Thành công nhờ… bầu Hiển
Ông Tanaka Koji, Trưởng Ban tổ chức (BTC) V.League mở đầu cuộc họp bằng bài phát biểu chỉ ra nhiều điểm yếu kém của bóng đá Việt Nam (BĐVN). Vị chuyên gia người Nhật Bản khẳng định rằng trình độ của BĐVN không hề thấp mà bằng chứng là 2 câu lạc bộ (CLB) ở V.League đã lọt vào tới tứ kết AFC Cup.
Nguyên nhân chính khiến V.League kém hấp dẫn, số lượng khán giả ngày càng ít đến sân là do thái độ thiếu chuyên nghiệp của các CLB. Ông Koji bày tỏ: “Nhiều cầu thủ và lãnh đạo đội bóng không hề am hiểu luật bóng đá nên xảy ra tình trạng thường xuyên đôi co với trọng tài, khiến thời gian bóng chết rất nhiều. Bình quân mỗi trận chỉ có 51 phút/90 phút bóng sống, thấp hơn so với chuẩn của châu Á là 60 phút. Đấy là chưa kể, các cầu thủ lười di chuyển, bình quân mỗi cầu thủ chỉ di chuyển 5,4 km/trận, thấp hơn rất nhiều so với các nước có trình độ bóng đá phát triển”.
Bản tổng kết của mùa giải cũng đã chỉ ra ở V.League 2014, số lượng khán giả trung bình giảm xuống hẳn so với mùa giải 2013 (7 nghìn so với hơn 9 nghìn). Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch VFF đồng tình ý kiến của ông Koji: “Dù có thế nào đi nữa thì việc khán giả giảm xuống thể hiện chất lượng giải đấu đi xuống. Các CLB cần phải xem lại mình”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh những “vết đen”, ông Dũng cũng như lãnh đạo CLB Thanh Hóa, SLNA đều khẳng định mùa giải 2014 kết thúc tốt đẹp nhờ… bầu Hiển đã “chơi đẹp”, không can thiệp vào chuyên môn của 2 đội SHB.Đà Nẵng, Hà Nội T&T. Việc Bình Dương lên ngôi vô địch là một đoạn kết công bằng, trung thực chứ không như các mùa giải trước đó luôn bị đặt trong nghi ngờ.
Cương quyết xóa sạch tiêu cực
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA đã có ý kiến phản biện liên quan tới những quyết định mạnh tay của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ở mùa giải vừa qua. Ông Thanh nói: “Chúng ta không nên kỷ luật theo cảm tính mà phải dựa vào luật. Trọng tài sai thì nên cho họ có cơ hội sửa chữa chứ không nên loại vĩnh viễn. Cầu thủ cũng thế, va chạm trên sân đã có trọng tài và khung hình phạt hẳn hoi, không nên vì dư luận mà phạt vượt khung”.
Tuy nhiên, ý kiến của ông Thanh ngay lập tức bị ông Lê Hùng Dũng đáp trả. Ông Dũng khẳng định: “Bây giờ mà chờ bằng chứng trọng tài tiêu cực thì chẳng bao giờ tìm được vì họ nhận tiền mặt và kín lắm. Tôi nói thẳng, chỉ cần trọng tài biểu hiện nghi ngờ tiêu cực là tôi loại vĩnh viến chứ không cần chờ bằng chứng gì cả. Còn cầu thủ bạo lực, chơi xấu là phải phạt thật mạnh mới răn đe được chứ nghỉ một vài trận thì ai sợ”.
Ông Dũng cũng khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của BĐVN hiện nay là chống tiêu cực bằng mọi giá, bất kể phải loại bao nhiêu cầu thủ, bao nhiêu đội cũng phải làm: “Tôi phải mất 3 tiếng ngồi thuyết phục anh Trường (bầu Trường của V.Ninh Bình) thì anh ấy mới chịu tố cáo các cầu thủ bán độ. Anh ấy bỏ ra 500 tỷ nuôi bóng đá đương nhiên rất khó để tố cáo nhân viên của mình. Nhưng tôi bảo anh ấy phải làm sạch, BĐVN mới phát triển được. Anh ấy đã đồng ý, và tiếp tục duy trì đào tạo bóng đá trẻ để 3-5 năm sau trở lại. Chúng ta chấp nhận đau thương để hướng đến tương lai chứ không thể sống chung với ung nhọt”.
Ông Lê Hùng Dũng yêu cầu VFF, VPF phải nghiên cứu để đưa vào điều lệ giải về quy chế phát ngôn của các lãnh đạo đội bóng: “Những ai lên báo dọa bỏ giải như kiểu nói của cựu huấn luyện viên Nhan Thiện Nhân (An Giang) là phải phạt nặng, 200 triệu đồng trở lên với cá nhân. Nếu đấy là ý kiến tập thể, tôi đề nghị xóa tên đội ấy, cho xuống hạng Ba thi đấu, còn bao nhiêu, chơi bấy nhiêu”. Ông Dũng kết luận.
Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch VPF tiết lộ sau khi Eximbank không còn là nhà tài trợ cho V.League mùa sau nữa, VPF đã phải thương thảo với các đối tác trong 3 tháng nay. Rất có thể V.League 2015 sẽ gắn tên với một nhà tài trợ từ nước ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.