi dưỡng cầu thủ, huấn luyện… chúng ta xem những cầu thủ trẻ được đào tạo, đầu tư cho họ bằng cách nào và như thế nào. Nếu không có hệ thống tốt để đưa ra tầm nhìn, mục tiêu thì đó chỉ là mong ước, không bao giờ làm được".
Kể từ khi đến với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã góp công lớn trong việc xây dựng nên một hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, các cầu thủ được chuẩn bị tốt và có sự kế thừa, lớp này nghỉ đã có lứa kế cận sẵn sàng thay chỗ. Đội tuyển Việt Nam đang có được một thế hệ cầu thủ đầy tài năng như Quang Hải, Văn Lâm, Hùng Dũng, Ngọc Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Hoàng Đức…; lứa trẻ cũng có những cái tên nổi bật như Thanh Bình, Việt Anh, Thanh Nhân, Văn Khang, Tấn Tài… Họ hiện đủ sức để vẫy vùng ở trình độ châu lục và sẵn sàng chiến đấu với nhóm đại gia. Nhưng dĩ nhiên đừng vội ngủ quên, chân không chạm đất. Họ cần phải rèn giũa thêm nữa, nâng cao trình độ bản thân hơn nữa mới mong thành công.
Bên cạnh tài năng, tâm lý và bản lĩnh cũng là vấn đề còn tồn tại. Qatar là chủ nhà và mạnh mẽ như thế nhưng vẫn thua tan tác ở World Cup, đó là vấn đề bản lĩnh. Họ dĩ nhiên chẳng thể so với Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia - những đội thường xuyên góp mặt ở sân chơi này. Thế nên ĐT Việt Nam cũng không thể không chuẩn bị điều đó. Đá nhiều, cọ xát nhiều với các đội bóng mạnh, điều đó sẽ giúp nâng trình độ và nâng bản lĩnh mỗi tuyển thủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.