Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lý Hoàng Nam và đơn vị chủ quản quyết định không tham gia ĐT quần vợt Việt Nam (VTF). Mâu thuẫn giữa Lý Hoàng Nam và Liên đoàn quần vợt Việt Nam xuất phát từ việc không thống nhất tiền thưởng cho cho tay vợt số 1 Việt Nam. Anh đưa ra điều kiện yêu cầu Liên đoàn quần vợt Việt Nam phải hỗ trợ kinh phí tập luyện và thưởng riêng 200 triệu ngoài tiền thưởng theo chế độ mà Nhà nước ban hành cho các vận động viên đạt thành tích ở SEA Games.
Lý Hoàng Nam cho biết: "Trước khi ĐT Việt Nam thi đấu Davis Cup tranh suất lên nhóm 2 với ĐT Indonesia, tôi đã trao đổi với ông Đoàn Thanh Tùng, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Việt Nam và đề nghị chuẩn bị cho SEA Games, từ tháng 2/2023. Mỗi tháng tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để tập luyện, thi đấu trong nước lẫn nước ngoài, đồng thời tôi sẽ được thưởng 200 triệu đồng nếu đoạt HCV đơn nam".
Theo tay vợt này, với thành tích và cống hiến của mình, anh xứng đáng được hưởng những ưu đãi và chế độ đãi ngộ đặc biệt.
"Tôi đã đoạt HCV liên tiếp 2 kỳ SEA Games 30, 31. Cả 2 lần, tôi chỉ nhận tiền thưởng theo tiêu chuẩn của Nhà nước, ngoài ra, không có bất kỳ tiền thưởng nào từ Liên đoàn quần vợt Việt Nam. Như mọi người đều biết, chi phí cho một vận động viên quần vợt đỉnh cao rất tốn kém, điều tôi cần từ Liên đoàn quần vợt Việt Nam không phải là tiền bạc mà là sự quan tâm, trân trọng những gì đóng góp của tôi nói riêng và Tập đoàn Hải Đăng, đơn vị chủ quản của tôi nói chung", Hoàng Nam cho biết thêm.
Tập đoàn Hải Đăng, đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam cũng bức xúc không kém tay vợt này.
Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch Tập đoàn Hải Đăng, cho biết: "Mỗi năm, chỉ riêng việc đầu tư cho Hoàng Nam gồm cả HLV chuyên môn, HLV thể lực trong việc di chuyển, thi đấu, ăn, ở trong nước và đặc biệt là nước ngoài cũng khoảng 5 tỷ đồng. Tôi nói con số này không phải kể công mà là cho mọi người biết để thấy rằng, đề nghị của Hoàng Nam hỗ trợ trong việc chuẩn bi SEA Games 32 tính từ tháng 2 đến khi thi đấu SEA Games chỉ có 3 tháng là 150 triệu đồng cùng tiền thưởng 200 triệu đồng phải là của Liên đoàn quần vợt Việt Nam, không phải của Nhà nước, thì có quá đáng?
Với những gì VTF và lãnh đạo ngành đối xử không trân trọng, xem thường chúng tôi bao năm qua, đặc biệt với những gì VTF không quan tâm ĐT quần vợt Việt Nam ở Davis Cup, tôi quyết định sẽ không chấp thuận bất kỳ VĐV nào của Hải Đăng Tây Ninh tham gia ĐT Việt Nam dù có nhận được quyết định triệu tập".
Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Tùng, Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Việt Nam cho biết, việc quyết định thành lập đội tuyển có muộn nên thông báo ứng trước tiền ăn, tiền công. Sau đó, Tổng cục TDTT chi trả sau. Riêng tiền ở do ban tổ chức lo và việc đi lại cả đội phải đi bộ do đội ở gần lại không yêu cầu hỗ trợ nên không cấp xe đi chuyển. Còn việc những yêu cầu về chế độ đãi ngộ, thưởng như yêu cầu của Lý Hoàng Nam thì liên đoàn khó đáp ứng khi nguồn kinh phí hiện tại hạn hẹp, các nhà tài trợ cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Nói về việc quản lý và chăm lo ĐT quần vợt Việt Nam tại Davis Cup, ông Tùng cho biết: "Đội tuyển quốc gia không trực thuộc VTF. Do đó, việc ăn ở, đi lại, tập luyện, thi đấu như thế nào là trách nhiệm, quản lý của Tổng cục TDTT và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM".
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: "Tôi xin lỗi các thành viên ĐT quần vợt Việt Nam tại Davis Cup vì những thiếu sót thời gian qua. Chúng tôi sẽ trao đổi với Hải Đăng Tây Ninh và Lý Hoàng Nam để làm rõ các vấn đề liên quan".
Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, tiêu chuẩn, chế độ của HLV đội tuyển quốc gia là 375.000 đồng/người/ngày và VĐV đội tuyển quốc gia là 270.000 đồng/người/ngày.
Các vận động viên như Nguyễn Thị Oanh vừa giành HCV châu Á cũng được hưởng chế độ như trên. Họ cũng không hề than phiền và nỗ lực hết mình để thi đấu. Ở một số môn võ, trong đó có Vovinam, các vận động viên còn tự đóng tiền hoặc địa phương hỗ trợ các khoản như vé máy bay để được tham dự các giải khu vực, châu lục và thế giới.
Họ cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo mà không đòi hỏi phải thưởng riêng như Lý Hoàng Nam. Điều đó cho thấy, có thể yêu cầu của Lý Hoàng Nam phù hợp với mục đích để anh tập luyện và thi đấu tốt, nhưng so với những vận động viên khác họ còn mang về nhiều thành tích hơn Lý Hoàng Nam vậy mà sự đầu tư và đòi hỏi của họ chỉ bằng phần nhỏ của tay vợt số 1 Việt Nam.
Phía Hải Đăng Tây Ninh, ông Thái Trường Giang cho biết sẽ không gặp ông Phấn. Ông cho rằng Tổng cục TDTT cần xem lại cách làm việc của những người có trách nhiệm và Liên đoàn quần vợt Việt Nam phải có những động thái tích cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.